12/03/2017 09:08 GMT+7

​Vỉa hè Sài Gòn bị lấn chiếm: Có chống lưng, 'bảo kê'?

VIỄN SỰ - MAI HOA (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ - MAI HOA (viensu@tuoitre.com.vn)

TTO - Câu hỏi được phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Tường đặt ra với ông Trần Đức Tài - phó giám đốc Công an TP.HCM tại Hội nghị ngày 11-3.

Lực lượng trật tự đô thị dọn dẹp vỉa hè trên đường Hoàng Sa, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN
Lực lượng trật tự đô thị dọn dẹp vỉa hè trên đường Hoàng Sa, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN

“Người dân có nghi ngại: Chính quyền làm nhiều lần rồi, lần này có làm được không? Tôi tin chúng ta sẽ làm được

Bí thư Thành ủy ĐINH LA THĂNG

“Dân ở đâu cũng là dân của mình, những người buôn bán trên vỉa hè cũng đóng góp cho kinh tế, du lịch, cho phát triển ngân sách của TP.HCM. Phải thấy điều đó để làm quyết liệt nhưng cũng phải nhân văn, thấu tình đạt lý”.

Ông Đinh La Thăng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - đã dành những lời nhắn nhủ này để kết luận Hội nghị quán triệt, thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trong thời gian tới do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 11-3.

“Hãy lùi lại một chút”

Tinh thần mà ông Đinh La Thăng kết luận thực tế đã được không ít đại biểu mang đến và phát biểu tại hội nghị. Người đề cập nhiều nhất về việc này là ông Huỳnh Văn Hạnh - giám đốc Sở Tư pháp.

Ông nói: “Dù làm gì thì cũng nên nghĩ rằng người vi phạm cũng là dân, chúng ta cần có khoảng lùi để xử lý cho thấu tình đạt lý”. Khoảng lùi mà ông Hạnh nói chính là thời gian 10 ngày để thi hành cưỡng chế nếu người vi phạm không tự khắc phục, tháo dỡ.

“Chuyện vỉa hè đã tồn đọng nhiều năm nay rồi, 10 ngày nữa thì không là gì cả. Tôi đề nghị nếu đã xem xét, vận động tốt rồi thì cứ làm, nhưng nếu chưa thì hãy lùi lại một chút” - ông Hạnh nói.

Ông Hạnh nói ông vẫn còn băn khoăn rằng nếu việc lấy lại vỉa hè được bền vững thì phải đúng quy trình và không được nóng vội.

“Một bữa cưỡng chế thì phải có mười bữa vận động, 100 trường hợp thì hai trường hợp cưỡng chế thôi... Còn lại để dân tự làm” - ông nói.

Theo ông, để xảy ra lấn chiếm vỉa hè thực ra cũng do lỗi của cả chính quyền trong nhiều năm chứ không phải chỉ do ý thức người dân. Hãy nhớ là bà con buôn bán vỉa hè mấy năm rồi cũng đóng thuế nộp cho bộ máy.

Có chống lưng, có bảo kê hay không?

Câu hỏi này được phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Tường đặt ra: “Ở Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung nói như thế thì ở TP.HCM tôi xin hỏi đồng chí Trần Đức Tài, phó giám đốc Công an TP.HCM, là mình có không? Nếu có thì nó nằm ở đâu để chấn chỉnh?”.

Ông Tường cho rằng đặt ra câu hỏi này để nói rằng cần phải thay đổi nhận thức về trật tự vỉa hè lòng đường, không chỉ là nhận thức của người dân mà cả ý thức của người thực thi công vụ.

Ông Tường nói việc phòng chống tội phạm, trộm cướp giết người, mại dâm ma túy còn quyết liệt tập trung làm được, trong khi trật tự đô thị “nhan nhản trước mặt chúng ta” mà xử lý nhiều năm không được.

“Nhưng chúng ta chưa từng xử lý một lãnh đạo, người đứng đầu địa phương nào. Chỉ có gần đây một số quận huyện như Củ Chi, quận 1 có động tác điều chuyển, kiểm điểm xử lý trách nhiệm cán bộ” - ông Tường nói.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đức Tài cũng khẳng định trật tự vỉa hè sẽ làm được và giữ được, nếu như lực lượng thực thi công vụ quyết liệt, làm đúng, gương mẫu, từ đó vận động nhân dân đồng thuận.

Yêu cầu cụ thể hơn việc này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói phải khoán trách nhiệm công vụ, từng tuyến đường, từng khu phố cho từng cán bộ. Để xảy ra mất trật tự đô thị trên tuyến nào thì xử lý cán bộ được khoán trách nhiệm của tuyến đó. Theo ông Thăng, ba vị trí quan trọng nhất chính là chủ tịch, bí thư và trưởng công an phường.

“Ba ông này là chủ chốt chứ không phải cứ đợi quận dẫn quân đi mãi thế được” - ông Thăng nói.

Ông Thăng cũng khẳng định phải kiên quyết dẹp chuyện bảo kê, chống lưng cho hoạt động kinh doanh trên vỉa hè. Và muốn dẹp bảo kê, chống lưng phải công khai minh bạch các điểm đỗ, đậu xe, mức giá cụ thể...

“Việc này tôi đề nghị HĐND TP làm sớm, phải minh bạch như vậy mới làm triệt để được” - ông Thăng nói.

Phải làm thôi chứ còn kiến nghị gì nữa!

Bên lề hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - đã cho phóng viên Tuổi Trẻ xem rất nhiều tin nhắn người dân TP.HCM gửi cho ông về chuyện lấy lại vỉa hè những ngày qua.

Ông Phong nói một trong những điều mà người dân quan tâm nhất chính là chuyện này có làm đồng bộ hay không.

Sự đồng bộ không chỉ là ra quân đều khắp các quận huyện mà đồng bộ trong cách xử lý vấn đề, phải có sự thống nhất cao từ trên xuống, từ tất cả các quận huyện để người dân hài lòng.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các lãnh đạo quận: “Giờ phải làm thôi chứ còn kiến nghị gì nữa!”.

Bởi hành lang pháp lý đã có đủ, các quận huyện phải tích cực làm, trong quá trình làm có vấn đề gì thì báo cáo sau. Chứ không được kiểu “chưa làm, hoặc làm chưa tới nơi tới chốn” mà cứ kiến nghị hoài.

Vỉa hè của người đi bộ bị chiếm dụng để trưng bày các loại xe máy trước các cửa hàng bán xe máy trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 - Ảnh: HŨU KHOA
Vỉa hè của người đi bộ bị chiếm dụng để trưng bày các loại xe máy trước các cửa hàng bán xe máy trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 - Ảnh: HŨU KHOA
VIỄN SỰ - MAI HOA (viensu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên