08/06/2016 11:32 GMT+7

Ẩn số Euro 2016 - Kỳ 3: Những mắt xích yếu kém

VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)
VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)

TTO - Với một cuộc tập hợp cùng thời điểm hàng triệu người như sự kiện Euro 2016, công tác bảo đảm an toàn, an ninh đương nhiên khó hơn lúc bình thường.

Nhân viên an ninh tư nhân kiểm tra khán giả ở cửa vào sân vận động ở Pháp - Ảnh: Reuters
Nhân viên an ninh tư nhân kiểm tra khán giả ở cửa vào sân vận động ở Pháp - Ảnh: Reuters

Cơ quan chức năng đã nêu con số đến 90.000 nhân viên công quyền lẫn tư nhân được huy động đợt này.

Chính con số 12.000 nhân viên an ninh tư nhân - chiếm gần 10% số nhân viên an ninh đang hoạt động tại Pháp - khiến người ta âu lo nhiều nhất.

Khủng bố à? Quả thực tôi đều nghĩ đến chuyện đó mỗi khi rời nhà đi làm, nhưng vẫn cứ phải đi làm để nuôi gia đình chứ!

Một nhân viên an ninh tư nhân giấu tên làm việc tại sân vận động Stade de France

82 hồ sơ có vấn đề

Dù Euro đã cận kề nhưng những thông tin về an ninh liên tục khiến người dân âu lo. Mới nhất là chuyện Tổng cục An ninh nội địa (DGSI) của Pháp đã soi lại hồ sơ của 3.500 nhân viên công ty an ninh tư nhân có huy động tham gia Euro 2016.

Kết quả cho thấy có 82 trường hợp trong số này nằm trong hồ sơ Cristina (cơ sở dữ liệu được xếp hạng tuyệt mật liên quan những cá nhân được cho là “có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”).

Tiết lộ này khiến Hội đồng quốc gia về các hoạt động an ninh tư nhân (Cnaps) - cơ quan phụ trách kiểm soát và phát thẻ hành nghề cho nhân viên an ninh tư nhân - phải chưng hửng và lấp liếm rằng họ không thể tiếp cận kho dữ liệu tuyệt mật khi kiểm tra hồ sơ của nhân viên từ các công ty đưa lên nên có những thiếu sót.

Cnaps hứa cho điều tra kỹ thêm và trong trường hợp có ai trong số 82 trường hợp trên thật sự có vấn đề thì sẽ thu thẻ ngay!

Chưa hết, dù ban tổ chức Euro 2016 có nói sử dụng số nhân viên an ninh tư nhân nhiều hơn 20% so với bình thường để bảo vệ an toàn cho các trận đấu, thì câu hỏi của dân chúng là lực lượng này có đủ kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ không.

Thông tin cho thấy các công ty an ninh tư nhân hàng đầu tại Pháp đã từ chối lời gọi thầu của ban tổ chức cho việc bảo vệ an ninh các khu Fan-zone vì cho rằng “quá nhiều nguy cơ”, khiến công ty có thể mất danh lẫn mất người.

Kết quả là chỉ các công ty nhỏ nhảy vào để mong kiếm danh trong vụ Euro. Tổng cộng đến 60 công ty được ký hợp đồng bảo vệ các Fan-zone ở nhiều thành phố, với số nhân viên huy động khoảng 3.000 người.

Ở đây cũng chính là vấn đề vì số nhân viên này gần như được tuyển nhanh và được đào tạo cấp tốc. Có những người vừa xong khóa huấn luyện vào cuối tháng 5 vừa qua. Ông Elvis Azuelos, phó tổng thư ký của công đoàn an ninh tư nhân Sud Sécurité, khẳng định: “1/3 trong số 12.000 nhân viên an ninh đã được tuyển gấp. Phải nói rằng họ chưa đủ yêu cầu hoạt động cho sự kiện lớn như Euro. Quả thật là người ta đã thu nhận những nhân viên không có kinh nghiệm”.

Ngay cả công tác đào tạo nhân viên an ninh cũng chưa phải đã tốt để có thể ngăn chặn khủng bố. Thực tế cho thấy trong khóa đào tạo bắt buộc kéo dài 140 giờ cho nhân viên an ninh, họ chỉ được học về cách khám xét người hoặc theo dõi đánh giá cử chỉ bất thường của những đối tượng tình nghi, học về sơ cứu và can thiệp khi xảy ra sự cố đánh nhau chứ không hề có bài giảng nào liên quan phòng ngừa khủng bố. Ban huấn giảng chỉ đưa ra giải thích đơn giản: bài học phòng ngừa khủng bố cho nhân viên an ninh tư nhân đang nằm ở mức... nghiên cứu!

Cũng do việc thiếu nhân sự trong bối cảnh giải đến gần, nhiều nhân viên an ninh mới kết thúc khóa đào tạo đã được tung ngay vào trận chiến lớn. Nói thẳng là họ còn quá non kinh nghiệm.

Nhưng ông Olivier Duran, phát ngôn viên của Liên đoàn quốc gia các công ty an ninh tư nhân (Snes), có cam kết rằng các nhân viên mới này “sẽ đưa vào những nhóm có kinh nghiệm để hỗ trợ”! Ông cũng phản bác lại nhận xét của ông Azuelos: “Xin đừng nói rằng công ty nhỏ thì có nghĩa chất lượng kém. Đó là chưa kể hiện nay bên an ninh tư nhân đang phối hợp tốt với bên công lực”.

Đồng lương bèo và nỗi sợ triền miên

Cách đây hai tuần, Bộ trưởng Thể thao Pháp Patrick Kanner có hứa sẽ đảm bảo “mức chuẩn” một nhân viên an ninh bảo vệ cho 100 người tham dự ở khu Fan-zone, theo như mức Ba Lan đã thực hiện được ở kỳ Euro 2012. Nhưng giới truyền thông cá chắc rằng đó chỉ là phát ngôn nhằm trấn an cổ động viên.

Kể từ sau vụ khủng bố tháng 11-2015, lực lượng an ninh tư nhân đã được huy động để hỗ trợ ổn định an ninh và đột nhiên trong mắt của chính quyền, họ trở thành một mắt xích không thể thiếu khi trước đó lực lượng này bị xem là “có vấn đề, là không đáng tin cậy”! Thật sự đây là một ngành ăn nên làm ra (doanh số 4 tỉ euro) tại Pháp với 4.500 công ty đang hoạt động cùng 170.000 nhân viên.

Đó chỉ là những con số thống kê tốt đẹp. Thực tế không ít nhân viên an ninh tư nhân than vãn về đồng lương chẳng đáng là bao: 1.439 euro/tháng (chưa trừ thuế), tức chưa bằng mức lương tối thiểu theo quy định là 1.457 euro. Một nhân viên an ninh than thở: “Họ mong muốn có những nhân viên tài ba như James Bond nhưng lại chỉ muốn trả lương bèo bọt!”.

Trách nhiệm thì nhiều hơn nhưng lực lượng an ninh tư nhân lại không được trang bị phương tiện nghiệp vụ cũng như quyền hạn như cảnh sát, hiến binh. Vì lẽ đó họ lo lắng cả cho chính... an nguy bản thân mình.

Chẳng hạn nhân viên an ninh khối tư nhân được phép chặn người tình nghi để kiểm tra túi xách, nhưng chỉ là nhìn qua bên ngoài vì không có quyền lục túi xem có vũ khí, chất nổ giấu trong đó không. Hoặc nhân viên an ninh tư nhân cũng bị cấm áp giải kẻ tình nghi đến đồn cảnh sát mà chỉ có thể giữ người đó tại chỗ và... chờ cảnh sát đến! Ông Olivier Duran, phát ngôn viên của Snes, thừa nhận: “Chúng tôi không bao giờ thay thế được lực lượng cảnh sát mà kỳ thực chỉ hỗ trợ bảo vệ”.

Một số công ty an ninh tư nhân cũng thừa nhận việc bảo vệ an ninh ở sân vận động vào lúc này rất “rủi ro” vì thành công thì người khác hưởng, còn thất bại, rối loạn thì cánh an ninh tư nhân hứng chịu. Một nhân viên an ninh có kinh nghiệm giải thích: “Khi phải kiểm tra đến 80.000 khán giả, chúng tôi không thể nào dành đến năm phút cho mỗi người. Khi thấy hàng người xếp hàng dằng dặc thì y như rằng khách hàng của chúng tôi thường yêu cầu phải tăng tốc”.

Nhưng kỳ thực cũng chính các nhân viên an ninh đã góp phần ngăn chặn hậu quả tệ hại hơn trong đợt khủng bố tối 13-11-2015. Chẳng hạn nhân viên Salim Toorabally, làm việc tại sân vận động Stade de France từng ngăn không cho tên khủng bố Bilal Hadfi vào sân (dù lúc đó không biết hắn đeo bom trên người) khiến tên này cho kích nổ bên ngoài sân.

Hoặc nhân viên an ninh đã không màng tính mạng mình giúp hàng trăm khán giả thoát ra ngoài trong vụ khủng bố thảm sát ở nhà hát Bataclan. Hôm 24-5 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã mời 27 nhân viên an ninh tư nhân làm việc tại sân Stade de France đến trụ sở Bộ Nội vụ để trao tặng huy chương bạc về an ninh nội địa.

Có thể nói giới lãnh đạo Pháp một lần nữa đang mong muốn lực lượng bảo vệ an ninh dốc sức 200% để giúp ngày hội bóng đá Euro 2016 thành công tốt đẹp.

Quá tải

Một sĩ quan cảnh sát khác đề cập với tôi khía cạnh rất thực nhưng cũng rất đáng lo khác: sự mệt mỏi của lực lượng bảo vệ an ninh. “Họ đã bị mệt nhoài, quá tải từ nhiều tháng qua kể từ sau vụ tấn công khủng bố.

Nói thẳng ra là họ đã bị bào mòn sức khỏe, từ truy bắt khủng bố, tăng cường bảo vệ an ninh trong tình trạng khẩn cấp của đất nước suốt nhiều tháng rồi đến mấy vụ đình công lớn. Giờ đây là Euro và chắc chắn họ sẽ bị huy động liên tục trong cả tháng”.

Trong một tâm trạng mệt nhoài như thế, không tránh khỏi những sai lầm của cảnh sát từ chuyện dễ nổi nóng (như vài vụ xử đẹp người biểu tình đợt chống cải cách lao động vừa qua) cho đến việc có thể lơ là công tác.

___________

Kỳ tới: Tiền ơi, chào mi

VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên