16/03/2016 15:19 GMT+7

Tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Chủ đầu tư cao tốc đã cho biết nếu không tăng mức thu phí Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì công ty sẽ phá sản.

Mức phí trên QL 5 sẽ tăng gần 50% từ 1-4-2016 - Ảnh: Thân Hoàng
Mức phí trên QL 5 sẽ tăng gần 50% từ 1-4-2016 - Ảnh: Thân Hoàng

Theo ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - Nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), kế hoạch của VIDIFI là từ 1-4 tới, mức phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (6 làn xe) sẽ tăng từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng/km (tính theo xe tiêu chuẩn - xe con 5 chỗ).

Mức phí đường cao tốc này tăng 25% và mức thu 2.000 đồng/km bằng mức phí đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cao nhất 840.000 đồng/xe

Như vậy mức phí toàn tuyến cao tốc với xe dưới 12 chỗ, xe dưới 2 tấn và xe buýt công cộng là 210 ngàn đồng; mức phí toàn tuyến cao nhất với xe từ 18 tấn trở lên, xe container 40 fit là 840 ngàn đồng.

Còn với 2 trạm thu phí trên QL 5 (song song với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) mức phí sẽ tăng gần 50% theo thông tư 153 của Bộ Tài chính.

Theo đó mức phí  thấp nhất với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng  dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng sẽ tăng từ 30 ngàn đồng lên 45 ngàn đồng/lượt; 

Mức phí cao nhất được áp dụng cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit tăng từ 160 ngàn đồng lên 200 ngàn đồng/lượt

Theo ông Chiến, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỉ đồng, vay vốn theo lãi suất thương mại với lãi suất bình quân 10,5 đến 11,5% trong thời gian 30 năm.

Theo phương án tài chính, đến năm 2016 thu phí mới cân bằng với trả lãi suất và từ 2016 trở đi  tiền thu phí mới trả được vốn gốc, đến năm thứ 30 mới hoàn được vốn dự án và bàn giao đường cho Nhà nước.

Với thông số tài chính Dự án như thế, các Bộ ngành và Chính phủ thẩm định chấp thuận phương án Nhà nước hỗ trợ VIDIFI 39% tổng mức đầu tư Dự án.

Trong đó trực tiếp hỗ trợ 23% còn lại VIDIFI được sử dụng tiền sử dụng đất xây dựng các khu đô thị dọc hai bên đường cao tốc là 16%.

Tuy nhiên, đến nay nhà nước mới hỗ trợ chưa đến một nửa trong số 23% hỗ trợ trực tiếp nhưng số này chưa được ghi vào kế hoạch đầu tư công trung hạn mà chỉ mới được Thủ tướng chấp thuận.

Riêng hai trạm thu phí QL 5 từ năm 2007 Thủ tướng có cho phép chuyển giao cho VIDIFI quản lý để thu hồi vốn cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Đây là một phần hỗ trợ của Nhà nước với nhà đầu tư dự án đường cao tốc quyết định về một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước từ 2 trạm thu phí QL 5 thì phương án tài chính của Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới có hiệu quả.

Nếu không tăng phí, chủ đầu tư sẽ... phá sản (?!)

“Chúng tôi biết các doanh nghiệp vận tải cũng khó khăn… Một số nhà vận tải nói tăng phí họ sẽ phá sản  nhưng nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã  phê duyệt thì chúng tôi sẽ phá sản trước” - ông Chiến lý giải.

Theo ông Chiến việc tăng phí QL 5 theo lộ trình được thực hiện từ 1-1-2016 nhưng do Bộ trưởng Bộ GTVT có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư chưa tăng phí nên VIDIFI lùi lại đến 1-4 tới VIDIFI mới áp dụng tăng phí trên QL 5.   

“Chúng tôi hiểu thắc mắc của người dân là đi QL 5 nhưng phải đóng tiền cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nếu Nhà nước bảo không thu phí QL5 chúng tôi chấp hành ngay và quá sướng vì không thích thu phí QL 5 làm gì".

"Nhưng vấn đề là Nhà nước có hỗ trợ chúng tôi mấy trăm tỉ đồng 1 năm từ tiền thu phí hay không? Đặc biệt là ngân sách hiện nay khó khăn, chống hạn ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung cũng thiếu".

"Tiền Thủ tướng chấp thuận Nhà nước hỗ trợ chúng tôi đến nay vẫn chưa nhận được huống chi là bỏ tiền hỗ trợ Nhà đầu tư thay cho thu phí QL 5… Nhà nghèo nên loanh quanh luẩn quẩn, chúng tôi cũng chỉ mong mọi người chia sẻ”- ông Chiến trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về khả năng Nhà nước hỗ trợ VIDIFI bằng hình thức khác thay vì thu phí trên QL 5.

Với mức phí đường cao tốc, ông Chiến cho biết mức tăng 2.000 đồng/km là mức tăng cố định cuối cùng. Theo quy định, hàng năm căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thì  sẽ điều chỉnh mức phí tăng hay hoặc giảm theo CPI.

Còn với QL 5 sau lần tăng nay thì 3 năm sẽ xem xét điều chỉnh theo  tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính  như quy định của thông tư 159 do Bộ Tài chính.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên