23/06/2017 09:24 GMT+7

​Metro số 1 chậm tiến độ, uy tín nhà nước sẽ bị ảnh hưởng

 V.SỰ - M.HƯƠNG
V.SỰ - M.HƯƠNG

TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã trình bày nội dung này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc đang diễn ra tại UBND TP.HCM sáng 23-6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23-6-2017 - Ảnh: Tự Trung
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23-6 - Ảnh: Tự Trung

Điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công lớn nhất tại TP.HCM là dự án metro số 1 (đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên) đã được đề cập đầu tiên trong phần kiến nghị của UBND TP.HCM với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc.

Vốn được cấp chỉ đủ đến hết tháng 7

Ông Lê Thanh Liêm cho biết nhu cầu vốn ODA ngân sách Trung ương cấp phát năm 2017 để thực hiện dự án metro số 1 là 5.422 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại quyết định giao vốn năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án được bố trí 2.119 tỉ đồng (thiếu 3.303 tỉ đồng). Khối lượng thi công của dự án đang được đẩy nhanh và dự kiến đến tháng 7 sẽ hoàn thành giải ngân hết số vốn đã bố trí năm 2017.

Tình hình này đã đẩy dự án vào nguy cơ đói vốn, chậm tiến độ. Trong khi đó, trả lời kiến nghị của UBND TP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Hạn mức vốn nước ngoài Quốc hội phê duyệt năm 2017 của thành phố đã được phân bổ hết” và chỉ có thể cấp thêm vốn nếu có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về ứng trước kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm ứng 3.303 tỉ đồng còn thiếu năm 2017 của dự án metro số 1 từ nguồn kế hoạch vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Chỉ có như vậy thì dự án này mới hoàn thành năm 2020 theo kế hoạch, còn nếu không thì dự án chắc chắn sẽ chậm tiến độ.

“Các nhà thầu thi công nhiều lần đề nghị thanh toán kịp thời nếu không sẽ ngưng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của Nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung” - ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm báo cáo  tình hình KT-XH tại buổi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23-6-2017 -  Ảnh: Tự Trung
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm báo cáo tình hình kinh tế - xã hội - Ảnh: Tự Trung

Đề nghị tăng gần 5000 tỉ cho chi thường xuyên 

Để tháo gỡ toàn diện điểm nghẽn về chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Thanh Liêm kiến nghị: Đối với các dự án ODA, dự án quan trọng quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự án, thì đề nghị thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh là của Thủ tướng Chính phủ, không phải trình lại Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thực hiện báo cáo Quốc hội tại phiên họp vào cuối mỗi năm để Quốc hội giám sát, theo dõi. Nếu quy định này được áp dụng thì điểm nghẽn về vốn đầu tư công cho metro số 1 và nhiều công trình tại TP.HCM sẽ được giải quyết toàn diện.

Cụ thể, với dự án metro, số việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (từ 19.906 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng) và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) (từ 26.116 tỉ đồng lên 47.603 tỉ đồng) sẽ có cơ hội được Thủ tướng quyết định.

Về  việc phân bổ định mức chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng từ mức 32.402 tỉ đồng như phân bổ lên 37.348 tỉ đồng.

Lý do theo ông Lê Thanh Liêm là dân số có hộ khẩu của TP năm 2016 là 8,4 triệu người nhưng nếu tính đúng tính đủ, bao gồm dân nhập cư và vãng lai là hơn 10 triệu. Do đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng mức chi thường xuyên lên 100% với dân số thực đang sinh sống tại TP.HCM, thay vì chỉ tính mức 70% như hiện nay, và đề nghị áp dụng tương tự cho các năm sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23-6-2017 - Ảnh: Tự Trung
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc - Ảnh: Tự Trung

TP.HCM phát triển, cả nước mới phát triển được

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc. Thủ tướng khẳng định TP.HCM có vị trí quan trọng không chỉ đối với miền Nam mà còn cả nước.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP phân tích những mặt nổi bật, tồn tại của TP, thảo luận để có quyết sách cụ thể, nhất là các chính sách phát triển, xử lý giải quyết.

"TP phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu TP có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung. TP không chỉ là trung tâm kinh tế khoa học xã hội của cả nước, mà còn cạnh tranh trong khu vực ASEAN" - Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, trung ương có trách nhiệm, góp ý kiến thẳng thắn những bất cập để TP thực hiện tốt hơn.

V.SỰ - M.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên