17/09/2014 11:02 GMT+7

Tham nhũng và tâm thần

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)

TT - “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu lên một câu hỏi mỉa mai của dư luận.

 

Tuy nhiên, đó mới chỉ là dư luận, còn có đúng như thế không thì chẳng ai khẳng định được.

Tôi còn nhớ vào đầu thập niên 1990, vụ án tham nhũng xảy ra ở Cục Dự trữ quốc gia là vụ án tham nhũng đầu tiên mà Tòa án nhân dân tối cao xét xử sơ thẩm, đồng thời chung thẩm. 

Vai trò chính trong vụ án không phải là ông Trần Kim An - cục trưởng, người chịu trách nhiệm chính là ông Tư - phó cục trưởng, nhưng chẳng hiểu vì sao ông Tư bị “tâm thần”, thế là vụ án bị “cắt khúc”, chỉ xét xử được ông An.

Đến bây giờ cũng không biết ông Tư đã hết tâm thần chưa, nhưng có điều sau khi ông Tư vào trại tâm thần để điều trị “bắt buộc” được một năm thì ở nhà vợ ông sinh con.

Gần đây, tôi biết ở Tiền Giang có ông Nên - nguyên trưởng phòng cảnh sát điều tra công an tỉnh - sắp bị truy tố thì cũng bị tâm thần, phải tách ra không xử được. Có lẽ các vị đại biểu Quốc hội đi nhiều, nghe nhiều ở nơi này, nơi kia có tình trạng đó thì bức xúc cũng là lẽ đương nhiên.

Ở ta, công tác giám định tư pháp nói chung, giám định tâm thần nói riêng có nhiều vấn đề lắm, chẳng ai chịu ai cả! Theo quy định của pháp luật thì các kết quả giám định chỉ là tài liệu tham khảo đối với cơ quan tiến hành tố tụng chứ không có tính bắt buộc.

Trong khi đó có nhiều tổ chức giám định, ở địa phương, ở trung ương, của công an, quân đội... Khi xét xử, tòa án có quyền tin vào một trong các kết quả đó hoặc không tin vào kết quả nào cũng được. Pháp luật quy định thế, biết làm thế nào. Khi xây dựng pháp lệnh “giám định tư pháp”, nhiều ý kiến đề nghị phải xây dựng một hệ thống từ trung ương đến địa phương, giao cho một cơ quan quản lý thống nhất, nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở chỗ như hiện nay.

“Tâm thần” có dăm bảy loại, có người chỉ khi nào lên cơn mới biết, có người chỉ lầm lầm lì lì, chẳng nói chẳng rằng...

Khi giám định là tâm thần nhưng giải quyết việc gia đình, trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường cũng là chuyện bình thường của người tâm thần. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa “tâm thần” mới biết họ có bệnh hay không. Chính vì vậy, nếu “tiêu cực” trong lĩnh vực giám định tâm thần có lẽ khó phát hiện nhất.

Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước, vậy nên cần phải có biện pháp.

Trước mắt, để có một con số chính thức thì phải có thống kê, báo cáo nghiêm túc, xem số bị can tham nhũng là bao nhiêu, trong đó số bị tâm thần là bao nhiêu. Còn cứ nói “sao nhiều thế” cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Ủy ban Tư pháp, với chức năng giám sát tư pháp có đầy đủ quyền yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng, ngành y tế, các hội đồng giám định tâm thần báo cáo. Nếu cho rằng, các báo cáo không trung thực thì ủy ban có quyền ra quyết định giám sát về vấn đề này, chứ nói theo kiểu “bỏ bom” thì chỉ làm cho dư luận thêm nghi ngờ, bức xúc.

Mặt khác, Nhà nước cần phải có quy định chặt chẽ về giám định tư pháp, trong đó có giám định tâm thần, sao cho mọi trường hợp “giả vờ” tâm thần không thể lọt qua được.

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên