27/05/2015 15:06 GMT+7

Sẽ phát phiếu thăm dò Quốc hội về điều 60 Luật BHXH

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết như trên trong phiên thảo luận ở hội trường về điều 60 Luật bảo hiểm xã hội sáng nay 27-5.

Đại biểu Quốc hội cho rằng nên tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động. Trong ảnh, công nhân may túi xách xuất khẩu tại Tập đoàn Thái Bình (Bình Dương) - Ảnh: TTO

Đã có 39 đại biểu đăng ký phát biểu tại hội trường và 21 đại biểu trực tiếp nêu ý kiến. Nhìn chung các đại biểu đều đánh giá điều 60 Luật bảo hiểm xã hội là điều luật nhân văn, tiến bộ, hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cũng thấy rằng nên tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động là chọn hưởng một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, ý kiến chung của nhiều đại biểu là muốn Quốc hội có nghị quyết về việc bảo lưu khoản 1 điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 (quy định về bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu) đến một thời gian nhất định, nghĩa là trước mắt chưa áp dụng điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Sau một thời gian sẽ đánh giá, tổng kết và thăm dò ý kiến người lao động rồi mới tính đến việc có hay không sửa điều 60.

Bên cạnh đó, trong thảo luận cũng có nhiều đại biểu đề nghị sửa trực tiếp điều 60.

“Riêng vấn đề này sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội rồi sau đó mới xem xét, quyết định” - Ông Uông Chu Lưu nói trong phần kết luận phiên thảo luận.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) một mặt chia sẻ với bức xúc của một bộ phận người lao động về việc thu hẹp đối tượng được hưởng bảo hiểm một lần, một mặt bà Thúy đặt vấn đề có phải tất cả người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần đều khó khăn hay không, số tiền đó có giúp họ hết khó khăn hay không? Từ cách đặt vấn đề này, bà Thúy cho rằng các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn nữa đến khâu thông tin về nội dung luật để người lao động nhận thức đầy đủ hơn.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) kiến nghị, thay vì sửa đổi ngay điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Quốc hội hãy ra nghị quyết kéo dài hiệu lực điểm 1 điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng không những cần thiết sửa điều 60 mà còn cần phải sửa cơ bản Luật bảo hiểm xã hội, vì lý do là luật này tạo ra sự phân biệt giữa người lao động quốc doanh và ngoài quốc doanh.

“Điều đó không thể chấp nhận được. Bây giờ người lao động chưa lĩnh lương hưu nên chưa thấy, 10 năm nữa sẽ thấy, đó là hai người lao động cùng trình độ như nhau, cùng làm như nhau, cùng đóng bảo hiểm như nhau, và sau 30 năm đóng bảo hiểm xã hội thì anh làm việc trong quốc doanh lãnh lương hưu gấp hai lần anh làm việc ngoài quốc doanh” - Ông Tùng nói.

Ông Tùng nói Quốc hội nên ra nghị quyết để người lao động được quyền chọn lựa hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời lên kế hoạch để sửa Luật bảo hiểm xã hội 2014 một cách toàn diện.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên