31/10/2015 09:15 GMT+7

​Câu “thần chú” của nợ công

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TT - Hụt ngân sách vì chi tiêu quá nhiều. Đúng, nhưng chưa nói hết bản chất của vấn đề. Trên bình diện tổng đồ cân đối quốc gia, nợ phải được đối ứng với tài sản.

Tàu mẫu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông lần đầu tiên được trưng bày tại Hà Nội vào sáng 29-10. Dự án này vừa đề xuất tăng vốn lên hơn 868 triệu USD - Ảnh: Nguyễn Khánh

Singapore có nợ công tăng đều năm này sang năm khác, từ mức 70% năm 1990 lên đến 105% GDP năm 2015. Nhưng giá trị thực của tài sản được tạo ra từ khoản nợ trên thậm chí còn lớn hơn gấp nhiều lần dù nợ tăng thêm.

Bảng cân đối kế toán quốc gia của Singapore là cực kỳ khỏe mạnh khi tài sản lớn hơn nợ rất nhiều. Và cứ thế lượng tài sản này, như cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, đã dẫn dắt để tạo ra mức thặng dư ngân sách tăng đều hằng năm cho đảo quốc này.

Ngược lại, nợ công Việt Nam dự kiến đến cuối năm bằng 61,3% GDP nhưng có ai dám khẳng định tài sản quốc gia ít ra cũng phải tăng tương ứng?

Nợ quốc gia tăng có phần do dùng để chi tiêu thường xuyên thay vì chi đầu tư phát triển, hay đầu tư không hiệu quả và lãng phí thì liệu có thể tạo ra tài sản bằng 61,3% GDP?

Bảng cân đối kế toán quốc gia không lành mạnh với ý nghĩa nợ ngày càng tăng, còn tài sản quốc gia không tăng theo kịp, thậm chí ngày càng bị hao hụt hay chỉ “đắp chiếu”, là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thâm hụt ngân sách và do đó nợ công tăng triền miên.

Đó mới là bản chất của vấn đề. Còn nếu chỉ máy móc nhìn vào con số nợ công vẫn trong mức cho phép của Quốc hội, mọi người sẽ dễ bị ru ngủ mọi thứ cho đến giờ vẫn trong ngưỡng an toàn.

Chính phủ các nước thường thích sử dụng “những vấn đề mang tính khái niệm” để tìm mọi cách giữ nợ công ở ngưỡng an toàn.

Chẳng hạn chỉ cần một phép hoán đổi phát hành nợ quốc tế mới trả cho nợ cũ. Hay bán tài sản quốc gia và đặt tên chúng bằng một mục thu ngân sách nào đó. Tất cả khoản này dùng để trả nợ hay chi tiêu và nợ công vì vậy vẫn luôn trong ngưỡng an toàn.

Chỉ đến khi khủng hoảng xảy ra như Hi Lạp hiện nay, người dân mới biết mọi điều trước đó chỉ là vấn đề đánh tráo khái niệm.

Ít người để ý tài sản quốc gia từ các quá trình hoán đổi này liệu tăng lên hay đã giảm đi. Một phép thử nhỏ để biết tài sản quốc gia có tăng lên tương ứng với nợ công tăng lên là nhìn vào thâm hụt hay thặng dư ngân sách.

Nếu hàng chục năm trời mà không có thặng dư hay chí ít thâm hụt ngân sách không giảm thì có lẽ tài sản quốc gia không đủ để tạo ra nguồn thu trả nợ và chi tiêu.

Từng dự án, từng chương trình và kế hoạch chi tiêu của Chính phủ nếu không được phản biện, giám sát đến cùng mà chỉ tranh luận qua loa rồi biểu quyết thông qua ở Quốc hội thì khoảng trống mênh mông giữa nợ công và tài sản quốc gia ngày càng xa diệu vợi. Đó mới là bản chất của thâm hụt ngân sách và nợ công hiện nay.

Vì vậy, khi đề cập đến nợ công đừng bắt đầu và hài lòng với câu thần chú “ngưỡng an toàn” mà hãy nhìn sâu hơn, đó là giữa nợ và tài sản quốc gia.

Nếu để mất cân đối, nợ nhiều hơn tài sản, đó không chỉ là nguy cơ trước mắt mà còn cho nhiều thế hệ sau.

TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên