11/06/2016 10:13 GMT+7

Đối thoại với dân Thủ Thiêm: Gỡ dần từng việc một

D.NGỌC HÀ - MAI HƯƠNG
D.NGỌC HÀ - MAI HƯƠNG

TTO - Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM với các hộ dân đang khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã diễn ra từ sáng đến chiều 10-6.

Ông Nguyễn Thành Phong (trái), chủ tịch UBND TP.HCM, đối thoại với đại diện các hộ dân khiếu nại về đất đai, giải tỏa đền bù tại quận 2 - Ảnh: Tự Trung
Ông Nguyễn Thành Phong (trái), chủ tịch UBND TP.HCM, đối thoại với đại diện các hộ dân khiếu nại về đất đai, giải tỏa đền bù tại quận 2 - Ảnh: Tự Trung

Sau cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao chánh Thanh tra TP phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND quận 2 tiếp tục xem xét, giải quyết các kiến nghị của người dân khiếu nại tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Lý ra tôi phải gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người sớm hơn vào tháng 4 nhưng công việc quá nhiều. Hơn nữa tôi mới nhận nhiệm vụ chính thức cuối năm 2015, công việc liên tục nên hôm nay mới tiếp xúc được. Tôi xin lỗi bà con về sự trễ nải này

Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG

Xin lỗi dân vì đối thoại trễ

Mở đầu buổi đối thoại vào đầu giờ sáng, luật sư Trần Vũ Hải, đại diện các hộ dân khiếu nại, tóm tắt nội dung phản ảnh của người dân tập trung 3 vấn đề chính. 

Cụ thể: phần lớn hộ dân khiếu kiện cho rằng các khu phố thuộc hai phường Bình An và Bình Khánh không nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, các cơ quan chức năng không ban hành quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân là vi phạm pháp luật và quá trình đền bù không đúng luật.

“Những vấn đề này người dân bức xúc quá lâu, đề nghị không giới hạn thời gian tiếp xúc để người dân được trình bày, chất vấn nhằm làm rõ vấn đề” - luật sư Hải đề nghị.

Đáp ứng nguyện vọng này của đại diện các hộ dân, hầu như suốt buổi sáng và phần lớn thời gian buổi chiều 10-6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, người điều hành phiên đối thoại, đã để các đại diện người dân trình bày những quan điểm, kiến giải, lập luận và căn cứ liên quan đến ranh giới khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Người dân trao đổi không bị giới hạn thời gian, không bị ngắt lời, một người phát biểu nhiều lần và không bị ngắt lời. Thậm chí ông Phong còn cho phép đại diện các sở, ban ngành và UBND quận 2 trao đổi, trả lời những vấn đề người dân thắc mắc để làm rõ các tình tiết cụ thể.

Phát biểu cuối buổi đối thoại, sau khi đã lắng nghe tất cả ý kiến của các bên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong xin lỗi bà con quận 2 vì đáng lý ra ông phải đối thoại với dân vào đầu tháng 4-2016, nhưng do công việc quá nhiều và ông cũng vừa nhận nhiệm vụ nên có phần chậm trễ.

Ông Phong cảm ơn và bày tỏ sự trân trọng đối với các đóng góp, hi sinh của người dân quận 2 khi đã chấp thuận di dời, giao đất cho TP để xây dựng dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đối với một số nội dung liên quan đến pháp lý mà người dân còn thắc mắc, ông Phong gợi mở hướng xử lý.

Cụ thể về yêu cầu công khai bản đồ kèm theo quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ, ông Phong cho biết UBND TP đã chủ động có 2 văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Trung tâm Lưu trữ quốc gia nhờ cung cấp bản đồ nhưng được trả lời hồ sơ lưu trữ không có bản đồ kèm theo.

Qua ý kiến của bà con, UBND TP tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng - đơn vị thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng - cung cấp bản đồ.

Về vấn đề đất nằm trong hay ngoài quy hoạch dự án, do vẫn còn nhận thức và cách hiểu khác nhau giữa tài liệu chứng cứ của Sở Quy hoạch - kiến trúc cung cấp và tài liệu các hộ dân thu thập được về ranh giới quy hoạch nên UBND TP giao chính Thanh tra TP chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - kiến trúc và các đơn vị liên quan đối thoại với các hộ dân để làm rõ vấn đề này. Sau đó báo cáo đề xuất UBND TP hướng giải quyết có căn cứ và đúng pháp luật.

“Tôi thấy dân chưa đồng thuận ranh giới thu hồi đất. UBND TP giao chánh Thanh tra TP phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường làm việc lại với bà con để làm rõ cơ sở pháp lý ban hành ranh giới thu hồi đất và báo cáo đề xuất hướng giải quyết cho UBND TP.

Liên quan đến chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, UBND TP giao quận 2 tiếp tục rà soát, xem lại các trường hợp di dời giải tỏa mà còn khiếu nại để đề xuất hướng giải quyết cụ thể cho các trường hợp này, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các hộ dân” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kết luận.

Ông Phong cũng cho biết các kiến nghị, thắc mắc của bà con đều sẽ được TP trả lời bằng văn bản.

Phải trả lời tất cả thắc mắc của dân

Theo dõi xuyên suốt cuộc tiếp xúc, ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban Tiếp công dân trung ương, nhận xét đây là một buổi đối thoại thẳng thắn, cởi mở, các bên đều có nhiều cơ hội, thời gian để nói hết quan điểm của mình.

Bà con quận 2 đã chuẩn bị tài liệu rất công phu “như một luận án tiến sĩ” để trình bày, bảo vệ lý lẽ của mình. Lãnh đạo TP.HCM và các sở ngành đã lắng nghe với tinh thần cầu thị cao.

“Để khiếu nại của bà con kéo dài quá lâu thì cán bộ chúng ta phải thấy áy náy. Ngay cả việc đã hứa, đã cam kết đối thoại với bà con mà đối thoại chậm thì cũng phải thấy cái lỗi của chính quyền” - ông Điệp nói.

Tuy nhiên, theo ông Điệp, vấn đề người dân bức xúc có rất nhiều vụ việc, trải qua nhiều thời gian và có cả yếu tố lịch sử trong đó nên không thể giải quyết một sớm một chiều.

Ông Điệp đề nghị với lãnh đạo TP.HCM: “Tất cả nội dung thắc mắc của bà con phải được trả lời bằng văn bản. Các nội dung khiếu nại khác của từng cá nhân phải được cơ quan chuyên môn thụ lý theo đúng trình tự pháp luật.

Trong thời gian chờ đợi TP có kết luận thì các cấp sở, ngành, các chuyên viên nắm vững vấn đề vẫn nên tiếp tục đối thoại với người dân để đôi bên cùng hiểu rõ hơn và tiến tới đạt được sự thống nhất.

Cũng theo ông Điệp, các nội dung khiếu nại của người dân vẫn đang thuộc thẩm quyền giải quyết của TP.HCM, do đó đề nghị bà con bình tĩnh chờ TP có hướng trả lời, không nên khiếu kiện vượt cấp.

Còn ông Võ Văn Đồng, cục trưởng Cục III (Thanh tra Chính phủ), nhận định: “Rõ ràng ý kiến của các hộ dân và phía chính quyền TP còn khác nhau tương đối nhiều. Chúng ta thống nhất với nhau về mục tiêu, nhưng cách tiếp cận khác nhau dẫn đến không gặp nhau trong cách làm”.

Ông Đồng đề nghị TP nên giao cho cơ quan chuyên môn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền quận 2 cùng với các hộ dân ngồi lại với nhau nhiều ngày để lắng nghe, tranh luận, làm rõ từng vấn đề để cùng tìm cách giải quyết đảm bảo các quy định pháp luật và quyền lợi của người dân.

Ý kiến này của ông Đồng cũng giống với đề xuất của đại diện các hộ dân: Người dân đề nghị TP lập một tổ công tác đặc biệt gồm các chuyên gia, luật sư, những cán bộ trung lập làm việc với người dân chừng ba tháng để xem lại tất cả vấn đề và cùng tìm giải pháp tốt nhất.

Đại diện cơ quan dân cử của TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP, đề nghị chủ tịch UBND TP tập trung chỉ đạo tối đa, giải quyết các khiếu nại của người dân gửi đến các cơ quan chức năng để gỡ dần từng việc một.

Một số điểm chính của vụ khiếu nại

Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dựa trên quyết định này, các cơ quan chức năng tại TP.HCM ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch 1/2.000 của khu đô thị này.

Năm 2002, chính quyền TP và quận 2 ban hành quyết định thu hồi đất và phương án đền bù hỗ trợ cho hơn 14.000 hộ dân trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khiếu nại của người dân bắt đầu rải rác xuất hiện và tăng dần về số lượng theo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các cơ quan chức năng.

Từ đó đến nay, các cơ quan nhà nước đã nhiều lần tiếp xúc, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định nhưng vẫn còn người dân chưa đồng ý.

Ngoài nhóm những hộ dân khiếu nại được tiếp xúc ngày 10-6, dự án Thủ Thiêm còn một số hộ dân đang khiếu kiện hành chính tại tòa án các cấp và khiếu nại riêng lẻ khác.

D.NGỌC HÀ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên