11/09/2015 12:51 GMT+7

Thêm “làng đu dây” qua suối ở Gia Lai

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Mùa mưa đến, dòng suối chảy qua làng Mook Tre và Mook Trang (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai) cuồn cuộn nước. Không lội bộ qua suối được nên người dân và học sinh hai ngôi làng này phải làm cáp treo để qua suối.

Bất chấp hiểm nguy, hàng ngày vẫn có hàng chục học sinh ở bên kia suối đu dây cáp để đến trường - Ảnh: B.D
Hằng ngày vẫn có hàng chục học sinh ở bên kia suối đi dây cáp để đến trường - Ảnh: B.D.

Sáng 11-9, sau khi tiếp nhận thông tin người dân ở xã Ia Dom đu dây qua suối, đoàn công tác của UBND huyện Đức Cơ do chủ tịch UBND huyện Võ Thanh Hùng đã trực tiếp đi kiểm tra.

Tại khúc suối giáp hai làng Mook Tre và Mook Trang, hàng chục người dân và học sinh khi qua lại suối phải dùng chiếc "sàn" sắt nối ròng rọc móc qua sợi dây cáp để băng qua suối.

Ông Ngô Hữu Thiện - chủ tịch UBND xã Ia Dom - cho biết tình trạng người dân qua suối bằng cách đi dây này đã diễn ra trong thời gian dài.

Ở phía bên kia suối tại xã Ia Dom có tổng cộng 15 hộ dân với 40 nhân khẩu, hầu hết là người di cư tự do ở các tỉnh khác qua nhận nương rẫy của một đơn vị kinh tế trên xã Ia Dom dựng nhà cửa và qua suối hằng ngày để sản xuất.

Theo ông Thiện, trên con suối hiện đã có cầu treo bắc qua nhưng do cách xa vị trí nương rẫy nên hằng ngày người dân, trong đó có nhiều học sinh là con em các hộ này, phải dùng dây cáp để qua lại.

Trưa 11-9, có mặt ở đoạn cáp treo này, PV ghi nhận hàng chục người qua lại chỉ bằng một sợi cáp mong manh. Dây cáp được nối vào hai gốc cây ở hai bên suối, dài khoảng 70m. Để có chỗ ngồi và tải hàng hóa, người dân đã góp tiền hàn một sàn sắt rồi ngồi lên đó để qua lại. Một chuyến khoảng 1-3 người.

Cháu Đinh Ngọc Mơ (học sinh lớp 2 Trường tiểu học Trần Phú) vừa đi học về, được người lớn bế lên sàn sắt để qua suối. Vừa ngồi lên sàn, Mơ đã thuần thục dùng tay kéo dây thừng nối ở bờ bên kia rồi trượt theo dây cáp qua suối.

Hỏi mỗi lần qua cáp có sợ không, Mơ thật thà: “Cháu không sợ, đi quen rồi. Ngày nào cháu cũng cùng các bạn đi cáp để qua suối đến trường”.

Ông Lê Văn Tuy (một người dân ở làng Mook Tre) cho biết hằng ngày ông và người dân vẫn qua lại bằng cách đi cáp qua suối. Do cây cầu treo cách nương rẫy khá xa nên người dân ngại đi đường vòng.

Ông Tuy nói ở bên kia suối mỗi ngày có khoảng 20 cháu nhỏ đi dây cáp qua suối để đến trường: “Khi nước cạn thì chúng tôi lội bộ, các cháu học sinh đi học cũng lội. Đến mùa mưa nước suối dâng cao và chảy xiết, mọi người góp tiền lại mắc cáp, đóng sàn để qua”.

Ông Ngô Hữu Thiện cho biết đã nhiều lần người dân qua suối bằng cách đi dây nhưng vướng dây cáp hoặc bất cẩn rơi xuống suối.

Theo bí thư Đảng ủy xã Ia Dom - Rơ Chăm Phia, không chỉ ở Ia Dom mà dọc suối đi qua các xã Ia Dom, Ia Krel cũng còn một vài địa điểm người dân dùng cáp treo để đu qua suối.

Chỉ một sợi cáp mong manh nhưng mỗi lần qua suối có ba bốn người ngồi trên lồng sắt bất chấp nguy hiểm - Ảnh: B.D
Chỉ một sợi cáp mong manh nhưng mỗi lần qua suối có ba bốn người ngồi trên sàn sắt bất chấp nguy hiểm - Ảnh: B.D.
Một người đàn ông dùng cáp để đi qua nương rẫy - Ảnh: B.D
Một người đàn ông dùng cáp để qua nương rẫy - Ảnh: B.D.
THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên