22/05/2017 09:15 GMT+7

Cán bộ bắt tay môi giới 'giải cứu' nhà xây sai phép

NHÓM PV CT-XH
NHÓM PV CT-XH

TTO - Để giải quyết ổn thỏa những hồ sơ xây sai phép, các công ty môi giới nhà đất đã bắt tay với cán bộ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để ngó lơ sai phạm.

Ông Lê Văn Tấn, cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7, tiếp tục gặp khách tại một quán cà phê để bàn việc “giải cứu” hồ sơ xây sai phép của khách - Ảnh: Hoàng Lộc
Ông Lê Văn Tấn, cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7, tiếp tục gặp khách tại một quán cà phê để bàn việc “giải cứu” hồ sơ xây sai phép của khách - Ảnh: Hoàng Lộc

Đầu tháng 4-2017, ông T. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chủ đầu tư, đang có ý định mua khách sạn trên đường Nguyễn Thị Thập (P.Tân Phú, Q.7) để kinh doanh.

Theo giấy phép, khách sạn này chỉ được xây dựng 1 tầng trệt, 1 lửng, 3 tầng lầu và mái che cầu thang.

Nhưng chủ nhà lại đổ bêtông kiên cố phần tầng lửng, mái che cầu thang trên sân thượng được che chắn, ngăn vách thành các phòng kiên cố để cho thuê.

Không muốn đập bỏ phần xây dựng sai phép, ông T. được nhiều “cò” đất chào mời chi tiền để “binh” hồ sơ...

Chịu chi sẽ giải quyết nhanh

Ông T. gặp “cò” nhà đất tên Nam. Người này tư vấn ông T. nên đi “tắt” với lời hứa: “Chịu chi sẽ có mối giải quyết hồ sơ nhanh chóng, đảm bảo 100%”.

Ông Nam dắt mối cho ông T. trao đổi trực tiếp với ông Vũ Thùy Dương - giám đốc Công ty TNHH xây dựng dịch vụ bất động sản Thái Dương Land, trụ sở trên đường Mai Văn Vĩnh (P.Tân Quy, Q.7).

Xem qua hồ sơ, ông Dương nói vụ này không phải dễ nhưng có thể xử lý được, bởi ông có mối quan hệ cùng một “hệ thống” với một số cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7 (thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai TP).

Ông này hướng dẫn khách: “Anh cứ xúc tiến đặt cọc với chủ nhà, công chứng xong xuôi quăng hồ sơ qua, tôi cho lính vẽ sơ đồ nhà. Sau đó đích thân tôi dẫn anh đến quận nộp hồ sơ, lấy biên nhận. Bản chính anh giữ, tôi chỉ chụp hình gửi qua cho cán bộ thụ lý để người ta làm hồ sơ”.

Ông T. hỏi có phải thông qua phường không, ông Dương nói: “Chỉ khi hồ sơ không “binh” ở quận được, họ sẽ có công văn yêu cầu phường xác nhận thời điểm xây dựng, sửa chữa sai hoặc phát sinh xây dựng... Mình đã “binh” bên quận, quận họ ngó lơ hết thì phường chẳng có nghĩa lý gì cả”.

Với phi vụ hợp thức hóa hồ sơ sai phép này, ông Dương ra giá 150 triệu đồng, trong đó xin ứng trước 50% số tiền khi nộp hồ sơ và nhận toàn bộ tiền khi hoàn thành.

Ông T. nói muốn được gặp cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ. Sau nhiều ngày dàn xếp, sáng 27-4 ông Dương gọi điện hướng dẫn khách đến công ty gặp trực tiếp ông Lê Văn Tấn (cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7).

“Nể lắm ổng mới qua gặp đấy. Cái thế của ông Tấn không thể ngồi nói chuyện như mình. Ông ấy đến công ty ngồi dự là liều lắm rồi. Cái ghế của người ta vài trăm triệu đồng đến cả tỉ bạc, chứ binh một bộ hồ sơ lời được bao nhiêu tiền đâu mà mạo hiểm” - ông Dương nói.

11h, ông Tấn có mặt. Ông T. cầm xấp hồ sơ hỏi dò ông Tấn có xử lý được không, ông Tấn lật giở từng trang hồ sơ rồi gật đầu nói “được” và giải thích: “Giờ đăng bộ theo giấy phép đã hoàn công, tôi nói làm được mà. Nếu cập nhật thì hai tuần. Chỗ sai phạm nếu “căng” là phải tháo dỡ, nhưng tôi có thể xin ý kiến bỏ qua, giữ nguyên hiện trạng ở đó”.

Ông Dương nói với khách ông Tấn là người trực tiếp thẩm định hồ sơ, đúng hay sai là do ông Tấn quyết định.

Để khách yên tâm, ông Dương còn khoe mình “từng làm nhiều ca rất khó” và cho biết quy trình “binh” hồ sơ xây dựng sai phép khá đơn giản: “Có hai hình thức là đăng bộ cập nhật trang sau hoặc đăng bộ đổi sổ hồng mới, cả hai hình thức này đều có giá trị pháp lý, kinh tế ngang nhau. Bây giờ đăng bộ lướt qua phần sai phạm, nhanh hay chậm tùy thuộc vào mình thôi”.

Ông Lê Văn Tấn, cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7, xuất hiện bàn việc
Ông Lê Văn Tấn, cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7, xuất hiện bàn việc "binh" hồ sơ sai phép cho khách tại công ty của ông Dương ngày 27-4 - Ảnh: Hoàng Lộc

“Hỗ trợ hết sức”

Ngày 28-4, ông T. đi thẳng lên phòng làm việc của ông Tấn tại tầng 3 trong UBND Q.7 để bàn thêm vụ hợp thức hóa hồ sơ sai phép. Trình bày được vài câu, ông Tấn khoát tay bảo khách ra quán cà phê ngồi đợi vì “mấy sếp đang ngồi đó, bàn việc không tiện”.

Mặc dù trước đó ông Tấn khẳng định “làm được” nhưng tại quán cà phê, ông lại nói ngôi nhà ông T. chuẩn bị mua sai hiện trạng nghiêm trọng: “Cái đó công nhận là không được rồi đó. Những cái nằm khuất trong hẻm không ai để ý còn né được một vài thứ, chứ trường hợp nhà này nằm chình ình trên đường, ai chả thấy. Muốn làm được giờ phải mang hồ sơ sang xin ý kiến sếp”.

Ông T. hỏi bây giờ với các sai phạm vậy có cách nào giải quyết không, ông Tấn nói thẳng: “Cái đó phải chi thôi, hồ sơ của anh phải nhờ sếp đàng hoàng”.

Nói xong, ông này quay qua hỏi khách giờ muốn cập nhật hay đổi sổ? Ông T. hỏi lại cái nào tiện hơn, ông Tấn đáp: “Cập nhật thì nhanh hơn, đổi sổ phải trình lên sở ký, nếu nhanh thì hơn một tháng”.

Ông Tấn thừa nhận từng hợp tác với ông Dương “binh” nhiều hồ sơ sai phạm khác. “Thỉnh thoảng làm được tôi mới nhận làm. Tôi chỉ hỗ trợ, còn công việc làm ăn của công ty tôi không biết rõ lắm. Ví dụ trường hợp này phần xây sai phép tôi hỗ trợ được, còn giấy tờ mua bán như thế nào tôi không tham gia”.

Khi khách đề nghị nhờ ông Tấn trực tiếp lo lót hồ sơ luôn, ông này phân vân nói: “Tôi làm được nhưng mất công, anh em lại mất lòng. Thôi, tôi nói thế này, hồ sơ của anh cứ để Dương làm, tôi sẽ hỗ trợ hết sức cho cả anh và Dương”.

Khi nghe ông T. than vãn đang bị ông Dương ra giá tới 150 triệu đồng, ông Tấn nói giá đó hơi cao: “Ông nói thế này thế kia để nó giảm đi, khoảng 100 triệu đồng là vừa. Nhiều khi nó nói giá ấy để chia cho mỗi người một ít”.

Ông T. hỏi nếu giá 100 triệu đồng thì ông Tấn được chia khoảng bao nhiêu, ông này nói thẳng: “Nó đưa cho tôi 50 triệu đồng”. Với số tiền 50 triệu đồng có được từ phi vụ này, ông Tấn lý giải còn phải chia cho nhiều người chứ không thể giữ một mình.

“Rõ ràng phải chia cho anh em thụ lý hồ sơ, kiểm tra hiện trạng bên ngoài, khâu làm nhanh hồ sơ... rồi còn phải nói với sếp một câu” - ông này giải thích.

“Quan hệ thâm giao”

Ông Lê Văn Tấn - người đứng ra nhận vụ “giải cứu” nhà xây sai phép, quê ở Vĩnh Phúc - hiện là cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7 thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM.

Còn ông Vũ Thùy Dương tự nhận mình từng là nhân viên thanh tra xây dựng một quận vùng ven giai đoạn 2006-2011. Ông này còn mang cả giấy khen và một thẻ nhân viên thanh tra xây dựng ghi tên Vũ Thùy Dương để giới thiệu với khách.

Ông này nói sau khi nghỉ làm thanh tra xây dựng, ông chuyển qua một quận khác phụ trách mảng địa chính.

“Nhà tôi có công ty kinh doanh nhà đất từ trước, nên mục đích vào Nhà nước của tôi là lấy mối quan hệ rồi ra ngoài làm ăn. Hồi xưa ông Tấn làm trong công ty đo đạc chạy “cò mối” cho tôi. Sau này ông mới vô văn phòng đăng ký đất đai, nên tôi và ông Tấn có mối quan hệ thâm giao từ trước”.

 

NHÓM PV CT-XH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên