Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải - Ảnh: TTO |
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dành cho Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn riêng trước thềm kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Bà Hải cho biết, theo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, đến thời điểm hiện tại các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận, giải quyết và có văn bản trả lời 168/168 kiến nghị; Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 3.119/3.119 kiến nghị của cử tri, như vậy là 100% các kiến nghị đều đã được trả lời.
Số kiến nghị đã được giải quyết dứt điểm là 535, cao hơn nhiều so với kỳ họp trước đó. 94% kiến nghị là dành cho Chính phủ, số còn lại gửi cho các cơ quan của Quốc hội. Cử tri nêu thẳng vấn đề là họ chưa thấy bất kỳ người nào bị kỷ luật vì không thực hiện đầy đủ kết luận, nghị quyết giám sát của Quốc hội.
Trả lời nhiều, giải quyết ít
* Thưa bà, số lượng và tỉ lệ trả lời lớn như vậy, nhưng chất lượng thì sao?
- Tình trạng trả lời chung chung, trả lời như chỉ để cho xong việc còn tỉ lệ khá lớn, xảy ra ở nhiều bộ, ngành. Trên 65% số câu trả lời chủ yếu là giải trình và cung cấp thông tin, nhưng khi đi sâu vào số này thì thấy nhiều vấn đề đòi hỏi Chính phủ, bộ, ngành phải giải quyết chứ không chỉ cung cấp thông tin rồi thôi.
Ví dụ, cử tri chất vấn tại sao phòng giáo dục - đào tạo cấp huyện có con dấu mà phòng tài nguyên - môi trường lại không có con dấu (trong khi phòng này quản lý lĩnh vực rất quan trọng là đất đai, tài nguyên), nhưng khi trả lời thì chỉ trích dẫn luật mà không giải thích, không ghi nhận ý kiến, không cho biết sẽ tiếp thu thế nào.
Thậm chí có trường hợp trả lời nhầm, trả lời sai như ví dụ chúng tôi đã nêu là cử tri kiến nghị sớm nghiên cứu xây dựng đê bao ngăn mặn khép kín cho các tuyến đê tại các huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nhưng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại trả lời hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc huyện Trần Đề hằng năm đều được Chính phủ bố trí kinh phí...
Vấn đề đáng nói nữa là người tiếp nhận đơn thư, giải quyết ban đầu chủ yếu là ở cấp văn phòng, sau đó trình lên lãnh đạo ký. Vì vậy việc chỉ đạo rà soát, trả lời, giải quyết khó đạt hiệu quả cao. Tất nhiên, tham mưu cho lãnh đạo là việc cần thiết, nhưng nếu người đứng đầu mà trực tiếp chỉ đạo, sát sao với công việc, tìm hiểu kỹ tình hình thì chất lượng giải quyết sẽ khác hẳn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bắt tay với người dân xã Đồng Tâm sau khi buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP Hà Nội và người dân địa phương kết thúc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Nhiều lãnh đạo hiếm khi tiếp dân
* Ban Dân nguyện kiến nghị gì với Chính phủ để cải thiện tình hình trên, thưa bà?
- Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng quan tâm hơn nữa việc trả lời cử tri, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là chỉ đạo các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.
Phải coi đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Cần có chế tài đối với các vị bộ trưởng, trưởng ngành, người đứng đầu các cơ quan hành chính lơ là việc trả lời ý kiến, kiến nghị của dân.
* Báo cáo giám sát đề cập đến vấn đề rất đáng mổ xẻ, đó là báo động về trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và dường như ở những cấp càng gần dân thì lãnh đạo lại càng lơ là tiếp dân?
- Đúng là như vậy. Chúng ta thấy ở cấp Chính phủ, Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển. Ông đã có rất nhiều hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, người dân, ở các thành phần xã hội khác nhau.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ thiết lập thêm các kênh để tiếp thu và giải quyết kiến nghị của dân như lập các trang web Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp. Thủ tướng vừa đối thoại với 2.000 doanh nghiệp và có hành động rất ấn tượng là ký ban hành chỉ thị ngay tại hội nghị.
Tại các địa phương, ở cấp tỉnh thì chúng tôi cũng thấy một số nơi có nỗ lực như lãnh đạo tỉnh tiến hành một số cuộc đối thoại chuyên đề để giải quyết các vụ việc nổi cộm, sáng kiến các cuộc “cà phê doanh nghiệp” để lắng nghe ý kiến của doanh nhân...
Gần đây, khi xảy ra sự việc đáng tiếc ở xã Đồng Tâm, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tới tận nơi đối thoại với dân để giải quyết vụ việc, được dư luận rất hoan nghênh.
Tuy vậy, kết quả giám sát cho thấy ở nhiều địa phương lãnh đạo hiếm khi trực tiếp tiếp dân. Luật quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh mỗi tháng phải tiếp công dân một lần, nhưng qua giám sát thì thấy chủ tịch chỉ trực tiếp tiếp dân 2-3 lần/năm, còn lại là ủy quyền cho cấp phó.
Tình trạng nghiêm trọng hơn đang xảy ra ở cấp huyện, cấp xã. Phải nói rằng nhiều nơi đang bỏ ngỏ công tác tiếp dân, tuy luật quy định phải có lịch tiếp dân công khai, nhưng khi giám sát chúng tôi hỏi lịch tiếp công dân đâu thì họ không đưa ra được.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc tiếp dân cũng bị lơ là, chưa thấy người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm vì không thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân.
Chúng tôi cũng đề nghị phải có chế tài, kiên quyết xử lý các trường hợp người đứng đầu không thực hiện đúng quy định về tiếp công dân, bởi nếu để họ lơ là một hai lần mà không bị xử lý thì có thể họ sẽ quên luôn trách nhiệm quan trọng này.
Không ai thích phải giải quyết tiêu cực, nhưng nếu không giải quyết kịp thời thì tác hại rất ghê gớm. Người đứng đầu mà tăng cường đối thoại thì sẽ giảm những bức xúc ở nơi mình quản lý - Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải |
Tăng cường đối thoại sẽ giảm được bức xúc
* Theo bà, tại sao nhiều cán bộ lãnh đạo trốn tránh trách nhiệm tiếp công dân?
- Phải nói rằng trong các công việc của lãnh đạo thì tiếp dân là ngại nhất, bởi thường gắn với việc phải xử lý những vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị... Trình độ dân trí ngày càng cao, những ý kiến, kiến nghị của dân rất sắc sảo, thậm chí hóc búa.
Thực tế cho thấy những người cán bộ không ngại tiếp dân thì trước hết phải là người có tâm. Dân bầu ra chính quyền thì chính quyền phải coi giải quyết việc dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Thứ hai, người tiếp dân phải có trình độ, nắm vững pháp luật, có phương pháp đối thoại, giải quyết vấn đề, đồng thời phải có bản lĩnh, nhẫn nhịn. Có như vậy chuyện to mới hóa giải được thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ mới thành không có chuyện gì.
Tôi xin dẫn chứng lại sự việc ở Đồng Tâm, rõ ràng là ông Nguyễn Đức Chung không thích thú gì khi xuống một “điểm nóng” như vậy. Nhưng đó là trách nhiệm của một người đứng đầu, nên ông ấy phải rất kiên trì, nhẫn nhịn, thậm chí nhịn đói xuyên trưa để đối thoại với dân.
Dân cũng đâu muốn mất thời gian đi kiến nghị, khiếu nại. Không ai thích phải giải quyết tiêu cực, nhưng nếu không giải quyết kịp thời thì tác hại rất ghê gớm. Người đứng đầu mà tăng cường đối thoại để giải quyết công việc thì sẽ giảm những bức xúc ở nơi mình quản lý.
* Vâng, khi người đứng đầu mà chịu khó tiếp dân thì công việc sẽ dễ “trôi” hơn, bởi họ giữ thẩm quyền cao nhất trong quyết định những vấn đề thuộc phạm vi mình quản lý...
- Dân bao giờ cũng mong muốn trực tiếp gặp người đứng đầu vì người đứng đầu vừa có trách nhiệm cao nhất đồng thời có thẩm quyền giải quyết cao nhất. Tiếp dân, với những cán bộ có trí tuệ, bản lĩnh và đặc biệt là có tâm lại càng làm tăng uy tín cho mình.
Chúng ta nhớ ông Nguyễn Bá Thanh khi còn sống, làm lãnh đạo Đà Nẵng, đã nhiều lần đối thoại với người dân ở những nơi có vấn đề bức xúc, rồi đối thoại với phụ nữ, với những người chồng vũ phu, những người lái xe ôm..., rất được nhân dân tán thưởng.
Tôi nghĩ rằng tới đây có thể chúng ta thực hiện những chính sách lớn như cho tích tụ ruộng đất cũng sẽ không hề đơn giản. Muốn thực hiện thành công thì người dân trước hết phải thông chủ trương.
Nếu như người đứng đầu cứ ngại tiếp dân, né tránh tiếp dân, tôi thấy rất lo lắng cho việc triển khai thành công các chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận