04/11/2016 14:02 GMT+7

Nông thôn mới, xây hố rác cũng mất cả tỉ đồng

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Có nơi ngay gần thủ đô, xây hố rác mà cũng mất gần cả tỷ đồng, trong khi người dân bảo họ chỉ cần 200 triệu cũng xây được như vậy, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng 4-11.

 

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) cũng tỏ ý nghi ngờ vì sự thiếu minh bạch trong xây dựng NTM.

"Có dấu hiệu thiếu minh bạch, có nhiều hiện tượng “xé lẻ” gói thầu, thậm chí trong đấu thầu cũng có dấu hiệu làm sai nguyên tắc đấu thầu" - đại biểu Cương còn cho biết ông đã đi một số địa phương và thấy ở cấp xã, một số trạm y tế đầu tư thiết bị 500 triệu đồng, nhưng do thiếu đồng bộ nên vẫn đắp chiếu.

Có nơi ngay gần thủ đô, xây hố rác mà cũng mất gần cả tỷ đồng, trong khi người dân bảo họ chỉ cần 200 triệu cũng xây được như vậy.

Đại biểu Cương nói tiếp: việc xây các nhà thi đấu, văn hóa có giá tiền tỷ nhưng nhà văn hóa thì đìu hiu, nhà thi đấu thì đóng cửa. Có nơi người dân kêu xây dựng NTM cho đạt chỉ tiêu chứ không vì nhu cầu bức thiết của dân.

"Ở một số địa phương, biển hiệu, khẩu hiệu xây dựng NTM cứ san sát, đúng là ta nhất thế giới về biển hiệu" - đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng thắc mắc “không biết kinh phí này lấy từ đâu ra?

Ông Cương tiếp tục đặt câu hỏi: Báo cáo nêu đến cuối năm 2015 số xã đạt NTM là 17%, nhưng đến 10-2016 đã lên 23% thì có phải "chạy theo thành tích" hay không? Có xuê xoa không, có nợ tiêu chí không?.

Theo ông Cương, NTM là cần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Không nhất thiết xã nào cũng phải có nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, có chợ nếu xã đó đã có, vẫn đáp ứng.

Cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nội dung hỗ trợ đầu tư làng nghề để phát triển, tạo việc làm, giữ được nét văn hóa. Bên cạnh đó, cần tập trung giám sát cả các tiêu chí đã đạt được, chứ không nên đạt rồi thì bỏ.

Phải thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm. Chống lãng phí, nhất là các công trình sử dụng ngân sách, tiền của dân.

Phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng kết quả đạt được trong 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM “chỉ là bước đầu”, còn hình thức và chạy theo thành tích.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp để thực hiện chương trình này hiệu quả, thiết thực hơn trong thời gian tới.

Không công nhận NTM nếu nợ 3 tỷ đồng

Theo các đại biểu, NTM gắn với tái cơ cấu là phải làm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nhưng nay vẫn hạn chế, sức sản xuất thấp, không đáp ứng thị trường. Cần sản xuất gắn với lợi thế của từng vùng, từng thị trường. Điểm nghẽn của xây dựng NTM là thiếu cơ chế đặc thù.

Đa số đại biểu cho rằng Chính phủ phải có hướng dẫn việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng NTM, tránh nợ đọng. Cần công khai minh bạch nguồn ngân sách phân bổ. Giải quyết dứt điểm nợ đọng, không để nợ phát sinh, ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương làm tốt.

Theo đại biểu Tuấn, ở Nam Định, khi xét duyệt công nhận tiêu chí NTM, nếu một xã nợ từ 3 tỷ đồng mà không có phương án trả nợ thì sẽ không xét.

Để làm NTM mới thành công, hiệu quả thì Chính phủ, các bộ ngành phải có giải pháp đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững. Phải khuyến khích, có cơ chế thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên