Thượng tướng Lê Quý Vương trả lời báo chí về vụ Trịnh Xuân Thanh sáng 4-11 tại Quốc Hội - Ảnh: Viễn Sự |
Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội sáng nay (4-11), Thượng tướng Lê Quý Vương chia sẻ: “Các nhà báo nên viết theo hướng kêu gọi vận động Trịnh Xuân Thanh trở về nước, đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Và đấy cũng là bản lĩnh của một con người. Anh dám làm dám chịu"
Tôi cũng muốn nói điều này với anh Trịnh Xuân Thanh. Anh Trịnh Xuân Thanh sinh ra trong một gia đình có truyền thống. Bây giờ anh gây ra như vậy thì anh phải chịu trách nhiệm chứ không thể bỏ trốn.
Bản thân anh cũng phải có mối quan hệ với gia đình, với bố mẹ, anh em, các con các cháu sau này. Cho nên dám làm thì hãy dám chịu. Và luật pháp Việt Nam thì lượng khoan hồng rất lớn. Quan điểm của con người Việt Nam rất nhân đạo, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Lỗi như thế khó ai mà trốn được”
* Việc truy bắt ông Trịnh Xuân Thanh đang được tiến hành như thế nào thưa ông?
- Tất nhiên việc bắt giữ là khó khăn, bắt giữ một đối tượng ở nước ngoài đâu phải dễ. Việt Nam với các nước bây giờ phối hợp trong thực thi pháp luật cơ bản là tốt.
Tôi xin nói là Bộ luật hình sự đã quy định rất rõ, có những loại tội phạm về thời hiệu truy nã là vô thời hiệu, nghĩa là truy đến cùng khi nào bắt được thì thôi. Với trường hợp của Trịnh Xuân Thanh là truy đến cùng, không có thời hiệu.
* Với trường hợp chưa bắt được Trịnh Xuân Thanh thì có thể tạm thời đóng vụ án để đem ra xét xử trước hay không, thưa thượng tướng?
- Tùy theo nội dung của vụ án, nếu đủ yếu tố, đủ chứng cứ thì vẫn cứ xử. Tội đến đâu, ai mắc đến đâu, mức độ thế nào, điều tra tài liệu đến đâu thì xét xử theo thế ấy. Còn vẫn có thể lại tách ra để điều tra tiếp.
* Vụ án này có thuộc diện vụ án trọng điểm trong năm 2017?
- Tất nhiên là tới đây phải đưa vào vụ án trọng điểm để chỉ đạo làm cho thấu đáo. Vì dư luận nhân dân đang đặt ra, phải giải đáp cho được. Có đúng là làm lỗ 3300 tỉ không hay ít hơn. Các cá nhân khác liên đới thế nào, sai thế nào.
Trước mắt là có cố ý làm trái rồi, nhưng bên cạnh đó thì có tư lợi không, tham ô không, hoặc có thiếu trách nhiệm không. Phải làm thấu đáo.
* Với những người bị khởi tố vừa qua trong vụ án này thì tài sản của họ đã trong diện phong tỏa hay chưa?
- Theo quy định thì phải tiến hành kiểm tra và phong tỏa tài sản. Có thể tài sản của họ, và có thể những tài sản liên đới, kể cả của người thân để chứng minh rõ ràng. Với tài sản ở nước ngoài cũng đang xác minh.
Với căn biệt thự ở Tam Đảo mà báo chí nêu có liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, cơ quan điều tra đang phân tích rõ, vì đó có thể là tài chung, riêng hay người ta đã bán đi rồi, thì cũng không thể kê biên tài sản của người khác vào đấy được. Phải sòng phẳng như thế, chỉ được kê biên những tài sản của người đó và những người thân có liên quan đến vụ án, chứ không thể kê biên lung tung được.
Không thể tự ý ngăn công dân xuất cảnh
* Trước và sau vụ Trịnh Xuân Thanh dư luận có cho rằng bây giờ nhiều người phạm tội có cách là ra ngước ngoài với lý do nào đó rồi bỏ trốn?
- Cái đó đúng là phải hết sức chú ý. Trong bối cảnh như hiện nay các công tác điều tra, thực tế là hết sức khó khăn. Chúng ta đang thực hiện dân chủ, công dân nào cũng có quyền cấp hộ chiếu, rất đơn giản, đi lại thuận lợi.
Một số nước trong khu vực việc qua lại rất thuận lợi. Rồi một số nước có các cơ chế như thẻ xanh, rồi tài khoản ở nước ngoài, thẻ APEC... có thể đi lại một số nước trong khu vực.
Còn về mặt kiểm soát nhà nước thì kiểm soát xuất nhập cảnh người ta chủ yếu tập trung vào quản lý công khai qua cửa khẩu, sân bay, hải cảng...Biên giới Việt Nam rất rộng nên việc lợi dụng để đi lại rất dễ dàng.
* Nhưng các đối tượng thuộc "tầm ngắm" rồi thì mình phải có những biện pháp để ngăn chặn?
- Nếu nói về Bộ luật hình sự thì chỉ có tội khi mà tòa án nhân có bản án và bản án có hiệu lực thi hành. Còn ngay công an muốn bắt giữ người thì trừ trường hợp phạm pháp quả tang.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự mới thì sau khi giữ khẩn cấp thì phải báo Viện kiểm sát để phê chuẩn. Đấy là cái khó cho công tác điều tra.
Chỉ có các đối tượng hình sự, các đối tượng có tiền án, có nghi vấn phạm tội hình sự thì còn có biện pháp theo dõi chặt chẽ được. Nhưng các đối tượng chúng ta đang nói đa phần là cán bộ công chức, viên chức nhà nước, có trường hợp là Đảng viên. Làm sao mà tiến hành được các biện pháp có thể quản lý, ngăn chặn như vừa nêu được?
* Nhưng qua các vụ việc đã xảy ra thì các quy định về ngăn chặn các tội phạm kinh tế bỏ trốn cũng đang gặp rào cản? Có giải pháp nào không thưa ông?
- Có nhiều cái rất khó, ngay như luật pháp Việt Nam với các nước trong bộ luật hình sự thì cũng khác nhau. Với Việt Nam thì có thể đó là phạm tội hình sự, nhưng nước khác thì lại quy định khác, hoặc kể cả mức hình phạt.
Cho nên vấn đề về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước cũng có khác nhau. Công tác quản lý về xuất nhập cảnh...cũng còn nhiều bất cập.
Chẳng hạn vụ Giang Kim Đạt trước đây là một trường hợp điển hình điều tra kéo dài. Khi trốn thì lực lượng công an vẫn phải truy tìm và cuối cùng đã bắt được Giang Kim Đạt. Mà bắt không phải dễ dàng, Giang Kim Đạt đã đi qua nhiều nước và cuối cùng bắt được ở ngay nước giáp ranh.
* Vậy có cần đề xuất thay đổi quy trình hoặc một cách nào đó để ngăn chặn các đối tượng đang tìm cách bỏ trốn không?
- Cũng có thể đề xuất một số biện pháp. Nhưng nếu người ta chưa bị khởi tố, chưa chứng minh người ta phạm tội, thì không thể đưa ra lý do này lý do kia để cấm người ta xuất cảnh được.
Công dân chỉ bị hạn chế quyền khi mà pháp luật có quy định. Lực lượng công an cũng không thể đẻ ra cái này cái khác để hạn chế người ta được.
Một số vụ việc bỏ trốn vừa qua tôi cho đấy là những cái sơ hở trong vấn đề quản lý cán bộ. Còn nói chung lỗi ở đâu, lỗi nhứ thế nào thì phải xem xét và đánh giá thì mới kết luận được, chứ không thể nói cứ đi ra nước ngoài là bỏ trốn.
Anh bảo người ta bỏ trốn nhưng người ta đi chữa bệnh, mai mốt người ta trở về thì ai cải chính cho? Cái gì có chứng cứ thì mình nói, còn không thì không thể nói ào ào được...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận