04/06/2015 19:45 GMT+7

Dân kiện chủ tịch huyện: “Đừng bày dân cái chuyện mất thì giờ”

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) kể rằng nhiều người dân đã nói với ông “đừng bày dân cái chuyện mất thì giờ” khi ông khuyên họ đi kiện hành chính lãnh đạo quận, huyện nơi họ sống.


Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) tại buổi thảo luận dự thảo Luật tố tụng hành chính sửa đổi - ảnh: Việt Dũng

Ông Lịch kể điều này tại buổi thảo luận dự thảo Luật tố tụng hành chính sửa đổi diễn ra hôm nay 4-6. 

Lý do theo ông Lịch là Luật tố tụng hành chính vẫn quy định TAND cấp huyện có quyền xét xử cấp sơ thẩm các vụ án hành chính kiện chủ tịch UBND huyện, UBND huyện.

 “Mà tôi thấy họ nói vậy là đúng. Ông bí thư, ông chủ tịch phán một câu là có khi đã chạy tóe khói, làm sao xử? Tôi cũng đề nghị tòa án huyện không được xử cái gì liên quan đến lãnh đạo huyện hết” - Đại biểu Trần Du Lịch nói.

Theo ông Lịch, về lý thuyết thì quan điểm cho phép tòa huyện xử sở thẩm các vụ việc hành chính liên quan đến lãnh đạo huyện như Ủy ban tư pháp Quốc hội nêu ra là đúng. Nhưng thực tế tòa án huyện mà xử được lãnh đạo huyện thì ở Việt Nam hiện này là rất khó.

“Hơn nữa, có thắng kiện mà UBND huyện không chịu thi hành án thì Thi hành án cũng khó dám cưỡng chế” - ông Lịch nói.

Trước đó, đại biểu Đỗ Văn Đương, mặc dù là ủy viên thường trực của Ủy ban tư pháp Quốc hội nhưng cũng có quan điểm khác với ủy ban này khi đề nghị phải giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ liên quan đền chủ tịch UBND huyện và UBND huyện lên tòa tỉnh để độc lập hơn và nâng cao giải quyết khiếu kiện hành chính.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng với án hành chính dân kiện quan thì chẳng mấy khi quan ra tòa mà toàn kêu cán bộ cấp dưới, có khi đó là những người chẳng có chuyên môn về vấn đề đang xét xử mà chỉ nghe báo cáo rồi về nói lại. Do đó việc tranh tụng tại phiên tòa không đạt được hiệu quả.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị người nào ký các quyết định hành chính mà bị dân khởi kiện thì người đó phải ra tòa. “Còn nếu ủy quyền thì phải ủy quyền cho cấp phó trực tiếp phụ trách lĩnh vực hoặc trưởng phòng chuyên môn, để đảm bảo nâng cao tranh tụng tại phiên tòa” - ông Đương nói.

Kiểm sát viên có “rình rình” kháng nghị?

Về việc nên hay không nên để kiểm sát viên có mặt trong phiên xử hành chính, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng không nên. Lý do là luật quy định kiểm sát viên chỉ có mặt, ngồi nghe nhưng lại được quyền kháng nghị bản án.

“Ngồi làm thinh không nói gì mà rình rình kháng nghị là không được!” - Ông Lịch góp ý bằng từ ngữ rất dân dã.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Gòn - Viện trưởng VKSND TP.HCM đứng dậy tranh luận: “Kiểm sát viên không phải ngồi rình mà luật không cho phép nói quan điểm vụ án”.

Dù vậy đại biểu Trần Du Lịch vẫn cho rằng kiểm sát viên ngồi như vậy là rất kỳ, phát hiện sai mà không nói chờ ký xong bản án lại  kháng nghị.

“Đã không tham dự nội dung thì không kháng nghị nội dung mà chỉ kháng nghị hình thức thủ tục” - ông Trần Du Lịch đề nghị.

Tuy nhiên, trên quan điểm của một cơ quan tố tụng, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh - Phó Chánh án TAND TP.HCM cho rằng kiểm sát viên cần phải có mặt.

“Kiểm sát  viên kháng nghị là kháng nghị nội dung pháp luật sai chứ không phải vì biết mà không được nói” - ông Ánh phân tích.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên