09/09/2016 12:10 GMT+7

Chất lượng môi trường TP.HCM chỉ đạt trung bình khá

GIÁNG HƯƠNG - HỒNG NHUNG
GIÁNG HƯƠNG - HỒNG NHUNG

TTO - Mặc dù chất lượng không khí tại TP ngày càng được cải thiện, nhưng môi trường TP.HCM còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, chưa kể các chuyện khác như ô nhiễm kênh rạch, ngập lụt, sạt lở…

Kênh Tàu Hủ, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Kênh Tàu Hủ, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phùng Chí Sỹ - giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC), đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường TP năm năm qua - xung quanh vấn đề môi trường TP.

* Thực trạng môi trường TP hiện nay, theo TS có bi quan lắm không?

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Ảnh: Q.THANH
PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Ảnh: Q.THANH

- Nói đến vấn đề môi trường ở TP.HCM, đầu tiên phải nói đến ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Nguồn gốc gây ô nhiễm chính ở TP.HCM là khí thải giao thông chiếm hơn 60% tổng tải lượng phát thải.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan ban ngành TP, đến nay không còn những chiếc xe cũ kỹ, xả khói đen và tiếng ồn lớn trên đường; không còn xe dùng xăng pha chì, nhiều tuyến đường mới đã được mở ra nhằm phân tán mật độ giao thông... nên chất lượng không khí tại TP đã ngày càng được cải thiện.

Kết quả giám sát ô nhiễm không khí, tiếng ồn năm năm qua đã phản ánh điều đó. Vấn đề ô nhiễm không khí về bụi, tiếng ồn chỉ còn tập trung chủ yếu tại các giao lộ giao thông lớn và mỗi khi bị kẹt xe kéo dài.

Tiếp theo đó là nước thải sinh hoạt, công nghiệp và chăn nuôi. Mỗi ngày TP thải ra hơn 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 15% nước thải được thu gom, xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và Bình Hưng Hòa, với tổng công suất khoảng 171.000m3; hầu hết lượng nước còn lại thải thẳng ra môi trường, sau khi được xử lý sơ bộ bằng các bể tự hoại.

Còn nước thải công nghiệp, TP đã giải quyết được nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng hầu hết các nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở quy mô nhỏ, vẫn ngang nhiên xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường...

Ngoài ra, rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại mặc dù đã được thu gom, xử lý nhưng các chất ô nhiễm thứ cấp (nước rỉ rác, mùi hôi) vẫn đang tác động rất lớn đến môi trường TP.

* Sức ép về môi trường đang tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống người dân. Làm sao để có thể giữ và cải thiện chất lượng sống ở TP?

- Các vấn đề nói trên đều phải giải quyết và cách làm hiệu quả nhất hiện nay, trong điều kiện thiếu kinh phí đầu tư, là tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng. Ô nhiễm môi trường suy cho cùng cũng do con người thải chất thải ra môi trường, nên để bảo vệ môi trường thì bản thân mỗi người dân đều phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường cần phải đầu tư rất nhiều tiền, vì vậy cần phải giải quyết theo từng giai đoạn và có lộ trình.

* Nếu tính theo thang điểm 10 để đánh giá chất lượng môi trường TP.HCM thì ông cho điểm mấy?

- Để đánh giá chất lượng môi trường phải dựa trên rất nhiều tiêu chí, trong đó có nguồn lực đã đầu tư cho bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, chính quyền TP đã có rất nhiều nỗ lực, dành nhiều nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ và cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì TP cần phải đầu tư nguồn kinh phí khổng lồ hơn nữa mới có thể giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Nếu so sánh tương đối giữa địa phương này với địa phương kia thì TP.HCM luôn đứng đầu về quản lý, kinh phí đầu tư, tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường... Nhưng nếu nói về chất lượng môi trường nói chung, TP.HCM chỉ đạt được mức trung bình khá.

* Kịch bản nào về môi trường nên tính đến cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

- Với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quan trọng nhất là nguồn nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. TP.HCM và các tỉnh có phát triển được hay không phụ thuộc vào nguồn nước này, nên vấn đề lo ngại nhất hiện nay chính là nguồn nước.

Qua đánh giá cho thấy chất lượng nước sông dùng cho mục đích cấp nước hoặc các mục đích khác trong giai đoạn 2011-2015 đều bị ô nhiễm chủ yếu bởi chất rắn lơ lửng và vi sinh. Nguyên nhân đầu tiên là do chất thải đổ xuống sông.

Hiện nay vẫn còn tình trạng mỗi địa phương trên lưu vực còn lo cho lợi ích cục bộ địa phương mình mà chưa quan tâm đúng mức đến tổng thể nguồn nước chung.

Dù cho hiện tại chất lượng nước sông vẫn nằm trong mức an toàn phục vụ cấp nước, nhưng nếu không kiểm soát được nguồn thải trong thời gian tới thì khả năng thiếu nước hoặc mất nguồn nước sẽ gây ra những hậu quả lớn cho toàn bộ lưu vực.

Nhiều sức ép đối với môi trường TP.HCM

- Hoạt động giao thông hiện nay đang làm gia tăng nồng độ bụi trong không khí và cường độ ồn gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Cụ thể, gần 65% số liệu quan trắc tại 10 vị trí giao thông vượt ngưỡng cho phép. Về tiếng ồn, hơn 85% số liệu mức ồn quan trắc được tại 10 vị trí giao thông vượt ngưỡng cho phép. Từ các số liệu này có thể nhận thấy: hoạt động giao thông làm gia tăng sức ép lên môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của TP.

- Hằng ngày TP.HCM đốt 28 tấn rác thải y tế, sinh ra một lượng lớn các loại chất ô nhiễm như SO2 (lưu huỳnh đioxit) hơn 1.500kg, HCl (hydrochloric acid) hơn 4.300kg... Các chất thải này nếu không được khống chế sẽ gây tác động rất nguy hiểm cho con người và môi trường.

Đặc biệt có thể hình thành nên mưa axit. Ngoài ra, nước thải y tế hơn 24.000m3/ngày là con số rất lớn, gây sức ép cộng hưởng mạnh cùng với nước thải công nghiệp lên hệ thống sông rạch của TP.HCM.

- Tính toán sơ bộ, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tải lượng phát thải chưa qua xử lý ra môi trường rất cao. Theo quy đổi thì bụi khoảng 32 tấn/ngày; gần 500 tấn SO2... Tổng lượng nước thải qua xử lý của các khu chế xuất, công nghiệp ở TP là 300.000m3/ngày.

GIÁNG HƯƠNG - HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên