08/10/2011 07:04 GMT+7

Tan nát rừng đầu nguồn Sông Hinh

DANH LÊ
DANH LÊ

TT - Hơn 26.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Hinh ở vùng giáp ranh giữa Phú Yên - Đắk Lắk đang có nguy cơ bị xóa sổ.

869RbOpR.jpgPhóng to

Những thân cây rừng bị đốn hạ - Ảnh: DANH LÊ

Từ thị trấn Hai Riêng, huyện lỵ Sông Hinh (Phú Yên), ngược hướng tây nam 40km là gặp những sườn núi có nhiều cây cao vút đều tăm tắp. “Đó chỉ là cái vỏ thôi, bên trong tan nát hết rồi”- ông Huỳnh Đào Diên, cán bộ lâm nghiệp xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), nói vậy khi chúng tôi tháp tùng đoàn kiểm tra tình trạng phá rừng đầu nguồn Sông Hinh vào ngày 30-9.

Tại cao điểm 380 thuộc tiểu khu 318, cách bìa rừng 500m, đã bắt gặp ngay những khúc gỗ được xẻ thành hộp đang chờ vận chuyển. Sâu vào bên trong là những thân gỗ: chò, bằng lăng, giáng hương, gõ đỏ, sao đen... có đường kính hơn nửa mét nằm ngổn ngang, chưa ráo nhựa ở những vết cắt. Đi ngang dãy núi xã Ea Mdol (huyện Ma Drắc, tỉnh Đắk Lắk) qua các tiểu khu 318, 317, 313, 314 khoảng hơn 10km, chúng tôi đếm được 20 điểm phá rừng với hàng trăm cây rừng bị đốn hạ.

Y Thưởng, cán bộ địa chính xã Sông Hinh, cho biết lực lượng phá rừng có lâm tặc đánh thuê, người địa phương và dân từ nơi khác sang. Lâm tặc thuê trâu vận chuyển gỗ. Mỗi con trâu một lần kéo được một khúc gỗ cỡ 30x30cm; cả xã Sông Hinh có trên 200 con trâu thì trong đó hơn 100 con chuyên kéo gỗ lậu. Gỗ được trâu kéo ra khỏi rừng tập kết ở các triền suối rồi được bán cho các trùm buôn gỗ.

Theo thống kê của UBND huyện Sông Hinh, từ đầu năm đến nay đã có 11ha rừng đầu nguồn Sông Hinh bị phá, song chỉ có hơn 68m3 gỗ bị bắt giữ. Ngày 6-10, ông Đặng Đình Toại - chủ tịch UBND huyện Sông Hinh - cho biết: huyện đã lập ban chỉ đạo phòng chống phá rừng cùng một đội liên ngành gồm công an, quân sự, kiểm lâm... chuyên truy quét các đối tượng phá rừng, buôn bán, vận chuyển gỗ lậu. Tuy nhiên, cứ sau mỗi đợt truy quét, lực lượng rút đi, lâm tặc lại hoành hành. “Nếu không có giải pháp hiệu quả thì rừng đầu nguồn Sông Hinh sẽ bị xóa sổ”- ông Toại nói.

Ông Trần Ngọc Thuân - chủ tịch UBND xã Sông Hinh - cho biết ngay gần bìa rừng có hai xưởng chế biến gỗ được phép chế biến gỗ có giấy phép ở Đắk Lắk chuyển về, nhưng thực tế ngày 5-9-2011 lực lượng chức năng ập vào một xưởng và tịch thu khoảng 40m3 gỗ lậu. “Tình hình phá rừng ở đây đã phức tạp, việc các ngành chức năng tỉnh Phú Yên cấp phép hoạt động cho hai xưởng chế biến gỗ gần bìa rừng càng làm tình hình phức tạp hơn”- ông Thuân nói.

DANH LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên