Giám đốc công ty bảo vệ rút súng bắn dọa người đòi nợ - Ảnh cắt từ clip |
Ngày 6-12, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Công an quận Tân Bình, TP.HCM đang khẩn trương vào cuộc xác minh đoạn video phát tán trên mạng ghi lại cảnh một người đàn ông nổ súng đe dọa một người dân trong lúc giữa hai người này xảy ra cự cãi.
Sự việc được cho là xảy ra trước trụ sở của một công ty dịch vụ bảo vệ trên đường Cống Lở thuộc phường 15, quận Tân Bình.
Đoạn clip phát tán trên mạng dài 2 phút 8 giây có nội dung thể hiện giữa một người đàn ông và một phụ nữ đi xe gắn máy xảy ra cự cãi bên lề đường.
Trong lúc lời qua tiếng lại, người đàn ông bất ngờ móc từ túi quần một khẩu súng ngắn, lên đạn gí vào đầu người phụ nữ dọa bắn.
Thấy vậy, người phụ nữ la to: “Mày bắn đi, bắn đi, bắn đi”. Lúc này, người đàn ông này giương súng bắn một phát “chỉ thiên” rồi bỏ đi, mặc cho người phụ nữ này gí đầu bảo: “Bắn lên đầu nè, sao lại bắn ra đường”.
Tuy nhiên, ngay sau đó cuộc cãi vã giữa hai người này lại tiếp tục, có chiều hướng càng căng thẳng. Trong đoạn đối thoại giữa hai người này thể hiện người đàn ông này có nợ lương, nhưng hứa nhiều lần không trả.
Khi người phụ nữ này có “ý kiến”, người đàn ông này to tiếng thách thức, đồng thời nhiều lần chỉ trỏ vào mặt, dùng chân đạp người phụ nữ.
Sự việc có sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có hai người (một ngồi sau xe của người phụ nữ và một đi theo người đàn ông), nhưng không ai can thiệp.
Sáng 6-12, phóng viên nhiều lần gọi vào hai số điện thoại di động của công ty được cho là có giám đốc nổ súng đe dọa người dân. Tuy nhiên, không ai bốc máy hoặc máy bận.
Trao đổi với Tuổi Trẻ trưa 6-12, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM cho biết đã cử lực lượng phối hợp cùng Công an Q.Tân Bình để xác minh vụ việc.
Theo vị này, Công ty dịch vụ bảo vệ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được cấp súng loại công cụ hỗ trợ và các loại công cụ hỗ trợ khác.
Theo quy định, cá nhân, đơn vị nào được cấp súng mà sử dụng sai mục đích, trái quy định thì tùy vào mức độ vi phạm, căn cứ theo quy định pháp luật để xử lý.
Riêng trường hợp cụ thể trên, phải chờ kết quả xác minh cụ thể. Súng đó có được cơ quan chức năng cấp giấy phép sử dụng hay không? Ai sử dụng và việc sử dụng đó vi phạm như thế nào thì sẽ ra quyết định xử lý đúng theo quy định pháp luật.
Trưa 6-12, công an đưa đưa người đàn ông có mặt trong clip lên ôtô về trụ sở để điều tra.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM: Rút súng uy hiếp người khác: Bị phạt hành chính hoặc hình sự Trước tiên cần xác định khẩu súng mà ông giám đốc sử dụng là loại vũ khí quân dụng hay công cụ hỗ trợ. Theo phân loại quy định tại Khoản 2 và Khoản 9 Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cụ thể 2 trường hợp như sau: - Nếu súng được sử dụng là vũ khí quân dụng thì căn cứ theo quy định tại Điều 13 pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12, ông giám đốc đó không phải là đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng và không được sử dụng vũ khí quân dụng. - Nếu súng được sử dụng là công cụ hỗ trợ, căn cứ quy định tại Điều 30 pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12, điểm đ Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP, công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị công cụ hỗ trợ, nhưng việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ chặt chẽ các quy định tại Điều 24 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP. Công cụ hỗ trợ khi mang ra sử dụng phải được thủ trưởng cho phép và ghi vào hồ sơ của cơ quan, đơn vị, đồng thời phải mang theo giấy phép sử dụng. Giám đốc tuy là người đại diện theo pháp luật của công ty, nhưng việc sử dụng vẫn phải đáp ứng các điều kiện về quản lý, sử dụng, không được tự ý mang công cụ hỗ trợ là súng ra khỏi công ty. Hành vi rút súng đe dọa người khác của ông giám đốc sẽ bị xử lý như thế nào? Trong trường hợp sử dụng súng là vũ khí quân dụng trái phép, tùy theo mức độ vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính từ 2-4 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật hoặc xử lý hình sự theo Điều 230 Bộ luật hình sự về tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Trường hợp súng là công cụ hỗ trợ, thuộc trường hợp là đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ thì việc sử dụng phải theo quy định tại Điều 33 pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12, chỉ áp dụng trong một số trường hợp theo quy định, không bao gồm trường hợp của ông giám đốc, tự ý bắn để hù dọa người khác. Nếu vi phạm về việc sử dụng, tùy mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính theo quy định tại điểm d, điểm đ Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo Điều 233 bộ luật hình sự về tội tàng trữ, sử dụng, vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận