24/03/2016 18:21 GMT+7

TP.HCM siết chặt khâu phân loại phế liệu tại nguồn

HOÀNG LỘC thực hiện
HOÀNG LỘC thực hiện

TTO - Đó là khẳng định của đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, sau vụ nổ ở Hà Đông (Hà Nội) vừa qua khiến người dân lo ngay ngáy khi đang phải sống cạnh nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu, ga, hàn xì…

Đại tá Lê Tấn Bửu - giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM - Ảnh: Hoàng Lộc
Đại tá Lê Tấn Bửu - giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM - Ảnh: Hoàng Lộc

Đại tá Lê Tấn Bửu nói: Mối lo của người dân rất chính đáng và tôi hoàn toàn đồng cảm, chia sẻ với mối lo ấy. Khi xảy ra sự cố ở Hà Nội, tôi đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương rà soát xem có bị “lỏng”, “hở” chỗ nào không để kịp thời chấn chỉnh. Kết quả bước đầu có thể yên tâm khi thấy rằng việc thực thi pháp luật về PCCC ở TP.HCM vẫn được thực hiện nghiêm túc.

* Thực tế việc tổ chức hoạt động của các điểm thu mua phế liệu ra sao? Và quy định về khoảng cách an toàn như thế nào, thưa ông?

- Có hai dạng kinh doanh gồm thu mua và thu gom phế liệu. Hiện nay, TP.HCM có gần 800 cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư và 15 cơ sở nằm ngoài khu dân cư. Riêng với loại hình thu gom và xử lý rác thải toàn TP có 16 cơ sở, trong đó 11 cơ sở nằm trong khu dân cư và tất cả đều có đăng ký kinh doanh.

Về tổ chức, hầu hết các điểm thu mua phế liệu nhỏ lẻ đều do người dân tự tổ chức hoạt động kinh doanh trong khu dân cư. Các điểm này không có đăng ký kinh doanh và không có quy định về khoảng cách an toàn. Việc quản lý chủ yếu do chính quyền địa phương.

Về quản lý PCCC với các điểm này, lực lượng PCCC chỉ quản lý chung trên một địa bàn dân cư, cụ thể khi phát sinh điểm thu mua phế liệu nào kinh doanh không an toàn thì định kỳ chúng tôi sẽ nhắc nhở, hướng dẫn hoặc yêu cầu khắc phục.

Còn thu gom là hoạt động quy mô lớn hơn đã hình thành doanh nghiệp, công ty…và đã có những quy định trong quản lý nhà nước về các điều kiện an toàn PCCC.

* Thời gian qua, tại TP.HCM đã xảy ra sự cố cháy nổ nào tại các cơ sở thu mua, thu gom chưa ông?

- Thời gian qua chúng tôi chưa phát hiện xảy ra cháy nổ liên quan đến vật liệu nổ như ở Hà Nội. Tuy nhiên, sự cố cháy ở các điểm thu mua, gom phế liệu xảy ra khá phổ biến.

Đặc biệt, tại các điểm này là nơi tập kết các vật liệu dễ cháy như bao bì, giấy, nhựa… do đó khi cháy lây lan rất nhanh sang các nhà dân trong khu dân cư nên thường gây thiệt hại khá lớn.

* Theo ông giải pháp để khắc các sự cố này là gì?

- Dù rằng việc thực thi pháp luật về PCCC trên địa bàn TP vẫn được thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên các cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi trách nhiệm của mình nên kiểm tra thật sát, thật sâu ở những điểm thu mua, phân loại, cũng như chỉ rõ các nguy cơ tiềm ẩn tại những cơ sở kinh doanh phế liệu trong địa bàn khu dân cư.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng này cơ quan chức năng phải hết sức chú ý, nhất là khâu phân loại quản lý phế liệu tại nguồn. Và để làm được điều này, cần có một sự phối hợp tốt giữa các ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Về các biện pháp PCCC, trách nhiệm của chúng tôi là thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có sự cố. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phòng ngừa thì chúng tôi có trách nhiệm kiểm tra hướng dẫn, nhắc nhở và mọi người dân phải tuân thủ.

Dù không có quy định về khoảng cách an toàn đối với các điểm thu mua phế liệu nhưng với trách nhiệm và kinh nghiệm thực tế, chúng tôi sẽ có những giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo di dời kịp thời đối với những cơ sở có nguy cơ cao về cháy, nổ.

Tôi nghĩ rằng, các tai  nạn sự cố vừa qua như một hồi chuông cảnh báo và cần phải có sự siết chặt thêm nữa trong vấn đề kiểm tra kiểm soát, quản lý nhà nước, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

* Thực tế cho thấy dù kiểm soát chặt nhưng các sự cố cháy, nổ thường xảy ra bất ngờ không thể kiểm soát nổi. Nhất là nhiều người dân hằng ngày đang mưu sinh bằng nghề cưa bom, mìn. Ông có lời khuyên nào cho họ không?

- Phải nói rằng ở nước ta số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tồn tại đến ngày nay rất lớn và khả năng còn kéo rất dài. Đây là những loại vật liệu bị rỉ sét hàng chục năm nhưng nguy cơ về nổ rất lớn.

Theo tôi, trong quá trình phân loại mọi người nên nâng cao ý thức, đặc biệt những người kinh doanh lĩnh vực này phải hết sức chú ý, tuân thủ quy định của pháp luật. Phải thấy được rằng mình đang kinh doanh những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ nổ rất cao và sự cố có thể xảy ra cướp sinh mạng bất ai, bất cứ lúc nào.

HOÀNG LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên