03/01/2016 11:00 GMT+7

Nhà xe khổ sở vì thêm trạm, tăng phí đường bộ

NHÓM PV MIỀN TRUNG
NHÓM PV MIỀN TRUNG

TT - Từ năm 2016, hàng loạt trạm thu phí của các dự án nâng cấp, mở rộng trên quốc lộ 1 bằng hình thức BOT bắt đầu thu phí.

Trước giờ thu phí chính thức ở trạm thu phí Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Nguyên Linh
Trước giờ thu phí chính thức ở trạm thu phí Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Nguyên Linh

Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có đề xuất lùi thời hạn thu phí mới đến tháng 6-2016, nhưng hiện nhiều trạm thu phí mới mọc lên vẫn thu phí bắt đầu từ ngày 1-1-2016.

Trạm thu phí dày đặc cùng với mức phí tăng, thu gộp, thu cả những đoạn đường không được thu phí khiến người dân và doanh nghiệp đều khổ sở. Chi phí vận chuyển tăng chắc chắn sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực đến nỗ lực cạnh tranh của hàng hóa và cả nền kinh tế.

Video 23 trạm vẫn tăng phí đường bộ - Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Bình quân mỗi tỉnh có hai trạm thu phí hoặc một trạm nhưng thu gộp cho hai, ba dự án. Trong đó, dày đặc nhất là đoạn qua miền Trung từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận.

Hầu hết các trạm đều có mức phí như nhau: thấp nhất 35.000 đồng (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt công cộng), cao nhất 200.000 đồng (xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet).

Những trạm thu gộp thì mức phí còn cao hơn (giá vé thấp nhất 45.000 đồng/lượt xe).

Dày đặc ở miền Trung

Đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Bình có hai trạm, thu cho ba dự án BOT. Trong đó trạm thu phí Quảng Đông đã thu phí từ tháng 7-2015, trạm thu phí Quán Hàu thu với mức mới từ đầu năm 2016. Tại Quảng Trị chỉ có một trạm, nhưng thu phí gộp cho cả hai dự án mở rộng quốc lộ 1.

Tại Đà Nẵng sẽ xóa hai trạm thu phí Nam hầm Hải Vân và trạm Hòa Phước, nhưng trạm mới ở xã Điện Thắng (thị xã Điện Bàn) thu gộp cho cả hai trạm với mức phí cao hơn 3,5 lần.

Tại Quảng Ngãi, ngoài trạm thu phí lâu nay ở xã Phổ Khánh (huyện Đức Phổ), từ tháng 2-2016 sẽ có thêm một trạm thu phí mới đặt tại xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa).

Tuyến quốc lộ 1 đoạn Huế - Đà Nẵng dài khoảng 90km là đoạn đường có mật độ giao thông thuộc loại đông đúc.

Sau khi được nâng cấp, mở rộng, đoạn đường này xuất hiện hai trạm thu phí của hai dự án BOT: trạm Phú Bài đặt tại xã Thủy Phù và cách đó khoảng 50km là trạm Bắc Hải Vân thu phí cho dự án đầu tư hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia.

Nan giải bài toán phí

Nhiều lái xe cho biết đường mới nâng cấp rộng rãi và an toàn. Vì vậy việc thu phí là đương nhiên. Thế nhưng mật độ trạm thu phí dày đặc, giá lại cao quá.

Công ty cổ phần Xe khách Thừa Thiên - Huế có hơn 50 xe khách từ Huế đi các tỉnh. Từ đầu năm 2016, do phí đường sá tăng nên dù giá xăng dầu giảm, công ty vẫn phải tính đến phương án tăng giá vé để bù đắp chi phí.

Ông Nguyễn Văn Long, giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Thừa Thiên - Huế, kêu khổ: trong bối cảnh các hãng xe khách cạnh tranh khốc liệt, việc tăng giá vé sẽ làm giảm khách.

Một công ty vận tải lớn ở Thừa Thiên - Huế chuyên vận chuyển than đá và clinker đang đau đầu vì chưa tìm ra phương án nào bù đắp khoản phí đường bộ qua các trạm.

Cụ thể mỗi năm công ty này vận chuyển hơn 1 triệu tấn clinker trên tuyến đường từ Đà Nẵng ra cảng Chân Mây (Huế), ước tính số tiền vé qua hai trạm thu phí tiêu tốn hơn 20 tỉ đồng/năm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Thùy, giám đốc Công ty TNHH Song Toàn (một doanh nghiệp vận tải lớn ở miền Trung), cho biết mức phí như sắp tới là quá cao và dày đặc trạm thu phí, khiến chi phí đường bộ tăng gấp ba lần.

“Nhưng chúng tôi không thể tăng giá cước vận chuyển được bởi khách hàng bây giờ có nhiều lựa chọn, chẳng hạn như đường thủy”. Theo ông, mảng vận tải thủy hiện hầu hết đều do các công ty nước ngoài nắm giữ, “đi đường thủy chỉ có lợi cho người ngoài”.

Phải trả phí cho đường không đi: quá vô lý!

Ông Thân Hóa - chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 545 (tại Đà Nẵng) - cho biết: từ ngày 1-1-2016 đã thu phí ở trạm mới đặt tại xã Điện Thắng (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Theo ông Hóa, phải lập trạm thu phí mới ở Điện Thắng do bỏ thu phí ở hai trạm Nam hầm Hải Vân và Hòa Phước.

“Đúng ra chúng tôi thu ba trạm thì bây giờ chỉ dồn về thu một trạm. Giá vé có tăng, nhưng thu một trạm sẽ thuận lợi hơn vì xe không phải dừng lại mua vé ba lần” - ông Hóa nói.

Cũng vì vậy, giá phí sẽ tăng lên 3,5 lần so với giá cũ. Nhưng các tài xế chỉ ra bất hợp lý: những xe chỉ đi trên đoạn đường ngắn phải mua phí cho cả ba đoạn đường.

Tương tự là việc thu phí ở Quảng Trị. Trạm thu phí đoạn quốc lộ 1 Đông Hà - thị xã Quảng Trị sẽ thu phí gộp cho cả đoạn quốc lộ 1 từ Đông Hà đến Gio Linh. Lý do thu gộp vì không thể lập hai trạm thu phí trong khoảng cách chỉ 20km.

Việc thu gộp gây ra bất hợp lý: các xe chỉ chạy trên một đoạn đường phải trả phí cho cả hai.

Cũng vậy, các doanh nghiệp vận tải chuyên chở khách du lịch từ TP Đà Nẵng ra các khu du lịch Lăng Cô (Huế) cho rằng họ sẽ phải trả phí oan khi qua trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân.

Bởi vì trạm này nhằm thu phí cho dự án hầm Phú Gia và Phước Tượng, trong khi xe của họ không đi qua hai hầm này nhưng vẫn phải trả phí.

Xã hội lãnh đủ tác động tiêu cực

Ông Tô Văn Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng - cho biết các doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng đã đàm phán với khách hàng về việc chi phí sẽ tăng do phí đường bộ, “nhưng việc này rất khó khăn”.

Theo ông, tất nhiên phí tăng cũng sẽ được tính vào giá hàng hóa, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu, nhà xe chưa chắc đã lỗ nhưng tác động tiêu cực thì toàn xã hội phải chịu.

“Vì vậy, chúng tôi mong rằng việc điều chỉnh tăng giá nên có lộ trình hợp lý với mức thu vừa phải” - ông Hiệp nói.

NHÓM PV MIỀN TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên