11/11/2015 09:06 GMT+7

Xây trên đứt gãy

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Mới thứ tư 28-10 vừa qua, người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam vui mừng khôn xiết trước tin “Vay hơn 28 tỉ yen vốn ODA xây Bệnh viện Chợ Rẫy Hữu nghị Việt - Nhật”.

Càng yên tâm hơn nữa khi đọc trong bản tin chi tiết: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế cần hạn chế việc sử dụng vốn dự phòng từ vốn vay, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng mục đích của dự án - được biết tổng mức đầu tư dự án này dự kiến quy ra khoảng 287,9 triệu USD.

Không quá đáng khi nói rằng dân chúng hết sức mừng vui trước tin này do lẽ cho đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy, hoàn thành năm 1974 từ viện trợ Nhật, vẫn là bệnh viện tuyến cao nhất được người dân phía Nam tìm đến suốt 41 năm qua, và do đó chật như “hộp cá mòi dựng đứng”.

Vài năm tới, sẽ có thêm 1.000 giường bệnh trong một Bệnh viện Chợ Rẫy “2”, sẽ là phước lớn cho cả người đi vay ODA Nhật lẫn người dân lâm bệnh hiểm nghèo.

Mừng chưa được bao lâu đã đọc phải những tin liên tiếp như Khánh Hòa chi 4.300 tỉ đồng xây khu trung tâm hành chính hình tổ yến, rồi Hải Phòng trình đề án xây dựng hạ tầng khu đô thị trung tâm hành chính - chính trị với số vốn lên đến 10.000 tỉ đồng, trong đó xin ngân sách trung ương đến 6.854 tỉ đồng!

Khoan nói đến tính hợp thời của các trung tâm hành chính tập trung vào thời đại e-government (chính phủ điện tử), mà chỉ muốn cùng nhìn hiện tượng “xây” này trong góc độ kinh tế.

Nhà kinh tế học hàng đầu của Pháp cuối thế kỷ trước Jacques Attali đã dành hẳn một chương trong tác phẩm L’anti-économique (Phản kinh tế, nxb PUF, 1974) để giới thiệu năm thang bậc chi tiêu.

Để đánh giá xem một khoản chi tiêu như thế nào là hợp lẽ (khôn ngoan) thông thường, là hợp lý, hãy cân nhắc xem đó có phải là (1) cái không thể thiếu được, (2) cái cần thiết, (3) cái hữu ích, (4) cái thoải mái, (5) cái sang trọng - xa xỉ.

Tất nhiên, sự cân nhắc đó còn căn cứ vào tình hình tài chính chung đang dư dả hay sắp vỡ nợ. Thật ra giáo sư Attali, lúc đó của Đại học Vincennes, chỉ nhắc lại một bài khóa của bậc trung học, tất nhiên ở quy mô đào sâu hơn.

Đem giảng 5 thang bậc chi tiêu này cho học sinh lớp 10 rồi bảo các em tự nêu thí dụ chi tiêu và tự cân nhắc - điều mà ngày xưa người viết bài này đã được làm trong giờ nghị luận đạo đức - tin chắc các em sẽ nhận ra ngay lúc nào cần xài cái gì, như thế nào, lúc nào không...

Những bài học đó góp phần tạo nên sự trưởng thành, để đừng trở thành những đứa trẻ hoang phí suốt đời.

Nếu đem so các dự án xây hạ tầng, trung tâm hành chính - chính trị đó với chuyện Thủ tướng sang Nhật hồi tháng 7 năm nay, gặp Thủ tướng Nhật và nghe ông hứa “dành nguồn vốn ODA ở mức cao giúp Việt Nam phát triển bền vững; cam kết cung cấp ODA vốn vay cho dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2 (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Nhật)”, bỗng thấy có một sự xót xa vô cùng.

Cái bệnh viện “Chợ Rẫy 2” phải vay vốn Nhật kia, để phục vụ hàng chục triệu dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam như là bệnh viện tuyến cao nhất quy ra cũng mới chỉ 287,9 triệu USD; trong khi cái khu đô thị trung tâm hành chính - chính trị tương lai ở Hải Phòng quy ra sẽ là 446,1 triệu USD!

Xin mạn phép nhắc lại rằng những cách chi tiêu như thế đang ngày càng tạo nên những “đứt gãy xã hội” (một cụm từ chuyên môn trong lĩnh vực khoa học xã hội chứ không phải do người viết tự chế ra) hoàn toàn không nên để xảy ra.

Điều đó cũng tương tự như việc không ai xây cất các công trình to lớn, thiếu an toàn trên những vùng đất có đứt gãy địa chất.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên