Bạn trẻ chăm chú theo dõi những bài báo, hình ảnh về Hoàng Sa - Ảnh: Thuận Thắng |
“Mỗi người đều có một vai trò rất quan trọng của mình với chủ quyền đất nước”, ấy là ý chính chúng tôi đã rút ra được sau những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với những người luôn hướng về biển Đông nhân ngày 19-1, ngày mà nhắc đến, mỗi người Việt Nam lại thấy đau nỗi đau của một phần đất nước bị chiếm đóng.
“Việt Nam nhỏ, yếu nhưng vẫn có cơ hội”, luật sư Lê Minh Phiếu nhiệt thành kể những việc mà anh đã làm và thành công.
“Chúng ta đã từng chiến thắng bằng chiến tranh nhân dân, nay đấu tranh bằng ngoại giao, pháp lý cũng phải là những giải pháp dựa vào toàn dân”, phó đô đốc Đỗ Xuân Công quả quyết.
Mọi người nhắc lại cuộc tuần hành khí thế mà rất ôn hòa ở TP.HCM, Hà Nội tháng 5-2014, những tấm biểu ngữ viết tay trên bìa cactông của bà con nông dân, ngư dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình... mà như chưa hết xúc động.
Nhớ những ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn ngày đêm dong thuyền thẳng tiến ra Hoàng Sa, mặc cho 41 năm nay hiểm họa mất tàu, bắt người luôn chực chờ. Nhớ những cụ ông ở đình An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi) vẫn đêm đêm lặng lẽ thắp hương, hằng năm chăm chút làm lễ khao lề, run run đọc những lời tiền nhân để lại “Hoàng Sa, Trường Sa lãnh hải...”...
Tình cảm máu thịt với quê hương, biển đảo đã được người dân nuôi dưỡng như vậy, lẽ đương nhiên công cuộc giữ biển, giữ đảo, công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc không thể vắng mặt họ.
Cũng là đương nhiên, không phải các khách mời của chúng tôi nhắc đến vai trò người dân một cách ngẫu nhiên hay vô tình. Họ nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại, để chắc chắn rằng người nghe, là chúng tôi, đã thấm rõ điều đó. Phải lặp lại, phải nhấn mạnh điều đương nhiên như chân lý ấy, tất nhiên là có nguyên do.
“Đã đến lúc phải để lòng yêu nước của mỗi người nở hoa”, khách mời của chúng tôi bảo vậy và hẳn bạn đọc cũng đồng ý như vậy. “Tuổi trẻ có lúc bồng bột, có lúc sai lầm, nhưng nếu được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức, chúng tôi tự tin mình biết cách thể hiện lòng yêu nước bằng trái tim nóng, cái đầu lạnh”, Ngô Phan Hà Châu, người trẻ nhất quả quyết vậy.
Nắm đất mà Hà Châu mang ra Trường Sa để thể hiện lòng yêu nước, yêu biển đảo của mình đã hình thành nên chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đầy ý nghĩa thực tiễn là một ví dụ đẹp.
Quỹ nghiên cứu biển Đông với những khối kiến thức đồ sộ về lịch sử, pháp luật, những bài báo khoa học duy lý nhưng đầy tâm huyết của các luật sư, nhà nghiên cứu trong nước, ngoài nước cũng là một ví dụ đẹp.
Chúng ta sẽ còn có bao nhiêu những công trình như thế nữa cho đất nước, cho chủ quyền khi lòng yêu nước của mỗi người gặp đất tốt, gặp nắng lành, mưa nhẹ, gió xuân để nở hoa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận