Nông dân trồng khoai lang tím lỗ nặng do giá khoai rớt, khó tiêu thụ - Ảnh: P.NGUYÊN |
Và đâu chỉ khoai lang, ở khu vực miền Tây, mấy ngày nay nông dân lại chết điếng vì sự rớt giá thê thảm của trái chanh.
Thoáng qua cái tít của tin “40kg chanh không bằng ổ bánh mì” khiến ai cũng phải nao lòng trước nỗi lận đận của người nông dân.
Và trước đó không lâu là sự tuột giá của hành tím, cà chua, của thanh long, dưa hấu ở nhiều vùng miền, tất cả đều là nỗi đau thua lỗ của những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”!
Đó là những câu chuyện cụ thể, nho nhỏ.
Còn ở tầm vĩ mô, thì đây: khảo sát về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố thì GDP bình quân đầu người ở nông thôn Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất của khu vực Đông Nam Á (Tuổi Trẻ Online ngày 7-8-2015).
Không buồn sao được khi nhập vào quỹ đạo phát triển, không tiến thêm lên là tụt hậu chứ không phải là còn đứng được ở chỗ cũ!
Tuy đã có nhiều chính sách nhằm giúp người nông dân bớt cơ cực và sớm thoát khó nghèo nhưng tựu trung hiệu quả vẫn còn thấp.
Đã đến lúc phải đặt lại cán cân đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thích đáng, hợp lý và mạnh mẽ, quyết liệt hơn thay vì nhỏ lẻ, cầm chừng, chiếu lệ so với những ưu tiên quá mức cho thành thị, cho những dự án ở các khu vực khác tuy được có “luận chứng” tốt nhưng thực chất không mấy hiệu quả, thậm chí là lãng phí, vô bổ.
Phải xác nhận rõ rằng đầu tư cho khu vực “tam nông” là cách hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước có hiệu quả cao. Rõ ràng là bao lâu nay chính khu vực này đã góp phần tích cực vào tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Vẫn biết các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hoạch định chính sách vẫn làm việc để cho ra những giải pháp hỗ trợ cần thiết cho nông dân.
Nhưng đến nay thấy vẫn cần có phương cách trợ giá cho nông dân với một số sản phẩm chủ yếu mà họ bán ra và mua vào.
Sự hỗ trợ này tuy khó về kinh phí nhưng không quá lớn nếu không nói là khiêm tốn (so với các dự án trăm tỉ, nghìn tỉ nhưng chưa được coi là cần thiết, bức thiết) sẽ giúp người nông dân an tâm sản xuất, đưa năng suất lên, có hiệu ứng rất tốt, không chỉ giúp họ bớt cơ cực mà còn có cơ hội thoát nghèo, nhất là làm giàu khi gặp “chu kỳ” lên giá của những nông sản họ làm ra.
Rồi đến quỹ hỗ trợ phát triển khu vực “tam nông” từ đóng góp của khu vực công - thương. Được vậy đây sẽ là sự hỗ trợ công bằng, tình nghĩa bởi những gì mà khu vực “tam nông” đã góp phần cho giới công - thương.
Với các chủ nhà máy, khu công nghiệp, góp vào cho quỹ hỗ trợ này còn là sự bù trả cho khu vực “tam nông” từ những tác động bất lợi do việc kinh doanh, sản xuất của họ gây nên...
Còn nhiều việc cần làm cho khu vực “tam nông” nữa. Nhưng đó là việc của các cơ quan chuyên môn chuyên trách. Chỉ mong sao ngày càng ít đi, sớm không còn những thông tin buồn về người nông dân như “2kg khoai lang không bằng ly trà đá”, “40kg chanh không bằng ổ bánh mì”...
Bởi làm sao không day dứt trước cái nhìn buồn bã của người nông dân bên mớ nông sản được coi “bọt bèo” được làm ra từ mồ hôi và vốn liếng chắt chiu của họ, bởi trên đất nước ngày càng đô thị hóa này có mấy người không từ nông thôn mà ra?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận