18/04/2016 10:35 GMT+7

Cuộc sống đảo lộn vì nắng nóng gay gắt

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Những ngày qua, nắng nóng tiếp tục diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong 
cả nước khiến cuộc sống của người dân vô cùng khốn khổ.

Hàng trăm sinh viên kiến trúc trên cả nước sôi nổi cùng tham gia văn nghệ và nhắn tin ủng hộ “Nước cho vùng hạn, mặn” - Ảnh: C.Thành
Hàng trăm sinh viên kiến trúc trên cả nước sôi nổi cùng tham gia văn nghệ và nhắn tin ủng hộ “Nước cho vùng hạn, mặn” - Ảnh: C.Thành

Trưa chủ nhật, các siêu thị Co.op Mart ở TP.HCM đông nghịt, cả người lớn lẫn trẻ em. Bên cạnh nhu cầu mua sắm thì rất nhiều người vào đây để tránh nóng.

Chị Trần Thị Diễm Thúy (Q.Gò Vấp) dẫn theo cậu con trai 4 tuổi vào siêu thị cho biết chị cũng không mua gì nhiều nhưng cuối tuần đưa con vào đây vừa đi chơi vừa tránh nóng.

Bệnh do nắng nóng gia tăng

Mấy hôm nay con trai và mấy đứa cháu ở nhà chị đều bị sốt, rôm sảy mọc đầy lưng và trên trán. Dịp nghỉ lễ này, nhà chị dự tính đưa con đi du lịch nhưng nắng nóng quá nên đành ở nhà.

“Bình thường nhà ít mở máy lạnh vì sợ không tốt cho bé nhưng mấy hôm nay cứ đi đâu thì thôi, chứ về đến nhà là chui vào phòng bật máy lạnh. Hôm kia vừa đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ bảo bé bị amiđan. Mấy ngày nay cháu uống nước nhiều, chắc do nóng quá” - chị Thúy chia sẻ.

Với người dân miền Tây, kể từ đầu năm 2016 đến nay, đây là đợt nắng nóng nhất. Tuy là miền sông nước, cây cối nhiều nhưng do trời nắng, nhiệt độ cao và ít gió khiến không khí ngột ngạt, oi bức.

Tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, những ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, người dân tập trung tại các quán cà phê xung quanh khu vực giếng nước để tránh nắng, tránh nóng.

Ghi nhận ở nhiều bệnh viện trong khu vực, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng tăng cao. Bác sĩ Trần Văn Dễ - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - cho biết trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất khi thời tiết thay đổi.

Hiện nay số lượt khám các bệnh lý về hô hấp tăng, cụ thể vào đầu tuần lượng khám bệnh tại khu khám lên đến hơn 2.200 bệnh nhi, trong đó các bệnh lý liên quan đến thời tiết là nhiều nhất như viêm phổi, viêm hô hấp trên, phế quản, tiêu chảy, sốt siêu vi, sốt xuất huyết...

Giữa tuần số lượt khám khoảng 1.800 bệnh nhi, trong khi những ngày trước đó chỉ khoảng 1.600-1.700 bệnh nhi đến khám.

Trong khi đó, nắng nóng đã khiến nhiều người tản ra những vùng có nhiều sông ngòi, biển để tránh nóng. Nhiều hòn đảo ở tỉnh Kiên Giang trở nên “chật chội” do lượng khách đến quá đông.

Ông Trần Như Tiến - chủ tịch UBND xã Nam Du, huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang - cho biết thời gian gần đây lượng du khách đổ ra đảo này và các hòn đảo nhỏ lân cận tăng đột biến.

Chở nước cứu khát cho dân

Ông Trần Văn Lộc - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước - cho hay hiện tình trạng hạn hán tại nhiều khu vực thuộc các địa phương trong tỉnh đang diễn ra rất nghiêm trọng, đời sống người dân nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, có hơn 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Có hơn 30.000ha diện tích cây trồng không đủ nước tưới và hơn 1.000 gia súc thiếu nước uống...

Cũng theo ông Lộc, hiện mực nước ở các sông suối trên địa bàn tỉnh đã cạn kiệt, không còn dòng chảy.

Trong khi đó, mực nước ngầm tại các giếng đào, giếng khoan ở nhiều địa phương cũng thiếu hụt nghiêm trọng, trơ đáy, còn mực nước tích trữ các hồ chứa thủy lợi thấp hơn cùng kỳ nhiều năm.

Trong khi đó tại Bình Thuận, sau khi quyết định công bố thiên tai nắng hạn, tình hình hạn, thiếu nước vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại thôn Vĩnh Sơn và thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, nắng hạn tiếp tục kéo dài khiến đời sống người dân đã khó càng thêm khó.

Người dân cho biết nắng hạn từ trước Tết Nguyên đán đến nay, không có nguồn nước ngọt để sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất trồng trọt. Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua nước với giá hơn 60.000 đồng/m3.

Vì vậy, trong những ngày qua lữ đoàn 681 hải quân (đóng tại TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã điều động cán bộ, chiến sĩ cùng hai xe bồn (loại 4m3/xe) đến xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong tổ chức cấp nước ngọt miễn phí cho dân.

Chính quyền địa phương cho biết mỗi ngày lữ đoàn 681 hải quân chở từ 10-15 xe nước về cấp cho người dân. Đến nay đã có trên 200 hộ dân với gần 900 nhân khẩu tại thôn Vĩnh Sơn và thôn Vĩnh Hải có nước miễn phí.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên, năm ngày trở lại đây mức nhiệt thường xuyên tại Đắk Lắk khoảng 37oC đến gần 40oC khiến cây cối khô héo, ao hồ cạn kiệt và bệnh mùa khô tăng cao, đặc biệt ở trẻ em.

Gia đình bà Văn Thị Nhung (trú thôn 2, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) lỉnh kỉnh quần áo, thau chậu đi xin tắm nhờ.

“Nước chảy yếu lắm, lên bồn không nổi. Nhà tôi phải mở vòi cả ngày đêm đợi nước về nhưng chỉ đủ để ăn uống” - bà Nhung than thở.

Theo số liệu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có gần 24.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt (tăng hơn 17.000 hộ so với cùng kỳ năm 2015), tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh (trừ huyện M’Đrắk).

Toàn tỉnh cũng có khoảng 40.000ha cây trồng bị hạn, với hơn 6.000ha cà phê, lúa nước bị mất trắng, tổng thiệt hại ước tính hơn 1.200 tỉ đồng.

1.000 sinh viên kiến trúc nhắn tin “Nước cho vùng hạn, mặn”

19g ngày 17-4, tại khuôn viên Trường ĐH Yersin Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra lễ khai mạc Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ X, năm 2016 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng và Trường ĐH Yersin Đà Lạt đồng tổ chức.

Ngay trong lễ khai mạc festival, ban tổ chức đã phát động chương trình sinh viên kiến trúc nhắn tin ủng hộ đồng bào miền Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn, mặn.

Khoảng 600 sinh viên kiến trúc đến từ 22 trường ĐH có đào tạo chuyên ngành kiến trúc trên cả nước và 400 sinh viên ĐH Yersin Đà Lạt đã đồng loạt nhắn tin gửi những giọt nước nghĩa tình ủng hộ đồng bào vùng hạn, mặn.

Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, VTC và Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức chiến dịch nhắn tin: Mỗi tin nhắn - Một hành động tiếp sức đồng bào vùng hạn, mặn.

Chương trình bắt đầu từ 0g ngày 7-4 đến 24g ngày 5-6 với cú pháp: NC và gửi đến 1407, ủng hộ 14.000 đồng (tương đương 1m3 nước) sẻ chia với đồng bào.

Chia sẻ về việc nhắn tin gửi nước ngọt tới đồng bào bị thiên tai, bạn Nguyễn Ngọc Duy - sinh viên năm 4 Trường ĐH Yersin Đà Lạt - nói:

“Chỉ với một tin nhắn nhưng có thêm một khối nước ngọt quý giá gửi tới người dân đang gặp khô hạn. Đây là việc làm ý nghĩa, chúng em hoàn toàn chia sẻ và cùng vận động thêm nhiều người nhắn tin ủng hộ chương trình”.

Với chủ đề “Đà Lạt - Kiến trúc - Rừng - Hoa”, Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc 2016 chính thức bắt đầu từ ngày 17 và kết thúc ngày 19-4.

CHÍNH THÀNH

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên