25/07/2015 09:55 GMT+7

Bức xúc với 
giàu có bất minh

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TT - Khi khoảng cách giàu nghèo tăng, bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở tăng thì sẽ đưa đến sự chia rẽ và xung đột xã hội.

Trong kết quả khảo sát “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường Việt Nam” năm 2014 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới công bố ngày 23-7 có một con số đáng chú ý là 47% người dân, cán bộ bức xúc trước khoảng cách giàu nghèo tăng lên ở Việt Nam.

Làm sao để kéo giảm khoảng cách giàu nghèo phải là một trong những trọng tâm suy nghĩ và thiết kế chính sách của Nhà nước.

Lâu nay khi đo lường khoảng cách giàu nghèo, giới nghiên cứu thường dùng hệ số Gini để đánh giá.

Đây là hệ số đo lường khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm dân cư trong xã hội (5 nhóm hoặc 10 nhóm tùy theo từng nghiên cứu), khi hệ số này tiến đến 1,00 thì có sự bất bình đẳng tuyệt đối trong xã hội (tức 10% hay 20% người giàu nhất nắm hết tài sản trong xã hội). Việt Nam trong thời gian qua có khoảng cách giàu nghèo tương đối ổn định, xoay quanh giá trị Gini=0,4.

Tuy nhiên, hệ số Gini chỉ đo lường khoảng cách về thu nhập nên nếu đánh giá thêm về việc tiếp cận các dịch vụ căn bản như giáo dục, y tế, nhà ở và cơ hội thì sự phân hóa giàu nghèo còn cao hơn nữa.

Chẳng hạn theo kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2002, chỉ có 17,1% số học sinh đang học trung học phổ thông xuất thân từ nhóm 20% có thu nhập thấp nhất, trong khi tỉ lệ học sinh học bậc học này nơi nhóm 20% giàu nhất là 67,2%, một khoảng cách cực kỳ lớn.

Khi khoảng cách giàu nghèo tăng, bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở tăng thì sẽ đưa đến sự chia rẽ và xung đột xã hội.

Mặc dù sự phân hóa giàu nghèo là một hiện tượng không thể tránh khỏi vì chúng ta chấp nhận rằng trong xã hội có người tài, người kém nên có sự chênh lệch là điều hiển nhiên.

Nhưng nếu khoảng cách giàu nghèo diễn ra nhanh và tăng cao thường là do những bất cập trong chính sách khi có một số nhóm nhận được nhiều ưu đãi hơn các nhóm khác.

Hiện nay ngoài một bộ phận làm ăn đúng pháp luật và trở nên giàu, còn một bộ phận không nhỏ những người giàu và rất giàu nhờ vào tham nhũng, được ưu đãi trong kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên, được tiếp cận những nguồn thông tin có lợi để “đi tắt đón đầu”, tức là giàu và giàu nhanh nhờ những đặc quyền đặc lợi.

Người dân bức xúc vì sự giàu có bất minh ấy chứ không phải bức xúc vì khoảng cách giàu nghèo do sự khác biệt trong tài năng hay do sự chí thú làm ăn.

Lối ra nào cho vấn đề bất bình đẳng hiện nay? Trả lời câu hỏi này không dễ nhưng một việc cần làm là minh bạch và công khai nhằm chống tình trạng giàu có nhờ tham nhũng.

Thứ hai, phải tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin cho mọi người dân.

Thứ ba, phải cấm ngay việc giao dịch bằng tiền mặt với số lượng lớn, bởi nếu vẫn cho phép việc “mang những bao tải tiền” để mua đất thì còn nuôi dưỡng việc làm giàu bất minh và chống giao dịch bằng tiền mặt với số lượng lớn còn giúp Nhà nước tránh được việc thất thu thuế thu nhập từ những nhóm giàu và siêu giàu.

Thứ tư, tính đến các loại thuế như thuế thừa kế để chống lại tình trạng tích tụ tài sản ngày càng lớn ở các nhóm giàu và siêu giàu.

Rõ ràng để giảm chênh lệch giàu nghèo cần có chính sách phân phối lại thành quả của sự tăng trưởng kinh tế để nó đến được với đa số người dân, chứ không phải chỉ đến với một thiểu số được ưu đãi nào đó.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thời sự suy nghĩ