11/11/2014 14:21 GMT+7

​Nửa còn lại ở phía trước

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Cuối cùng nỗi lo về tình trạng người nghiện tràn lan đã nhẹ đi một phần.

Người nghiện công khai tiêm chích cho nhau ở dải phân cách trên quốc lộ 22, đoạn trước khu vực bến xe An Sương (TP.HCM) - Ảnh: Khoa Long
Người nghiện công khai tiêm chích cho nhau ở dải phân cách trên quốc lộ 22, đoạn trước khu vực bến xe An Sương (TP.HCM) - Ảnh: Khoa Long

Quốc hội đã đồng ý với kiến nghị của Chính phủ, cho phép áp dụng biện pháp cắt cơn, giải độc tạm thời với những người nghiện không có nơi cư trú. Để cụ thể hóa mong muốn của cử tri, các cơ quan liên quan đã vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm. 

Ngày 27-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gửi kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ xin một cơ chế để giải quyết tạm thời vấn đề cai nghiện ma túy.

Hai ngày sau, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức cuộc họp lắng nghe ý kiến; chưa đầy một tuần sau (ngày 3-11), Chính phủ đồng ý kiến nghị của TP.HCM và chuyển kiến nghị đến Quốc hội.

Đến ngày 7-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý kiến nghị của Chính phủ và hôm qua (10-11), vấn đề cai nghiện ma túy đã chính thức được đưa vào nghị quyết kinh tế - xã hội của Quốc hội.

Tất cả diễn ra tròn nửa tháng.

Nhưng nói như cử tri Phạm Đình Toàn (nguyên phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, TP.HCM) thì điều đó chỉ mới thực hiện một nửa lời hứa để cử tri an lòng về vấn đề ma túy.

Nửa lời hứa còn lại vẫn còn ở phía trước: Chính phủ và các cơ quan thừa hành sẽ thực hiện ra sao, Quốc hội và các đại biểu sẽ giám sát thế nào để có thể giải quyết nỗi ám ảnh người nghiện đang tràn lan ngoài xã hội.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết cả nước có 204.000 người nghiện ma túy. Riêng TP.HCM, nơi tình hình ma túy đang nóng bỏng, đã có đến 19.200 người nghiện.

Nhưng theo thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP.HCM (trả lời đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH ngày 7-11), con số người nghiện có thể hơn 24.000 vì vẫn còn 5.000 người nghiện thuộc diện đang “truy tìm”.

Lo lắng nhất là chỉ 40% số người nghiện ma túy tại TP.HCM có nơi cư trú ổn định. Trong khi đó khả năng để sót lọt người nghiện không có nơi cư trú là khoảng 50%.

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, tỉ lệ người nghiện không có nơi cư trú còn có thể tăng cao vì khi làm quyết liệt thì người nghiện có nơi cư trú ổn định có thể sẽ bỏ trốn, không quản lý được nữa.

Bên hành lang Quốc hội, bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cũng không giấu một nỗi lo lắng khác: “Không phải ngẫu nhiên mà Quốc hội lưu ý các tỉnh thành phải đảm bảo an toàn cho đối tượng cai nghiện theo đúng pháp luật”.

Bà Mai nói đây là lời “căn dặn” không thừa của Quốc hội, bản thân bà dù tin tưởng nhưng cũng không ít lo lắng về sự an toàn đối với người cai nghiện.

Bởi hiện nay, ngoài một số tỉnh thành như TP.HCM, Đà Nẵng đã sẵn sàng tiếp nhận người nghiện thì nhiều tỉnh thành khác mới chỉ đang chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến nhân lực để tiếp nhận, quản lý người nghiện.

Chia sẻ lo lắng này, đại tá Phạm Trường Dân - phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (đại biểu tỉnh Quảng Nam) - cho rằng Chính phủ, Quốc hội cần cho cả cơ chế để đáp ứng cơ sở vật chất để tiếp nhận người nghiện tạm thời.

“Đừng để đưa người nghiện vào các trung tâm mà lại thiếu người chăm sóc, thiếu thuốc men, thiếu cơ sở vật chất để đảm bảo sức khỏe...”.

Rõ ràng, để thực hiện nửa lời hứa còn lại vẫn ngổn ngang trăm mối âu lo. Đó sẽ là một thách thức trong hành trình thực hiện nửa lời hứa còn lại mà cử tri cả nước đang chờ đợi.

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên