15/08/2016 10:29 GMT+7

Lãnh đạo cấp nào được bảo vệ đặc biệt?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Luật cảnh vệ vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-8 đề xuất mở rộng đối tượng được cảnh vệ, nhưng vẫn còn những quan điểm khác nhau.

Thượng tướng Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật Cảnh vệ - Ảnh: L.K
Thượng tướng Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật Cảnh vệ - Ảnh: L.K

Bộ trưởng Bộ Công an - thượng tướng Tô Lâm đại diện Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật cảnh vệ. Theo đề xuất của Chính phủ, các đối tượng được cảnh vệ bao gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội;

Các nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội;

Các ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội;

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

So với Pháp lệnh cảnh vệ hiện hành, dự thảo thêm đối tượng được cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt cho biết qua thẩm tra “nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành vì cho rằng, việc thực hiện công tác cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua là phù hợp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn”.

Một số ý kiến đồng tình với dự thảo luật vì cho rằng các chức danh này có tầm ảnh hưởng quan trọng, liên quan hoạt động đối ngoại và hoạt động phòng, chống tội phạm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố, tham nhũng hiện nay.

Trong khi đó, cũng có những ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng được cảnh vệ theo hướng chỉ tập trung cho các yếu nhân (Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng) và một số vị trí thực sự đặc biệt quan trọng liên quan an ninh chính trị, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc mà các thế lực thù địch luôn tìm cách tấn công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên mở rộng đối tượng cảnh vệ, vì thực chất những đối tượng đề nghị mở rộng đều thuộc cơ cấu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tức là đã thuộc đối tượng được cảnh vệ.

Đó cũng là quan điểm của đa số thành viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh.

“Nếu mở rộng đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao thì người ta cũng đặt vấn đề là tại sao không mở rộng đối tượng với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, thậm chí là Tổng Kiểm toán Nhà nước bởi các chức danh này cũng trọng yếu, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay” - ông Võ Trọng Việt nói.

Dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm nay.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên