09/06/2017 10:14 GMT+7

Bộ trưởng Nghĩa: Không thể nới Tân Sơn Nhất lên phía Bắc

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - “Bộ Giao thông vận tải đã tìm hiểu kỹ càng và dù Bộ Quốc phòng rất ủng hộ nhưng việc mở rộng sân bay lên phía Bắc là hoàn toàn không khả thi” - Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nói tại Quốc hội chiều 8-6.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa giải trình trước Quốc hội chiều 8-6 - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ Quốc phòng ủng hộ, nhưng...

Dù phiên thảo luận chiều 8-6 tại Quốc hội là về việc bồi thường, đền bù, tái định cư của dự án sân bay Long Thành, có nhiều đại biểu đã lên tiếng về tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và thúc giục lấy lại phần đất hiện đang là sân golf trả cho sân bay.

Trao đổi với các ý kiến này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho  biết khi thông qua nghị quyết xây sân bay Long Thành, Chính phủ đã bàn rất kỹ về nhu cầu của ngành hàng không.

Hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 32,5 triệu khách/năm, trong khi công suất chỉ có 28 triệu khách. Ông cho biết Bộ GTVT được sự đồng thuận lớn của TP.HCM và Bộ Quốc phòng nên đã đồng thời triển khai một loạt dự án tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Thứ nhất là các dự án xung quanh để tiếp cận sân bay đang tiến hành khẩn trương. Thứ hai, các dự án nâng cấp và quy hoạch lại sân bay Tân Sơn Nhất cũng có rất nhiều phương án.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho hay đề án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ở phía bắc, nâng công suất thêm 25 triệu hành khách đã được Tổ chức JICA (Nhật Bản) khuyến cáo là không khả thi.

"Có rất nhiều lý do, trong đó do chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, khả năng ô nhiễm tiếng ồn và nhiều vấn đề khác. Vì vậy, dù được Bộ Quốc phòng ủng hộ nhưng cuối cùng Bộ GTVT đã chọn phương án tiết kiệm nhất là xây dựng thêm nhà ga T4 với công suất từ 10-15 triệu hành khách, đạt tổng lượng khoảng 40-43 triệu hành khách/năm", ông Nghĩa nói.

Về đường lăn, sân đậu, ông Nghĩa cho biết đang quyết tâm xong trước tết năm 2018, năm 2019 sẽ xong nhà ga T4. Nhưng đến khoảng năm 2022 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ lại hết công suất, không thể đảm đương tăng trưởng hành khách như hiện nay nữa.

Nên vì thế, theo ông Nghĩa, việc hoàn thành giai đoạn 1 của sân bay Long Thành vào năm 2025 là nhu cầu hết sức cấp bách.

​“Có thể trông đợi nguồn thu từ đất”

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng giải trình các ý kiến đại biểu lo ngại về nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án sân bay Long Thành, được cho là tốn đến 23.000 tỉ đồng.

Ông Nghĩa nói với giai đoạn giải phóng mặt bằng thì không thể huy động vốn ODA hay tư nhân mà chỉ có thể lấy vốn ngân sách. Lạc quan về nguồn vốn để thực hiện dự án sân bay Long Thành, ông Nghĩa cho rằng có thể trông đợi từ các nguồn thu từ đất.

"Vì ngoài sân bay còn phát triển ra các khu vực nên sẽ có nhiều quỹ đất. Đồng thời sẽ có cả dự án đường sắt 43km nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành. Trong báo cáo nghiên cứu khả thi, chúng tôi sẽ nêu trách nhiệm cả với việc khai thác quỹ đất này. Phải rất trách nhiệm nếu không bỏ tiền ra khai thác mà hiệu quả các dự án này lại thấp”, ông Nghĩa nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết sân bay Long Thành được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong nước quan tâm.

Ông dẫn chứng nhà ga quốc tế Đà Nẵng phục vụ hội nghị APEC hoàn toàn do tư nhân đầu tư. Sân bay Nha Trang, sân bay Vân Đồn; nhà ga T4 của sân bay Tân Sơn Nhất hiện cũng đã có ba, bốn nhà đầu tư.

Theo ông, đó là cơ sở để có thể yên tâm về thu hút đầu tư của sân bay Long Thành.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên