Nhiều xe “thí điểm” chờ chở hàng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Trong căn nhà trọ tại P.Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), ông Trần Văn Luân (quê Thanh Hóa) cùng vợ mang bầu sắp sinh đang bán từng bó rau kiếm sống. Nửa tháng qua, ông mệt mỏi lên xuống nhiều nơi để mong giải quyết xe “thí điểm” bị CSGT lập biên bản lỗi không kiểm định, trong tâm trạng vô cùng bực bội.
Khổ vì xe không kiểm định
Theo ông Luân, năm 2015 ông mua xe “thí điểm” thay xe ba gác để chở hàng thuê, giá khoảng 80 triệu đồng. Không hộ khẩu tại TP.HCM, ông nhờ ông Đặng Văn Hải là người anh họ đứng tên mua xe mới, có đầy đủ giấy tờ đăng ký xe, bảo hiểm xe. Ông cũng đã học xong bằng lái xe ôtô.
Sáng 26-3, ông chở hàng trên xa lộ Hà Nội (Q.2) thì bị tổ công tác đội CSGT Cát Lái kiểm tra. Sau đó, xe của ông bị lập biên bản lỗi “không tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” dù ông đã cố gắng giải thích không biết làm thế nào xe mới có thể được kiểm định.
Nhiều ngày sau dó, ông phải đi lại đội CSGT Cát Lái, rồi hồ sơ được chuyển lên đội CSGT số 16 Phạm Ngọc Thạch (Q.3) và nơi đây yêu cầu dẫn theo người đăng ký xe đến giải quyết. Sáng 4-4, ông cùng ông Hải đến đây, CSGT cho biết ông bị phạt 2,5 triệu đồng, còn người đứng tên bị phạt 5 triệu đồng.
Ông Luân nói: “Tôi lên mấy trung tâm kiểm định, người ta nói tôi bị khùng, không chịu kiểm định, trong khi ra đường thì bị CSGT phạt”.
Người tiếp ông trả lời: “Kiểm định xe thuộc trung tâm đăng kiểm, không phải trách nhiệm của tôi”. Rồi nói tiếp: “Trách nhiệm của Sở GTVT hay trung tâm đăng kiểm, nếu người ta sai, anh có quyền khiếu nại”.
Không có tiền đóng phạt, ông đành trở về nhà.
Cùng lái xe thí điểm, ông Nguyễn Văn Cường (Hội Cựu chiến binh P.21, Q.Bình Thạnh) kể ông từng lái xe ba gác. Năm 2014, ông đứng tên mua xe “thí điểm” 80 triệu đồng cùng đầy đủ giấy tờ liên quan khi địa phương hỗ trợ theo chủ trương chuyển đổi xe ba gác.
Khi mua xe, không ai nhắc đến đăng kiểm, ông chỉ biết đến CSGT làm đăng ký, cấp biển số xe rồi chạy cho đến khi bị chính CSGT chặn lại kiểm tra lỗi kiểm định.
“Loại máy giống như xe honda, kêu đăng kiểm thì đăng kiểm kiểu gì. Mấy anh em chạy xe có chiếc nào đăng kiểm được đâu. Nếu biết phiền phức tôi đã không mua xe” - ông Cường nói.
Ngoài việc có thể bị CSGT bắt lỗi kiểm định, ông cho biết xe coi như ôtô nhưng phải chạy theo làn của môtô, không được đi đường hầm, đường cấm...
Còn ông Dương Công Sách (ngụ tỉnh Đồng Nai), đang lái xe “thí điểm” dưới chân cầu Sài Gòn, kể ông là lao động chính nuôi vợ con và mẹ già. Nhà nghèo, em gái của ông ở Q.9 vay tiền mua xe cho ông mưu sinh với đầy đủ giấy tờ liên quan. Đã nhiều lần ông bị CSGT bắt lỗi kiểm định, ông chỉ biết năn nỉ bằng đủ mọi cách.
CSGT nói rằng: “Chúng tôi thừa biết chiếc xe này không đủ tiêu chuẩn kiểm định như ôtô nhưng phải làm theo luật”.
Muốn kiểm định cũng không được
Theo ông Luân, từ lúc mua xe, ông đã đi nhiều trung tâm đăng kiểm nhưng không nơi nào nhận đăng kiểm xe của ông. Để chứng minh, ông mang đầy đủ giấy tờ đăng ký xe, bảo hiểm xe trở lại một số trung tâm đăng kiểm hỏi chuyện kiểm định xe “thí điểm”.
Trưa 4-4, tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 50-03S (thuộc Sở GTVT, tại Q.Thủ Đức), khi nghe ông trình bày muốn đăng kiểm chiếc xe của mình, một nữ nhân viên bảo: “Cái xe này bên chị không có đăng kiểm. Cái này em đến Trung tâm 50-04V...”. Sau đó, nữ nhân viên này nhờ người cung cấp địa chỉ cụ thể cho ông Luân đi đến nơi khác.
Chiều 4-4, ông Luân đến Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 50-04V (thuộc Cục Đăng kiểm VN, tại Q.9). Một cán bộ trả lời: “Tôi cũng không đăng kiểm xe này”. Dù chưa thấy xe hay giấy tờ liên quan nhưng vị này phán tiếp: “Xe của ông bắt buộc phải lập hồ sơ từ lúc mới mua. Xe từ năm 2015, ông đi đến giờ còn đâu cái hồ sơ gốc nữa”.
Ông Luân hỏi lại: “Nghĩa là ở đây không có đăng kiểm xe này?”. Vị này trả lời ngay: “Không, ở đây không đăng kiểm xe này”. Khi ông Luân tâm sự “không đăng kiểm, CSGT phạt tôi thì sao?”, cán bộ này nói: “Phạt là chuyện của anh”, rồi tiếp lời: “Xe thí điểm giờ như cái chuồng gà, xộc xà xộc xệch thì sao đăng kiểm được.
Hồi đầu, lúc xe mới cứng còn làm không được, bây giờ xe này sao mà làm được”. Sau đó cán bộ này khuyên: “Ra đường cố gắng né công an mà đi (!?)”.
Lỗi do người dân?
Trung tá Huỳnh Trung Phong, phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, cho biết trường hợp xe “thí điểm” bị lập biên bản lỗi kiểm định là đúng.
Về những quy định bất cập của loại xe này, ông Phong nói phòng chưa được hướng dẫn mới thì vẫn phải làm theo pháp luật hiện hành. Đó là thông tư số 16 của Bộ GTVT năm 2014 quy định điều kiện đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.
Theo đó, quy định xe này phải đăng kiểm. Trong trường hợp thông tư có hiệu lực nhưng nơi đăng kiểm chưa triển khai hay khó khăn nào đó chưa đăng kiểm thì phải có văn bản thông báo. Khi đó, CSGT mới không xử phạt lỗi kiểm định của xe “thí điểm”.
Trung tá Phong cũng cho biết không thể không triển khai cho cán bộ, chiến sĩ đừng bắt lỗi kiểm định. Bởi lẽ nếu xe gây tai nạn nghiêm trọng do lỗi không an toàn kỹ thuật thì trách nhiệm thuộc về ai? Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể có thể linh động, giải thích cho người dân hiểu về quy định pháp luật...
Một cán bộ Sở GTVT TP.HCM phụ trách lĩnh vực này cho biết sau khi cấm xe ba bánh lưu thông trên toàn quốc, vào năm 2009 Chính phủ cho phép thí điểm một loại xe nhìn không giống thô sơ cũng không phải ôtô được dùng thay thế xe ba gác, không cần đăng kiểm.
Sau một thời gian, để kiểm soát loại xe này, thông tư 16 của Bộ GTVT năm 2014 ban hành quy định tuy thí điểm nhưng phải có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phải có bằng lái và quy định làn đường...
Trước thông tin có những trung tâm đăng kiểm “né” kiểm định cho loại xe “thí điểm”, vị cán bộ này giải thích từ trước đến nay, loại xe này rất ít được đưa đi đăng kiểm. Còn với con số hơn 2.800 xe “thí điểm” đang được đăng ký hoạt động tại TP.HCM, có bao nhiêu xe được kiểm định đủ tiêu chuẩn, vị cán bộ này cho biết ông không nắm cụ thể.
Nhưng theo ông tìm hiểu, rất ít xe được kiểm định.
Theo Công ty CP Tập đoàn ôtô - xe máy Đức Phương, khoảng 10.000 xe bốn bánh có gắn động cơ bán ra thị trường chia thành 5-6 loại có giá khác nhau, trung bình mỗi xe 65 triệu đồng. Như vậy, với khoảng 10.000 xe người dân đang sử dụng, tổng số tiền chi ra để mua là khoảng 650 tỉ đồng. Trừ số lượng xe đã được kiểm định là 180 xe (khoảng 11 tỉ đồng), còn lại khoảng 640 tỉ đồng người dân bỏ tiền ra “mua” sự lo lắng bởi không biết số phận của những chiếc xe này sắp tới ra sao. |
Tất cả xe đều có giấy tờ hợp lệ Ngày 25-12-2009, Văn phòng Chính phủ có công văn đồng ý đề nghị của Bộ GTVT về việc ban hành dự thảo quyết định của bộ trưởng Bộ GTVT quy định hướng dẫn thực hiện việc triển khai thí điểm xe bốn bánh chở hàng có gắn động cơ. Ông Vũ Thế Pháp, phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ôtô - xe máy Đức Phương, cho biết loại xe bốn bánh có gắn động cơ dùng để chở hàng là của tập đoàn sản xuất thí điểm theo chủ trương của Chính phủ năm 2009. Tất cả xe của tập đoàn sản xuất hằng năm đều được cơ quan chức năng kiểm định, có giấy chứng nhận mới đủ điều kiện cho CSGT đồng ý đăng ký, cấp biển số. Còn giấy xuất xưởng, người dân khi mua xe đều có. Cũng theo ông Pháp, xe bốn bánh có gắn động cơ của tập đoàn sản xuất đều đã được Cục Đăng kiểm VN cấp chứng nhận chất lượng cho dòng xe mang tên “xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ” nhãn hiệu Damsel. |
Bắt buộc phải kiểm định Một lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết theo quy định chung của Luật giao thông đường bộ, tất cả xe cơ giới, phương tiện tham gia giao thông đều phải kiểm tra an toàn, chất lượng. Thời gian qua, Chính phủ có chủ trương cho xe bốn bánh “thí điểm” thay thế xe ba gác. Sau đó, Bộ GTVT có thông tư 16 nên về mặt luật định, tất cả xe bốn bánh “thí điểm” đều phải được kiểm định. Theo số liệu sản xuất, hiện cả nước có gần 10.000 xe nhưng số liệu kiểm định đến nay chỉ hơn 180 xe. Theo vị này, dứt khoát các địa phương phải xử phạt những trường hợp đi xe không có kiểm định. Và tất cả xe loại này phải được đưa đi kiểm định. Trả lời câu hỏi vì sao số lượng xe được kiểm định quá ít, vị này cho rằng người dân không đưa xe đến thì làm sao cơ quan chức năng có thể kiểm định? Lỗi này có thể là của cơ quan kiểm soát, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông... xử phạt chưa nghiêm, chứ giữa cơ quan nhà nước với nhau mà “đá qua đá lại” thì không thể hiểu nổi!? Còn nếu có trường hợp chủ xe đã đến trung tâm đăng kiểm mà nơi đó không chịu kiểm định thì lỗi hoàn toàn thuộc về trung tâm đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận