30/11/2015 10:07 GMT+7

Tàu ngư dân Sông Đốc liên tục bị tàu nước ngoài bắt giữ

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TT - Tháng nào thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cũng có người báo tin tàu cá bị nước ngoài bắt giữ.

Chủ tàu Hồ Văn Thanh có tàu và con trai đang bị bắt giữ ở Thái Lan - Ảnh: Tiến Trình
Chủ tàu Hồ Văn Thanh có tàu và con trai đang bị bắt giữ ở Thái Lan - Ảnh: Tiến Trình

Hung tin kéo theo bi kịch của hàng loạt gia đình cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác.

Tháng 1: 8 tàu, tháng 2: 1 tàu, tháng 3: 9 tàu, tháng 4: 3 tàu, tháng 5: 3 tàu, tháng 7: 3 tàu; tháng 8: 3 tàu... Đó là số tàu của ngư dân Sông Đốc bị nước ngoài bắt giữ.

Phía sau đó là hàng loạt gia đình rơi vào cảnh tán gia bại sản, hàng loạt cảnh đời rơi vào thế ngổn ngang khi những người chồng, người cha theo tàu ra biển rồi biền biệt tin tức.

Bắt giữ, đòi tiền chuộc

Báo cáo của đồn biên phòng 692 Sông Đốc cho biết tình trạng tàu ghe của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ diễn ra trong nhiều năm.

Số tàu bị bắt năm sau lại cao hơn năm trước. Nếu như năm 2014 có 27 tàu (217 thuyền viên) bị bắt giữ thì mới 10 tháng năm 2015 có 41 tàu (252 thuyền viên) bị lực lượng các nước (chủ yếu Thái Lan và Malaysia) bắt giữ, xử phạt, đòi tiền chuộc...

“Bất an lắm chứ. Tàu ra biển rồi, mình ở nhà đâu biết tài công (thuyền trưởng) lái tàu đi đâu. Chỉ đến khi tàu bị bắt mình mới biết” - một ngư dân có tàu bị bắt tại thị trấn Sông Đốc nói như phân trần.

Chị Vũ Thị Thanh Diễm (36 tuổi), chủ tàu CM 91204, vẫn còn rối rắm khi trả lời về câu chuyện tàu mình bị bắt.

Ngày 10-10, tàu của chị có tám thuyền viên hành nghề câu mực, do tài công Võ Văn Oanh điều khiển bị cảnh sát biển Thái Lan bắt giữ. Phải hơn 10 ngày sau gia đình chị mới hay sự việc khi một người nói tiếng Việt từ Thái Lan gọi sang báo tin cho chị. Người này gợi ý chủ tàu mang tiền sang Thái Lan sẽ cho chuộc tàu về.

Được tin, anh Lê Trường Giang, chồng chị Diễm, tức tốc sang Thái Lan theo chỉ dẫn của đầu mối duy nhất này. Anh Giang đến cảng biển Songkhia (phía đông nam Thái Lan) “ăn dầm nằm dề” gần nửa tháng mới được làm thủ tục đóng phạt 150.000 baht (khoảng 140 triệu đồng).

Đến ngày 18-11, anh Giang được trao trả tàu để chạy về Việt Nam. “Lúc đó chồng tôi có xin cho gặp tài công và bạn tàu bị giam nhưng không được” - chị Diễm nói. Kể từ ngày bị bắt đến nay, chủ tàu và người nhà các thuyền viên bị bắt không biết được số phận của họ ra sao.

Anh Hồ Văn Mơ (40 tuổi, ở khóm 7, Sông Đốc), chủ tàu CM 91379, cũng kể lại câu chuyện gây chấn động Sông Đốc khi chỉ sau một đêm có đến chín tàu của thị trấn bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, trong đó năm tàu thuộc gia đình anh.

Cụ thể đêm 18-3, đội tàu chín chiếc đang đánh bắt gần nhau thì bị tàu vũ trang nước ngoài bắt. Anh Mơ được tàu bạn đánh bắt ở vùng biển lân cận gọi về cho hay.

Không lâu sau, một cuộc gọi không hiện số gọi vào máy anh Mơ nói nếu có đủ 250 triệu đồng trong vòng nửa giờ sẽ cho chuộc tàu. Anh Mơ trả lời anh không thể đáp ứng đòi hỏi quá khó như thế.

Hôm sau, liên tiếp 5-6 người gọi vào máy anh Mơ (giấu số) mặc cả số tiền chủ tàu phải chung. Kỳ kèo đến khi những người bí ẩn đồng ý cho chuộc tàu với giá 230 triệu đồng mỗi chiếc.

Anh Mơ và các chủ tàu xoay xở đủ tiền rồi chuyển vào một tài khoản ngân hàng tại Việt Nam theo hướng dẫn của người gọi điện thoại. 15 phút sau khi chuyển tiền, các tàu và thuyền viên bị bắt đều được thả. Gần sáu tháng qua, vụ bắt - chuộc tàu này vẫn chưa được làm rõ.

Ngư dân Từ Tấn Lộc từng bị giam nhiều tháng ở Thái Lan    Ảnh: TIẾN TRÌNH
Ngư dân Từ Tấn Lộc từng bị giam nhiều tháng ở Thái Lan - Ảnh: Tiến Trình

“Đứng ngồi không yên”

“Chắc là ngày mai sẽ ra tòa” - ông Hồ Văn Thanh (55 tuổi, nhà khóm 2, thị trấn Sông Đốc), chủ tàu cá Quốc Tuấn CM 99318 vừa bị cơ quan chức năng Thái Lan bắt ngày 9-10, cho biết đang ngóng trông tin tức các thuyền viên của mình.

Tàu ông Thanh hành nghề câu mực, do tài công Trần Hoàng Vĩnh (36 tuổi) điều khiển. Trên tàu có bảy người, trong đó có anh Hồ Khắc Túc (29 tuổi) - con trai ông Thanh.

Ông Thanh nói từ nhiều nguồn tin, ông biết con ông cùng các bạn tàu bị bắt sẽ bị đưa ra xét xử sau 48 ngày. Ông Thanh nói sau khi tàu của ông bị bắt, cũng có người gọi yêu cầu mang tiền sang Thái Lan chuộc tàu.

Thế nhưng khi anh Lê Trường Giang sang Songkhia chuộc tàu, anh Giang gọi về nói thấy tàu của ông bị đánh chìm tại cảng nên ông Thanh quyết định bỏ tàu, không chuộc nữa. Tuy nhiên, con ông và các bạn tàu đang bị giam cầm nên ông cứ “trông đứng trông ngồi”.

Kể chuyện gia đình mình, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung - vợ tài công Trần Hoàng Vĩnh - mếu máo: “Nghe tin anh Vĩnh bị bắt tôi muốn ngất xỉu. Đến giờ cũng không biết tin tức chồng tôi thế nào. Chủ tàu không chuộc ảnh về thì mẹ con tôi đi vay, bán nhà cũng phải lo cho ảnh về”.

Chị Lê Thị Na - vợ tài công Võ Văn Oanh - cũng nức nở: “Chồng tôi đi biển kiếm tiền nuôi vợ và hai con nhỏ, đứa 8 tuổi, đứa 12 tuổi. Giờ ảnh bị bắt, mẹ con tôi không biết phải làm sao. Chủ tàu cho hay phải kiếm tiền để chuộc anh Oanh, mấy ngày nay tôi chạy vạy khắp nơi mà chưa đủ tiền”.

Ngư dân Từ Tấn Lộc (51 tuổi) nói một lần bị bắt giữ, bị tù giam ở Thái Lan làm ông “tởn” luôn. Ông Lộc và con trai Từ Tiểu Thái (30 tuổi) bị tù 8 tháng khi tàu câu mực của ông lạc qua hải phận Thái Lan.

Vợ ông ở nhà phải cầm căn nhà đang ở lấy 30 triệu đồng lo chi phí cho chồng và con về. “Gần đây nhiều người bị nước ngoài bắt, tui nhớ không hết luôn - ông Lộc bấm ngón tay - Phương chồng Bé Xíu; ba anh em Tâm, Sự, Nghi; anh em Tí, Nguyên, Nguyện...”.

Chuyện tàu bị nước ngoài bắt cứ như “vị đắng” của ngư dân Sông Đốc. “Ở đây ngư dân kỵ nhất là nói chuyện bị nước ngoài bắt giữ” - ông Từ Tấn Lộc tâm sự.

Tàu vi phạm vùng biển nước ngoài trở về còn bị phạt hành chính

“Nhiều tàu bị bắt lắm, không kể hết đâu” - một ngư dân thở dài khi nhắc đến chuyện tàu của thị trấn Sông Đốc bị nước ngoài bắt giữ.

“Tại vùng biển mình ngày càng cạn kiệt. Nếu đánh gần thì lỗ sở phí, không có tiền về cho vợ con nên có tài công cứ bườn qua bườn lại, dễ đi lấn sang biển nước ngoài” - ngư dân này giải thích.

Đại úy Nguyễn Văn Hệ, phó đồn trưởng đồn biên phòng Sông Đốc, cho biết hằng năm bộ đội biên phòng đều kết hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau mở các lớp tuyên truyền, phát tờ rơi, bản đồ... cho ngư dân đánh bắt ý thức không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trong chín tháng đầu năm có gần 6.000 ngư dân được dự nghe các buổi tuyên truyền như thế. Thế nhưng khi ra khơi thì tàu đều lệ thuộc vào mệnh lệnh của thuyền trưởng, nên lực lượng biên phòng rất khó kiểm soát.

Cũng theo ông Hệ, mỗi tàu khi vi phạm vùng biển nước ngoài trở về còn bị phạt hành chính lên đến 50 triệu đồng vì “tự ý đưa phương tiện ra vùng biển nước ngoài hoạt động”. Thế nhưng vẫn có tàu vi phạm. 

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên