Báo cáo thẩm tra được ông Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Nội dung này nằm trong báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và đánh giá khái quát 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12-10.
Xây dựng chương trình hành động triển khai FTA, TPP
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị năm 2016 đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức; cương quyết loại bỏ những người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết hiệu quả vấn đề bức xúc xã hội...
Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đề nghị “tiến hành các thủ tục theo quy định trình Quốc hội phê chuẩn và xây dựng chương trình hành động cụ thể nội dung và bước đi triển khai các hiệp định mới AEC, TPP, FTA Việt Nam - EU”.
Đồng thời “có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc; xử lý hiệu quả nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ nợ công...; tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, sử dụng công nghệ cao xuất khẩu hàng hóa”.
Tăng trưởng cao nhất trong 5 năm
Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5% và triển vọng vượt mức kế hoạch đề ra cho năm 2015, báo cáo thẩm tra của Quốc hội khẳng định kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao nhất so với các năm kế hoạch 5 năm, trong khi lạm phát được giữ ở mức thấp.
Dù vậy, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp so với nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 5,88%/năm, thấp hơn giai đoạn trước và thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân (6,5-7%).
Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng còn hạn chế ở mức 24-25% (năng suất lao động Việt Nam so với Singapore chỉ bằng 1/18, Malaysia bằng 1/6,5, Thái Lan bằng 1/2,7).
Đồng thời, bản báo cáo này cũng chỉ ra nhiều vấn đề đáng quan ngại.
“Một số ý kiến cho rằng việc hồi phục tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đầu năm chỉ tăng ở mức 2,08% so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2014.
Nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỉ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất, nhất là nông dân” - ông Giàu cho hay.
Nhìn tổng thể toàn giai đoạn, “nhiều ý kiến cho rằng kiểm soát chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.
Năm 2013 có khoảng 60.000, năm 2014 khoảng 67.800 và 9 tháng đầu năm 2015 có 54.566 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Trong khi đó, việc thực hiện một số chính sách mới như gói giải pháp hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp 30.000 tỉ đồng đã có chuyển biến tích cực nhưng dư nợ cho vay vẫn rất thấp.
Kết quả thực hiện nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là thấp xa so với nhu cầu chính đáng của ngư dân, chưa đáp ứng và góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo như mong muốn của nhân dân.
Điểm sáng: phát triển cơ sở hạ tầng Các cơ quan của Quốc hội nhận định phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ có chuyển biến rõ nét, là điểm sáng trong giai đoạn vừa qua. Báo cáo thẩm tra nêu rõ các ví dụ: đối với năng lượng, nhiều công trình lớn đã hoàn thành và đang được xây dựng như: thủy điện Sơn La, Lai Châu; nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân, Vũng Áng. Đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn..., tổng công suất năm 2010 là 20.674 MW, tăng lên 38.847 MW năm 2015. Hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể, đã đầu tư các trục giao thông chính như cải tạo mở rộng quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên, các tuyến đường cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình, một số sân bay được mở rộng nâng cấp hiện đại... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận