Khu công nghiệp (KCN) Xuân Thới Thượng rộng 300ha tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM được bốn cơ quan liên quan: UBND huyện Hóc Môn, UBND huyện Củ Chi, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP, Sở Quy hoạch và kiến trúc TP đều thống nhất đề nghị xóa khỏi danh mục quy hoạch các KCN tại TP.HCM. Trong ảnh: một góc KCN Xuân Thới Thượng - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), tính đến hết năm 2014, các bộ, ngành và địa phương đã lập 12.860 quy hoạch nhưng không có sự thống nhất, bổ sung cho nhau nên quy hoạch lạm phát và nhiều nơi người dân vẫn phải khổ vì sống trong quy hoạch treo.
Ông gọi đây là tình trạng “lạm phát quy hoạch”.
Vẽ viễn cảnh đẹp nhưng thực hiện không được
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) tính toán ở góc độ hoang phí: đó là con số (quy hoạch) quá lớn và đã tiêu tốn của nền kinh tế hàng ngàn tỉ đồng.
Bà cho rằng quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, “quy hoạch không gắn với nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi liên kết dẫn đến chồng chéo”.
Từ góc độ khác, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) bình luận: “Quy hoạch ở VN vẽ ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp nhưng khi thực hiện lại không được, dẫn đến lãng phí”.
Ông Thịnh lấy ví dụ như nhiều khu đô thị không có người ở, nông dân thì mất đất vẫn chưa tìm được sinh kế mới, trong khi bất động sản tồn đọng rất nhiều.
Theo ông, quy hoạch phải được hiểu là bài toán phát triển sao cho sử dụng tiết kiệm nhất các nguồn lực, gây ảnh hưởng ít nhất về nghèo đói và ô nhiễm môi trường trên nguyên tắc tạo được sự đồng thuận xã hội cao, dựa vào cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý từ thụ hưởng kết quả đầu tư.
Chống tư duy nhiệm kỳ, trục lợi
Theo đại biểu Trần Thị Hằng, muốn lập lại trật tự trong quy hoạch thì trước hết hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.
Quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể, cấp nào phê duyệt thì cấp đó được quyền điều chỉnh quy hoạch.
Nhiều đại biểu tán thành với quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch về đất đai, tài nguyên, phát triển năng lượng, hạ tầng giao thông, quy hoạch thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
Góp ý về quy định các hành vi bị cấm, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) lên tiếng: “Thời gian qua đã xảy ra tình trạng xây dựng quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch bị lái theo lợi ích nhóm hoặc bị điều chỉnh tùy tiện, làm thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp, gây bất bình trong nhân dân.
Ví dụ, có những con đường đang thẳng mà được quy hoạch, điều chỉnh để biến thành “cong mềm mại”.
Vì vậy, Luật quy hoạch cần tập trung vào việc ngăn cấm những hành vi lũng đoạn quy hoạch, lợi dụng quy hoạch để trục lợi, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch của nhiệm kỳ trước (đây là tư duy nhiệm kỳ)”.
Ông Hạ đề nghị: khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý.
Để đảm bảo tầm nhìn trong quy hoạch, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị: “Quy định cụ thể các định mức kỹ thuật để đảm bảo tính thống nhất, đặc biệt là các căn cứ mang tính định lượng thống nhất giữa các quy hoạch.
Thực tế cho thấy quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, định hướng cho tới 10 năm và tầm nhìn 10 năm tiếp theo làm căn cứ lập các quy hoạch khác.
Song có một số quy hoạch lĩnh vực như phát triển giao thông, quy hoạch đô thị... cần phải có tầm nhìn xa hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là giai đoạn phát triển rất nhanh chóng về khoa học, công nghệ hiện nay và tương lai, nên cần có chiến lược tầm xa, có thể từ 50 năm tới để tránh lãng phí hoặc phá hủy không gian, có thể gây tác hại đến các giai đoạn sau”.
Chế tài nếu không công khai quy hoạch
Đó là đề nghị của đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình). Ông Tuân cho rằng luật cần quy định về chế tài xử phạt trong trường hợp không công bố công khai hoặc thông tin không chính xác, đầy đủ về các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nội dung này cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết: “Nguyên tắc công khai, minh bạch, ổn định trong công tác quy hoạch - nhất là cơ sở thu hút, mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư - thì việc công bố quy hoạch rất cần thiết. Đồng thời thực hiện cơ chế giám sát cộng đồng, tăng cường hơn nữa vai trò giám sát người dân đối với quá trình thực hiện quy hoạch”.
Vị đại biểu này đề nghị: “Dự thảo luật cần quy định đối tượng, nội dung công bố, phương thức, địa điểm, thời gian công bố cụ thể để thuận lợi thông tin đến nhiều người dân”.
Công cụ để tái cơ cấu nền kinh tế Luật này ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng về quy hoạch gây thất thoát lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước, phân tán không hiệu quả dẫn đến tùy tiện, chia cắt, cát cứ và xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương để hướng tới tăng cường liên kết vùng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước. Mặt khác, Luật quy hoạch sẽ trở thành nội dung cũng như một công cụ quan trọng để chúng ta thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong một khuôn khổ đồng bộ và thống nhất nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc sắp xếp, cơ cấu lại các nguồn lực của kinh tế hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận