12/09/2016 18:10 GMT+7

Bão số 4 vào sát Đà Nẵng - Quảng Ngãi, gió giật cấp 9-11

TUẤN PHÙNG - TRƯỜNG TRUNG - TRẦN MAI -   LÊ TRUNG - TẤN LỰC
TUẤN PHÙNG - TRƯỜNG TRUNG - TRẦN MAI - LÊ TRUNG - TẤN LỰC

TTO - Lúc 23 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-11.

Mưa trắng xóa trên các tuyến đường ven biển Đà Nẵng (chụp lúc 16g ngày12-9)- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG.

Mưa trắng xóa trên các tuyến đường ven biển Đà Nẵng (ảnh chụp lúc 16g ngày 12-9) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

 

 

Bão số 4 sẽ đổ bộ Thừa Thiên Huế-Bình Định 

Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.

Đến 4 giờ ngày 13-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-11. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bao gồm cả Cù Lao Chàm và huyện đảo Lý Sơn) cấp 8, giật cấp 9-11; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng cao xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh. 

 Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ đêm nay (12/9) đến ngày 14/9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100-200mm)

       

Vị trí và đường đi của cơn bão số 4 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Trước đó, lúc 18g ngày 12-9, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Nam-Bình Định khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100mm.

Một số có mưa rất to như: An Chỉ (Quảng Ngãi) 200mm; sông Vệ (Quảng Ngãi) 190mm; Hoài Ân (Bình Định) 170mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230mm…

Tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh. 

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chiều tối 12-9, ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương - nhận định dự kiến sáng sớm 13-9 tâm bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đất liền từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.

Theo ông Cường nhận định trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Đến 24g ngày 12- 9, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển Quảng Nam-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11.

Phạm vi ảnh hưởng gió mạnh cấp 6 của bão sẽ từ Quảng Bình đến Bình Định. Trong đó từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ảnh hưởng gió mạnh nhất.

“Nhiều khả năng vào sáng sớm 13-9, tâm bão vào đất liền Đà Nẵng đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9- 10. Vùng ven biển và ngoài khơi gió cấp 8 giật cấp 10-11”- ông Hoàng Đức Cường cho biết.

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp hoàn lưu bão nên các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Nghệ An nhiều khả năng xảy ra lốc xoáy, dông sét rất nguy hiểm.

Do ảnh hưởng của bão số 4 nên các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to từ đêm 12 đến ngày 14-9 với lượng mưa  50 đến 200mm; từ Huế đến Nghệ An 50 đến 150mm. Tuy nhiên, cục bộ một số nơi có lượng mưa lớn hơn. Mưa lớn sẽ gây ra một đợt lũ trên các sông miền Trung và Bắc Tây Nguyên. Kèm theo đó là nguy cơ sạt lở, lũ quét xảy ra rất cao ở các khu vực trên.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cho biết đều đã triển khai phương án phòng chống bão, kêu gọi tàu thuyền về bờ. Một số tàu thuyền hoạt động ven bờ và đang trên đường về sẽ vào khu neo đậu trong đêm 12-9.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - yêu cầu các địa phương, bộ ngành liên quan phòng chống bão số 4 với mục tiêu đảm bảo cho tính mạng người dân là trên hết.

Ông Cường yêu cầu các lực lượng liên tục liên lạc hướng dẫn 452 tàu thuyền cùng hơn 3.400 ngư dân đang trong vùng biển nguy hiểm ( từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) di chuyển ra khỏi khu vực này hoặc về bờ trú tránh. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão cấm biển tuyệt đối, tổ chức neo đậu tàu thuyền trú bão an toàn.

Đồng thời ông Cường yêu cầu các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Gia Lai, Kon Tum rà soát tất cả phương án phòng chống bão từ vùng biển đến trên bờ và miền núi; chú ý bảo vệ diện tích nuôi trồng thuỷ sản, tập trung thu hoạch lúa đã chín…

Hội An, Cù Lao Chàm mưa rất lớn

Nhiều tuyến đường ở phố cổ Hội An bị ngập trong nước - Ảnh: L.TRUNG

Tối 12-9, ông Nguyễn Văn Dũng - chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) cho hay địa phương này đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão số 4.

Trong đó chú trọng chỉ đạo chính quyền, người dân đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) chằng chống nhà cửa. Ngoài ra cũng cấm các tour du lịch và tàu, ca nô ra Cù Lao Chàm.

Theo ông Dũng, trong ngày 12-9, Hội An đã huy động 800 tàu thuyền các loại neo đậu an toàn. Kiểm tra toàn bộ các công trình đang thi công, đặc biệt các công trình kè biển và các nhà cổ trong phố cổ.

Ông Dũng cho biết từ chiều đến tối, ven biển Hội An và đảo Cù Lao Chàm có nhiều trận mưa rất lớn kèm gió giật mạnh. Nhiều tuyến đường trong phố cổ Hội An ngập nặng.

Theo thống kê từ bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 3.800 tàu đã neo đậu tại bến. Đến chiều 12-9 vẫn còn có 102 tàu xa bờ và 40 tàu gần bờ đang trên biển. Hiện tại cơ quan này đã thông báo yêu cầu các tàu khẩn trương vào bờ, nơi tránh trú, đến 19g tối nay vào bờ và các nơi tránh trú an toàn.

Theo ghi nhận của PV, đến 21g cùng ngày, ở TP Tam Kỳ có mưa rất to kèm theo gió mạnh. Nhiều quán xá đã đóng cửa. Chiều tối cùng ngày nhiều nhà dân, trường học đã tổ chức chèn chống nhà cửa, trường.

Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng có công văn yêu cầu các trường cho học sinh nghỉ học từ ngày 13-9 cho đến khi bão tan. Sở cũng đưa đường dây nóng để báo tin, liên hệ phòng chống bão, lũ. 

Đà Nẵng: Di dời dân gần Khu công nghiệp Hòa Khánh

Lúc 21g30, ông Đàm Quang Hưng, chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết quận đã cử lực lượng di dời gần 100 hộ dân sống tại khu B1 Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc) gần khu công nghiệp Hòa Khánh.

Theo đó, những người già và trẻ em được đưa đến tránh trú tạm tại nhà người thân đề phòng nguy cơ mưa lớn ngập lụt trong đêm. Mỗi hộ cắt cử một người khỏe mạnh ở lại trông nhà. Trong đêm nay, nếu tình hình ngập úng nghiêm trọng, lực lượng chức năng sẽ di dời toàn bộ dân khu vực này.

Tại các khu phòng trọ công nhân quanh KCN Hòa Khánh, giao cho các phường cử người trực tiếp đến từng nhà trọ thông báo tình hình lụt bão để công nhân nắm và chủ động chèn chống nhà cửa tránh bão. Tại các điểm thấp trũng, có khả năng ngập úng cũng bố trí sẵn sàng lực lượng làm nhiệm vụ.           

Trần mình chèn chống nhà cửa

Khi những cơn mưa lớn vừa ngớt, cuối giờ chiều 12-9, người dân ven biển Đà Nẵng đã tranh thủ chèn chống nhà cửa.

Tại tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành thuộc đoạn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, mưa lớn trắng xóa kéo dài, nhiều ngư dân thu lưới về nhà. Các dù, lều xe bán nước và chợ di động cũng được các tiểu thương vội vã kéo lên bờ.

Một người dân đi bộ trên đường trong nước ngập - Ảnh: TẤN LỰC

Đặc biệt tại tuyến đường này có rất nhiều quán nhậu được dựng bằng tôn vuông góc với hướng gió biển nên thường xuyên bị gió cuốn bay mỗi khi bão lớn.

Nhiều chủ quán đã tranh thủ lúc mưa ngớt để thuê người mang bao cát đè lên mái tôn và dùng dây, cây chèn chống cửa.

Tại đoạn kênh Phú Lộc nối với vịnh Đà Nẵng, hàng chục tàu ghe đã chạy vào khúc sông phía trong cầu đậu tránh gió. Dù nước từ khe Cạn xuống mạnh nhưng nhiều ngư dân trần mình trong mưa lớn để neo đậu tàu thuyền.

Nhiều ngư dân trần mình dưới kênh Phú Lộc để neo tàu thuyền - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ông Lê Sáu, một ngư dân phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) cho biết do mưa quá to nên đến chiều nay ông mới cho tàu vào tránh bão được.

Do mưa lớn kéo dài, tại một số tuyến đường như Trưng Nữ Vương, Quang Trung, Nguyễn Du (quận Hải Châu) cũng xuất hiện tình trạng ngập.

Tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang có nhiều khu vực bị ngập nặng, nước tràn vào nhà dân do mưa lớn kéo dài.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ thống kê xã Hòa Liên, hiện có một số khu vực bị ngập nước, cô lập như khu vực thôn Quan Nam 3, Trạm y tế xã, Trường tiểu học số 2.

Lực lượng chức năng cắt tỉa cành phòng ngã đổ - Ảnh: TẤN LỰC

Hai tàu cá chìm trên đường vào đất liền

Trong khi đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khoảng 12g30 trưa 12-9, 2 tàu cá đánh giã cào trên vùng biển thuộc địa phận xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) trên đường vào bờ trú bão đã bị chìm.

Theo báo cáo của UBND TP Quảng Ngãi, 2 tàu cá bị chìm là của ngư dân Phạm Văn Hùng, với công suất dưới 90 CV và ngư dân Nguyễn Ca với công suất trên 90 CV. 

Cả 2 ngư dân đều ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi). Nguyên nhân tàu chìm là do trên đường vào bờ trú bão đến gần khu vực cửa Đại thì tàu bị mắc cạn, chết máy, sau đó bị sóng lớn nhấn chìm.

Lúc chìm trên mỗi tàu có 3 ngư dân. Rất may không có thiệt hại về người nhưng tài sản bị thiệt hại nặng. 

Ngay khi nhận thông tin, các lực lượng chức năng và người dân đã được huy động để lai dắt tàu vào bờ. Đến 17g cùng ngày, công tác lai dắt vẫn đang được tiếp tục trong điều kiện thời tiết xấu, sóng lớn.

Trong ngày, ông Trần Ngọc Căng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chủ động ứng phó, phòng chống áp thấp nhiệt đới.

Xuất hiện cơn bão mới

Hiện phía đông Philippines có cơn bão tên quốc tế là Meranti đang hướng về biển Đông. Tối 12-9, bão ở vào khoảng 18,6 độ vĩ bắc, 128,9 độ kinh đông, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 16-17.

Các trang dự báo quốc tế nhận định, bão Meranti có thể phát triển mạnh thêm và dự kiến vượt qua khu vực giữa Philippines và Đài Loan vào biển Đông trở thành cơn bão số 5 (QUANG KHẢI)

* Chiều 12-9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định có báo cáo nhanh về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang ảnh hưởng đến tỉnh này.

Theo đó, số liệu mới nhất của Bộ đội biên phòng Khánh Hòa báo về lúc 16g cùng ngày là đã liên lạc, kêu gọi hơn 6.300 tàu thuyền với gần 43.000 ngư dân của Bình Định chủ động chạy tránh, neo trú để không bị thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.

Trong số này có 221 tàu với hơn 2.500 ngư dân Bình Định đang hoạt động ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng, 20 tàu với 140 ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa, 308 tàu với 2.156 ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (D.THANH)

 

 

TUẤN PHÙNG - TRƯỜNG TRUNG - TRẦN MAI - LÊ TRUNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục