Toàn cảnh buổi tọa đàm khoa học đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và nhân dân Gia Định - TP.HCM do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 8-7 - Ảnh: TỰ TRUNG |
Hơn 80 tham luận đã được gửi đến từ những người đồng chí “nhỏ hơn bác Bảy Chiêu một, hai con giáp” nay cũng đã lão thành, từ chính con cháu ông, từ các nhà khoa học, nghiên cứu…
Mỗi tham luận là mỗi vai trò, vị trí, góc độ, cách tiếp cận, cuộc đời hoạt động phong phú của ông giáo chiến sĩ Phạm Văn Chiêu đã được tái hiện, những cống hiến của ông được soi chiếu.
Sinh ra và trưởng thành trên vùng đất Gia Định, là một thầy giáo yêu nước, chính nhà tù của thực dân Pháp đã đưa ông đến với những người cộng sản và đứng vào đội ngũ của những người làm cách mạng.
Tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Gia Định, ông đã bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp với tư cách người đứng đầu Ủy ban hành chính kháng chiến, khởi xướng, chỉ đạo xây dựng căn cứ. Nổi bật nhất là An Phú Đông.
Hàng loạt tham luận đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của căn cứ này và vai trò của Chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến Gia Định Phạm Văn Chiêu.
Ông Phạm Minh Hiền, con trai ông Phạm Văn Chiêu, phát biểu tại cuộc tọa đàm - Ảnh: TỰ TRUNG |
Ông Vũ Hắc Bồng, nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM (bên trái) trò chuyện thân mật với con cháu ông Phạm Văn Chiêu tại cuộc tọa đàm - Ảnh: TỰ TRUNG |
An Phú Đông là nơi phát đi những chủ trương chỉ đạo kháng chiến của Tỉnh ủy Gia Định, Tổng công đoàn Nam bộ, nơi đặt tòa soạn và phát hành báo Cảm tử, Chống xâm lăng, nơi sửa chữa và sản xuất vũ khí, nơi xuất phát các đơn vị vũ trang để đột nhập vào thành phố…
Là một thầy giáo, cùng với cuộc kháng chiến, ông còn đặt ra một cuộc đấu tranh khác trong chiến khu là chống nạn mù chữ. Xã Quới Xuân của An Phú Đông là xã đầu tiên xóa được nạn mù chữ trên cả Nam bộ.
Sau này, khi công tác trong ngành ngoại giao, nâng cao trình độ học vấn của cán bộ cũng là điều đầu tiên ông bắt tay tổ chức…
“Không bao giờ nghĩ đến cá nhân mình” là một đức tính đặc biệt của ông Phạm Văn Chiêu mà nhiều đồng đội, người thân của ông khẳng định.
Hàng loạt những câu chuyện cuộc đời được kể lại, và minh chứng thực tế nhất, sinh động nhất chính là cuốn hồi ký mà ông để lại: hơn 200 trang, không có một dòng nào kể chuyện của bản thân mình, tất cả chỉ là những dòng ghi chép về chín năm kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định.
Cứ như thế, ông đã cống hiến suốt cuộc đời.
Ông Phạm văn Chiêu - Ảnh: TỰ TRUNG |
Cuốn hồi ký cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia định 1945-1954 - Ảnh: TỰ TRUNG |
Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang phát biểu: “Dù khi đương nhiệm hay khi về hưu, dù là một thầy giáo đứng lớp hay một nhà cách mạng kiên trung, lúc nào ở đồng chí Phạm Văn Chiêu vẫn toát lên một tinh thần cống hiến không ngừng, bền bỉ theo thời gian.
Tinh thần đó là nguồn động lực to lớn và là tấm gương cho đội ngũ cán bộ, công chức thành phố góp tâm sức của mình vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng”.
Từ 1995, UBND TP.HCM đã lấy tên Phạm Văn Chiêu đặt cho một con đường và một trường trung học trên địa bàn quận Gò Vấp. Một trường tiểu học trên địa bàn An Phú Đông, Q.12 cũng được mang tên Phạm Văn Chiêu. Năm 2012, công trình tượng đài Nhà giáo cách mạng Phạm Văn Chiêu được xây dựng trong khuôn viên ngôi trường tiểu học Phạm Văn Chiêu, khu phố 1, xã An Phú Đông, Q.12, TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận