04/11/2015 16:28 GMT+7

Người đứng đầu cơ quan báo chí có thể là tổng biên tập nhiều báo

MINH QUANG ghi
MINH QUANG ghi

TTO - Người đứng đầu cơ quan báo chí là giám đốc, tổng giám đốc và có thể là tổng biên tập của nhiều tờ báo, kênh, hệ - là nội dung mới của dự thảo Luật báo chí (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn 

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nêu những điểm mới của dự thảo luật này:

Dự thảo Luật báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành.

Trong đó, đáng chú ý là các quy định mới về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; về lãnh đạo cơ quan báo chí; về giấy phép; về liên kết trong hoạt động báo chí; về cải chính, phản hồi thông tin; về xử lý vi phạm...

Dự thảo có rất nhiều điểm mới như vấn đề đối tượng được thành lập cơ quan báo chí thì ngoài các đơn vị hiện hành thì nhiều cơ quan được ra tạp chí khoa học, không phân biệt cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, bệnh viện thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài hay công lập.

Hay như vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, dự thảo luật cho phép cơ quan báo chí thực hiện việc liên kết với các đối tác trong và ngoài nước ở các mức độ và hình thức khác nhau để thực hiện việc thiết kế, trình bày, khai thác quảng cáo, in ấn, phát hành báo chí, sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình...

Dự thảo cũng quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của nhà nước và kênh thời sự - chính trị - tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.

Một điểm mới là trước đây giấy phép liên kết phải được bộ cấp nhưng theo dự thảo tới đây, cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động liên kết, không cần xin cấp giấy phép.

Đối với cơ quan báo chí cũng sẽ thay đổi tên gọi lãnh đạo để phù hợp với mô hình tòa soạn đa phương tiện, mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí, kênh, hệ chương trình.

Người đứng đầu cơ quan báo chí (lãnh đạo cơ quan báo chí) được gọi là giám đốc hoặc tổng giám đốc còn tổng biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung,  phụ trách một hoặc nhiều ấn phẩm.

Theo đó, lãnh đạo cơ quan báo chí là người phụ trách chung. Một giám đốc, tổng giám đốc có thể đồng thời là tổng biên tập của một hay nhiều ấn phẩm, các kên, hệ chương trình...

Luật báo chí hiện hành có nhiều quy định chung về những điều báo chí không được làm, được biết dự thảo luật lần này có nhiều điều cấm. Xin thứ trưởng cho biết cụ thể như thế nào?

Về nội dung cấm, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định mới như cấm thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi chưa có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân.

Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Cấm đăng, phát trên truyền thông xã hội thông tin có tính chất báo chí vi phạm quy định của điều cấm; sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành; nội dung vi phạm đã bị gỡ bỏ trên báo điện tử.

Có thể nói dự thảo luật lần này đã đưa quyền trẻ em vào luật và thậm chí cả các quy định về bình đẳng giới. Điều này tạo một hành lang cho báo chí hoạt động, đồng thời bảo đảm các quyền mà báo chí không được xâm phạm.

Tôi nói rõ thêm là mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền đăng tải nội dung thông tin có tính chất báo chí trên truyền thông xã hội.

Tuy nhiên, nếu nội dung được đăng tải đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của đất nước thì đó là hành vi bị cấm.

Dự thảo luật lần này có những quy định cụ thể nào về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí cũng như đối với người làm báo thưa thứ trưởng?

Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Trên cơ sở đó, dự thảo luật đã tạo hành lang pháp lý để đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, dự thảo luật đã có các quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.

Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng; báo chí, nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, có quyền được biểu đạt thông tin, tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí.

Người dân có quyền được phát ngôn, được biểu đạt thông tin của mình trên báo chí nhưng không được xâm hại lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo luật đã tạo ra hành lang pháp lý cho các công dân tham gia xây dựng cơ quan báo chí chứ không chỉ nhà báo, tuy nhiên nhưng hoạt động đó phải đặt trong khuôn khổ pháp luật...

Dự thảo Luật báo chí sẽ có những quy định gì nhằm hạn chế và xử lý các sai phạm của báo chí?

Dự thảo luật lần này quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của nhà báo; nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể: tổng biên tập, phó tổng biên tập, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí.

Cùng với đó, dự thảo luật còn quy định cụ thể về cải chính, phản hồi thông tin, khắc phục hậu quả do hành vi thông tin sai; quy định nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đối với lỗi của cơ quan báo chí và nhà báo, quy định cụ thể từng trường hợp bị thu hồi thẻ nhà báo.

Xin cám ơn ông!

 

MINH QUANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên