06/12/2015 08:12 GMT+7

TP.HCM chuẩn bị đối phó khô hạn

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch chủ động phòng chống hạn hán năm 2015 - 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

Mực nước hồ Dầu Tiếng thấp hơn gần 1,5m so với năm 2014 có thể dẫn tới nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và đẩy mặn cho khu vực TP.HCM và tỉnh Tây Ninh - Ảnh: Hữu Khoa
Mực nước hồ Dầu Tiếng thấp hơn gần 1,5m so với năm 2014 có thể dẫn tới nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và đẩy mặn cho khu vực TP.HCM và tỉnh Tây Ninh - Ảnh: Hữu Khoa

Theo đó, TP.HCM yêu cầu các ngành, các cấp liên quan thực hiện các giải pháp sử dụng tiết kiệm nước, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi hợp lý trong tình hình khô hạn... El Nino năm 2015-2016 được cho là kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua.

Tổng lượng mưa, dòng chảy hầu hết khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Vì vậy mực nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện đều thấp hơn cùng kỳ 2014 và TP.HCM được nhận định là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng.

Hồ Dầu Tiếng là hồ cung cấp nước ngọt duy nhất cho hàng chục ngàn hecta lúa, hoa màu, nước sạch, đẩy mặn cho Tây Ninh và TP.HCM, vì vậy thông tin mực nước hồ năm nay ở mức thấp khiến các đơn vị liên quan phải bàn kế hoạch tiết kiệm nước.

Những ngày qua, Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã giảm xả nước phục vụ tưới tiêu, tăng cường tích trữ nước.

Tuy nhiên, ngoài lượng nước về hồ được bổ sung từ hồ Phước Hòa với lưu lượng 40-50 m3/giây, lượng nước khác về từ thượng nguồn không đáng kể.

Theo ông Nguyễn Tiến Lanh - phó trưởng phòng quản lý nước và công trình Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, dự kiến ngày 10-12 hồ Dầu Tiếng sẽ mở nước phục vụ tưới tiêu cho khu vực Tây Ninh và TP.HCM (khoảng 30.000ha) nhằm phục vụ vụ mùa đông xuân và nuôi trồng thủy hải sản.

Tuy nhiên ông Lanh cho biết với những diễn biến thời tiết như dự báo, công ty sẽ phải bàn với các đơn vị phía Tây Ninh và TP.HCM xả nước luân phiên để tiết kiệm nước.

Cụ thể, sau khi xả nước phục vụ tưới tiêu cho Tây Ninh ba ngày sẽ chuyển sang phục vụ TP.HCM bốn ngày (hoặc ngược lại), thay vì phải xả liên tục bảy ngày cho các địa phương như trước đây. Vì vậy lượng nước xả trên kênh có thể giảm 20-30%.

Ông Bùi Thanh Giang, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), cho hay các nhà máy nước cũng như các đơn vị thuộc Sawaco đã xây dựng các kịch bản để có phương án chủ động đối phó.

Ví dụ như tại khu vực lấy nước của Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Củ Chi) đã có hệ thống quan trắc online, khi mặn lên mức độ nào hay nước bị ô nhiễm ra sao phải có phương án xử lý hoặc đề nghị hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn, rửa ô nhiễm ở thời điểm nào là thích hợp đều đã được tính toán.

Theo ông Lanh, dù thời điểm năm nay nguồn nước về hồ Dầu Tiếng được bổ sung từ hồ Phước Hòa, tuy nhiên phạm vi phục vụ của hồ cũng được mở rộng.

Cụ thể trong mùa khô năm 2015 - 2016, nguồn nước hồ Dầu Tiếng dự kiến phục vụ tưới tiêu khoảng 15.000ha cho các khu vực thuộc tỉnh Long An. Vì vậy các đơn vị, người dân phải sử dụng nước thật sự tiết kiệm, hợp lý mới mong đủ nước ngọt để dùng.

Để thực hiện tiết kiệm nước, ông Lanh khuyến cáo người dân không nên nuôi trồng thủy sản trong thời điểm này vì 1ha thủy sản tiêu tốn nước gấp 10 lần so với 1ha cây trồng.

Đặc biệt, tại một số nơi khi người dân lấy nước từ hệ thống kênh và nội đồng nếu không sử dụng hết nước nên đóng đập lại, không để nước chảy ra sông gây lãng phí.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chi cục Thủy lợi phòng chống lụt bão TP.HCM (Sở NN&PTNT TP.HCM), khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi hợp lý, không nên trồng những loại cây sử dụng nhiều nước thời gian này.

Cao điểm khô hạn từ tháng 1 đến tháng 4

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cho biết El Nino đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành Nam bộ và trên cả nước khá rõ. Cụ thể như mùa mưa kết thúc sớm (đồng nghĩa với khô hạn kéo dài), lượng mưa thiếu hụt có nơi đến 30%.

Nguyên nhân những tác nhân gây mưa như gió mùa, hoạt động các cơn bão, áp thấp cũng ít, yếu hơn.

Trong khi đó, nhiệt độ cao nhất dù không lập kỷ lục như một số mùa khô hạn trước đây nhưng thời gian nhiệt trên 300C kéo dài, độ ẩm trong không khí xuống thấp nên vào giữa trưa vẫn cho cảm giác khô hanh, oi bức.

Đặc biệt, năm nay cũng là một năm không có lũ về nên tình hình thiếu nước được dự báo căng thẳng. Khô hạn tỉ lệ thuận với xâm nhập mặn, càng khô hạn mặn càng nhiều. Hiện mặn đã lấn sâu gần 20km tại các cửa sông của Bến Tre.

Dự báo từ tháng 11 âm lịch mặn bắt đầu gia tăng ở một số nơi. Cao điểm của khô hạn và xâm nhập mặn được nhận định từ tháng 1 đến tháng 4-2016.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên