Tàu cá Kiên Giang bị tàu vũ trang Thái Lan tấn công hôm 11-9 khiến ngư dân Ngô Văn Sinh thiệt mạng - Ảnh: Khoa Nam |
Vụ việc xảy ra ngày 11-9 khi 6 tàu đánh cá của ngư dân Kiên Giang đang bủa lưới thì bị tàu cao tốc trang bị súng máy của Thái Lan tấn công đã khiến một người thiệt mạng và hai người bị thương.
“Trong bất kỳ trường hợp nào, Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam.
Chúng tôi yêu cầu phía Thái Lan khẩn trương điều tra, xác minh rõ vụ việc, làm rõ trách nhiệm và xử lý những cá nhân liên quan, bồi thường thỏa đáng cho các thiệt hại về người và tài sản của ngư dân Việt Nam, không để xảy ra những vụ việc tương tự, tránh để ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan” - ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Gửi công hàm tới Đại sứ quán Thái Lan
Ông Bình cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc cảnh sát Thái Lan bắn ngư dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước để xác minh rõ những thông tin liên quan.
Bộ Ngoại giao cũng yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan làm việc chặt chẽ với phía Thái Lan để tìm hiểu rõ vụ việc.
Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ngư dân Ngô Văn Sinh bị thiệt mạng cùng lời thăm hỏi đến các ngư dân bị thương và tin tưởng mạnh mẽ rằng gia đình những ngư dân bị nạn sẽ sớm vượt qua những khó khăn, mất mát, sớm ổn định cuộc sống |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao LÊ HẢI BÌNH |
Theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, đại diện Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết phía Thái Lan đã nhận được những thông tin liên quan và đang khẩn trương xác minh vụ việc, đồng thời cho biết sẽ có thông báo chính thức về kết quả điều tra trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong ngày 17-9, Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc và yêu cầu phía Thái Lan điều tra vụ việc.
Người phát ngôn Lê Hải Bình còn cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đã, đang và phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam, đảm bảo tôn trọng vùng biển các nước liên quan.
Quan điểm của Việt Nam là đối với ngư dân trước hết phải đảm bảo thực thi pháp luật của mỗi nước. Nhưng về mặt quốc phòng thì tuyệt đối không được sử dụng vũ lực với ngư dân |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh về quan điểm nhân đạo của Việt Nam trong bài trả lời phỏng vấn bên lề Đối thoại Shangri-La vào tháng 6-2013 |
Không thể chấp nhận
Liên quan đến nội dung phát ngôn của lực lượng Cảnh sát biển Thái Lan cho rằng họ chỉ nổ súng vào tàu đánh cá nhằm tự vệ, chiều 17-9 đại tá Phạm Văn Sáng - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang - cho rằng nói như thế là không thể chấp nhận.
Theo đại tá Sáng, vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu Thai Police 528 đã khống chế bắt giữ ít nhất một thuyền trưởng tàu cá của Việt Nam, sau đó mới tiếp tục đuổi bắt cặp cào đôi số hiệu KG94811TS và KG94812TS đang đánh bắt gần đó.
Trong lúc phát lệnh qua bộ đàm: “Tàu Việt Nam dừng lại, không dừng sẽ bắn chết...”, thấy tàu cá của ngư dân Kiên Giang bỏ chạy, tàu Thai Police 528 liền nổ súng bắn gãy xương đùi của một trong hai thuyền trưởng cặp tàu là ông Nguyễn Hùng Cường.
Không dừng lại ở đó, tàu Thai Police 528 còn tiếp tục đuổi bắn cặp tàu số hiệu KG94058TS và KG94059TS, hậu quả là thuyền trưởng Ngô Văn Sinh tử vong do ba vết đạn bắn vào vùng đầu, mặt.
Đại tá Sáng khẳng định xét về ưu thế vận tốc, trang bị vũ khí, rõ ràng tàu Thai Police 528 hoàn toàn vượt trội so với các cặp tàu đánh cá của ngư dân Kiên Giang.
Giả sử các tàu đánh cá có vây hãm với ý đồ đâm húc thì tàu cao tốc vũ trang của Thái Lan vẫn thừa sức bắn đe dọa, đồng thời cơ động ra vòng ngoài để gọi cứu viện, bởi vận tốc của những tàu loại này gấp 5 - 6 lần vận tốc tàu đánh cá bình thường.
Đang điều trị tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, tài công bị bắn gãy xương đùi Nguyễn Hùng Cường cũng khẳng định không thể có chuyện tàu vũ trang Thái Lan bắn ngư dân Việt Nam do tự vệ.
“Tôi đã khai hết toàn bộ sự thật với cơ quan chức năng. Thật sự là tàu Thái đã khống chế một cặp đôi, định khống chế tiếp hai cặp còn lại thì tụi tôi bỏ chạy nên họ đuổi bắn. Nếu lời khai của tôi sai sự thật, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Cường nói.
Ngư dân Chao Văn Sáng - cháu ruột đi chung tàu với tài công bị bắn chết Ngô Văn Sinh - cho biết cách đây gần hai tháng, khi ngư dân Ngô Văn Sinh thuê cặp cào đôi của bà Cẩm Vân (ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang) đi đánh bắt cũng bị chính tàu vũ trang Thai Police 528 bắt giữ, đòi số tiền chuộc tàu lên tới 3,2 tỉ đồng.
Tài công Nguyễn Hùng Cường trên tàu cá bị bắn hôm 11-9 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang - Ảnh: Khoa Nam |
Cảnh sát biển Việt Nam không hề dùng vũ lực
Đại tá Doãn Bảo Quyết (phó chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết ở những vùng biển giáp ranh thường xảy ra tình trạng ngư dân nước này vi phạm sang vùng biển nước khác trong quá trình khai thác, đánh bắt.
Nhưng Cảnh sát biển Việt Nam chưa lần nào dùng súng bắn để xua đuổi tàu cá ngư dân nước bạn khi phát hiện họ vi phạm.
Cảnh sát biển Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân, kể cả ngư dân nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào.
Khi phát hiện tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tuyên truyền cho họ nghe về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và Luật biển Việt Nam, hướng dẫn họ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Nếu ngư dân nước ngoài cố tình vi phạm, Cảnh sát biển Việt Nam mới bắt giữ, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật và bàn giao cho cơ quan chức năng.
“Cảnh sát biển Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan của các nước để trao đổi, xử lý một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất.
Phương châm xử lý của Cảnh sát biển Việt Nam là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên cơ sở luật pháp quốc tế và các điều ước khu vực, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982” - đại tá Doãn Bảo Quyết nhấn mạnh.
Bắn ngư dân Việt Nam là tự vệ? Ngày 16-9, cảnh sát biển Thái Lan cho rằng họ nã đạn vào một tàu cá Việt Nam hồi tuần qua nhằm “tự vệ” và ngăn cản một tàu cá khác trong vùng biển gần Malaysia. Chỉ huy cảnh sát biển Thái Lan - thiếu tướng Grittapol Yeesakhorn cho biết ông vẫn chưa có thông tin về việc một ngư dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ tàu cảnh sát biển Thái Lan nã đạn tàn bạo vào tàu cá của Việt Nam. Vị thiếu tướng này còn nói: “Cảnh sát biển Thái Lan hành động như trên nhằm tự vệ khi các tàu của Việt Nam bao vây và cố đâm vào tàu của họ (?)”. Cảnh sát Thái Lan còn nói vụ việc diễn ra ở cách cực nam tỉnh Narathiwat (gần Malaysia) khoảng 40km. “Chúng tôi không có ý giết bất kỳ ai. Chúng tôi chỉ nổ súng cảnh cáo từ khoảng cách 100m. Chúng tôi chỉ bắn trước mũi tàu” - Reuters dẫn lời ông Yeesakhorn nói. Theo báo The Nation ngày 17-9, cảnh sát biển Thái Lan xác nhận có đụng độ với hai tàu cá của Việt Nam. Nhưng cũng như các hãng truyền thông khác của Thái Lan, tờ báo này dẫn lại thông tin từ cơ quan Cảnh sát biển Thái Lan, cho rằng họ không nhận được thông tin có ngư dân Việt Nam thiệt mạng và bị thương trong cuộc đụng độ này. Trước đó hồi tháng 5-2015, báo Bangkok Post dẫn Luật ngư nghiệp của Thái Lan cho biết nếu tàu cá nước ngoài đi vào vùng biển Thái Lan và đánh bắt trái phép, cảnh sát biển và các cơ quan chức năng được phép bắt giữ và tịch thu tàu cũng như ngư cụ. Nếu ngư dân nước ngoài có hành vi chống cự sẽ bị trấn áp tùy theo mức độ. Nếu ngư dân nước ngoài chấp hành lệnh bắt thì phía Thái Lan có thể tạm giam, sau đó làm thủ tục truy tố họ các tội danh như xâm phạm lãnh hải, nhập cảnh trái phép và đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Thái Lan. Sau khi tòa án Thái Lan xét xử, ngư dân đủ tiền nộp phạt sẽ được trả lại tàu. (MỸ LOAN) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận