02/03/2017 16:04 GMT+7

Tìm sự thật các hợp đồng nhập khẩu cát ở Singapore

LÊ NAM - V.TRƯỜNG
LÊ NAM - V.TRƯỜNG

TTO - Ngày 20-2 tại Singapore, chúng tôi tìm đến văn phòng Công ty Singapore Hua Kai Engineering (sau đây gọi tắt là Hua Kai) ở tầng 4 của một chung cư cũ trên đường Balestier.

Đi tìm sự thật hợp đồng xuất khẩu cát sang Sing
Cô L.F xem bản hợp đồng mua bán cát giữa Công ty Đức Long và Công ty Hua Kai do PV Tuổi Trẻ đưa - Ảnh: V.TRƯỜNG

Công ty này ký hợp đồng mua cát của Công ty Đức Long (trụ sở ở Bà Rịa - Vũng Tàu) khai thác tại Phú Quốc từ năm 2014 đến nay. Hai tháng đầu năm 2017, trong số gần 1 triệu m3 cát từ Việt Nam lên tàu về Singapore thì khối lượng của Công ty Hua Kai chiếm tới 2/3.

Tiếp chúng tôi là một phụ nữ tên L.F., tự nhận là người điều hành của công ty này.

Với lý do hải quan Việt Nam nghi ngờ giá xuất khẩu cát mà Công ty Đức Long khai báo khi bán cho Công ty Hua Kai, nên chúng tôi muốn tìm hiểu sự thật, L.F nhanh chóng từ chối: “Việc này các anh phải hỏi cơ quan chức năng Việt Nam. Tôi không thể tiết lộ được”.

Sau một hồi thuyết phục không được, chúng tôi đưa ra bản hợp đồng gốc bằng tiếng Anh của hai công ty ký ngày 30-7-2014.

Theo đó, tại mục 1.1 có tiêu đề “Giá cát” ở trang 2 ghi rõ: Công ty Đức Long đồng ý bán và Công ty Hua Kai đồng ý mua cát biển với giá 4,6 USD/m3 FOB (nghĩa là Công ty Đức Long giao cát lên tàu tại cảng xếp hàng là ở Phú Quốc).

L.F cầm bản hợp đồng liếc nhanh hết 8 trang liền hỏi: “Làm sao các anh có được hợp đồng này?”.

“Việc đó không quan trọng. Xin hỏi đây có đúng là hợp đồng của Công ty Hua Kai và Đức Long không?” - chúng tôi hỏi.

“Đúng. Chính tôi ký hợp đồng này. Nhưng chúng tôi chỉ nhập hai tàu của hợp đồng này rồi ngưng. Tàu đầu thì đầy, nhưng tàu thứ hai chỉ được nửa tàu do Đức Long không đủ năng lực giao hàng. Năm 2016 chúng tôi đã ký hợp đồng mới rồi” - L.F nói.

“Hợp đồng này Công ty Hua Kai mua của Công ty Đức Long giá 4,6 USD/m3. Còn hợp đồng mới giá bao nhiêu?” - chúng tôi truy tiếp. L.F lắc đầu: “Không. Tôi không thể tiết lộ giá được!”.

Trong khi đó, người đàn ông ngồi bên cạnh L.F hỏi: “Đây là vấn đề nhạy cảm. Nếu chúng tôi tiết lộ thông tin thì liệu các anh có giữ bí mật được không?”. Chúng tôi gật đầu: “Đương nhiên rồi”.

Nhưng L.F tỏ ra khó chịu và nói với người đàn ông này bằng tiếng Hoa: “Việc gì mình phải nói cho tụi nó biết chứ?”. Nghe vậy, người đàn ông đi ra ngoài.

Chúng tôi nói cho L.F biết có sự chênh lệch giá khai báo và giá ký hợp đồng. Tuy nhiên cô ta vẫn nói cứng: “Tôi không thể tiết lộ chuyện này được”.

Dù biết trước không thể có chuyện doanh nghiệp Singapore mua cát của doanh nghiệp Việt Nam với giá 1 USD/m3, nhưng chúng tôi vẫn thấy bất ngờ trước lời thừa nhận của L.F về bản hợp đồng ký tháng 7-2014 với Công ty Đức Long.

Bởi lẽ giá khai báo hải quan của Công ty Đức Long chỉ có 1,3 USD/m3, nhưng giá ghi trong hợp đồng lên tới 4,6 USD/m3.

Đối chiếu với hồ sơ chứng cứ chúng tôi nắm được, trong năm 2015 Công ty Đức Long xuất khẩu hai tàu cát cho Công ty Hua Kai với khối lượng đúng như L.F nói.

Tàu thứ nhất làm thủ tục hải quan vào ngày 3-4-2015, khối lượng 28.052m3; tàu thứ hai xuất ngày 23-6-2015, khối lượng 17.728m3. Cả hai tàu này Công ty Đức Long khai báo giá xuất khẩu với Chi cục Hải quan Phú Quốc là... 1,3 USD/m3, thấp hơn giá ghi trong hợp đồng tới 3,3 USD/m3.

Từ năm 2016 đến tháng 2-2017 Công ty Đức Long khai báo giá xuất khẩu cát cho Công ty Hua Kai là 1,2 USD/m3.

Ngày 27-2, chúng tôi liên hệ với Công ty Đức Long đặt lịch hẹn với lãnh đạo để trao đổi về việc này. Ông Thắng (kế toán trưởng) nói sẽ báo lãnh đạo trả lời nhưng cho đến nay Công ty Đức Long không có phản hồi.

PV Tuổi Trẻ tìm được văn phòng công ty Singapore Hua Kai Engineering trong một chung cư cũ - Ảnh: Vân Trường

Địa chỉ ảo

Chúng tôi tìm đến văn phòng hai công ty Ky Tuong Singapore và Seahawk Resources tại Singapore.

Theo hồ sơ, Công ty Kiến Hoàng khai báo giá cát bán cho Công ty Ky Tuong Singapore chỉ có 0,8 USD/m3, còn Công ty Linh Thành Quảng Bình bán cho Công ty Seahawk Resources giá 1 USD/m3.

Văn phòng Công ty Ky Tuong Singapore được đăng ký tại tòa nhà Paya Lebar Square ở số 60 đường Paya Lebar. Còn văn phòng Công ty Seahawk Resources tại tòa nhà International Plaza ở số 10 đường Anson.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến hai địa chỉ này thì phát hiện không có thật. Đó chỉ là địa chỉ văn phòng ảo, không có nhân viên nào của hai công ty này làm việc ở đây. Đây là văn phòng của các công ty khác.

Né tránh nhà báo Việt Nam

Công ty Santarli Constructions - đối tác nhập khẩu cát của Công ty Quốc Bảo - có trụ sở trong Khu công nghiệp Yishun.

Khi biết chúng tôi là nhà báo từ Việt Nam đến xin gặp lãnh đạo công ty hỏi về nhập khẩu cát, cô nhân viên tiếp tân gọi điện cho ai đó, nói bằng tiếng Hoa: “Có mấy nhà báo từ Việt Nam sang đang muốn tìm hiểu về chuyện nhập khẩu cát. Chị muốn gặp không?... Họ đang đứng đây... Trả lời sao?... Chị không muốn gặp à?... Vậy nói chị ra ngoài nhé!”.

Sau đó cô tiếp tân nói với chúng tôi bằng tiếng Anh: “Người phụ trách nhập khẩu cát đã đi ra công trường. Họ không rảnh để gặp các anh”.

Tương tự, ông Jimmy (giám đốc Công ty TNS Resources) cũng từ chối tiết lộ thông tin hợp đồng mua cát với Công ty Sài Gòn - Hà Nội.

-------

Các kỳ trước

>> Kỳ 1: Tàu chở cát đi đâu?

>> Kỳ 2: Cát Việt bán giá bao nhiêu?

>> Kỳ 3: Cát Việt bán giá bèo, hải quan nghi vấn nhưng cho qua

LÊ NAM - V.TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên