27/05/2015 16:32 GMT+7

​Công nhân một công ty 3 lần bị ngất phải cấp cứu

A LỘC-H.MI
A LỘC-H.MI

TTO - Sáng 27-5, thêm 22 công nhân Công ty Asia Garment Manufacturer (KCN Amata, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu. Đây là lần thứ ba công nhân công ty này phải nhập viện.

Công nhân tiếp tục nhập viện lần 3 vào sáng 27-5 - Ảnh : A Lộc

Trước đó, chiều 25-5, 92 công nhân Công ty Asia Garment nhập viện do hít phải khí ammoniac (NH3) bị rò rỉ từ một công ty ở gần đó. Sau đó, toàn bộ số công nhân trên xuất viện.

Ngất do tâm lý sợ hãi?

Tuy nhiên, trong ca làm việc tối 26-5, thêm 51 công nhân nhập viện. Rồi đến sáng 27-5 lại thêm 22 công nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Trong cả hai đợt nhập viện tiếp theo, toàn bộ số công nhân này được các y bác sĩ cấp cứu trong tình trạng ngất xỉu, khó thở, nôn mửa, lạnh cóng chân tay…Hầu hết đều khai do nghe mùi khí gas dẫn đến khó chịu, nôn mửa.

Thế nhưng, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai khẳng định trong ngày 25-5, ngày đầu tiên công nhân bị ngộ độc khí, việc rò rỉ khí đã được khắc phục, môi trường công nhân làm việc an toàn.

Theo bác sĩ Trương Thiết Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nhận định “có khả năng những công nhân nhập viện hai đợt sau không phải do ngộ độc mà do tâm lý dây chuyền, sợ hãi rồi ngất xỉu. Bởi cơ quan chức năng khẳng định đã khống chế khí bị rò rỉ ở Công ty TNHH Thực phẩm Amanda VN”.

Theo bác sĩ Dũng, dựa theo chẩn đoán lâm sàng, nếu bệnh nhân bị ngộ độc sẽ có các triệu chứng khó thở tăng, nôn ói tăng dần và hôn mê nếu không được điều trị đặc hiệu về chống độc.

Tuy nhiên, số công nhân nhập viện hai lần sau đa phần là nữ, nồng độ oxy trong máu vẫn bình thường. Dù không được đặc trị chống độc nhưng sau khi nằm nghỉ các bệnh nhân đã ổn định ra về.

Đến trưa 27-5, chỉ còn 8 ca lưu trú tại bệnh viện nhưng tình trạng không có gì đáng kể.

Công nhân nhập viện lần 2 vào tối 26-5 - Ảnh H.MI

 Mời chuyên gia tư vấn tâm lý

Sau lần thứ ba công nhân của một công ty phải nhập viện cấp cứu, sáng 27-5, ông Nguyễn Văn Thuộc - giám đốc Sở Lao động, thương bình và xã hội tỉnh Đồng Nai - đã cùng đại diện Sở Y tế, Ban quản lý các khu công nghiệp xuống làm việc với lãnh đạo Công ty Asia Garment.

Tại buổi làm việc, ông Thuộc giải thích: “Sau vụ rò rỉ khí gas, làm công nhân ngộ độc trong ngày đầu tiên các cơ quan chức năng đã kiểm tra và khống chế nguồn rò rỉ nên mới đồng ý cho làm việc trở lại. Hiện qua kiểm tra khu vực từng rò rỉ gas vẫn thấy an toàn”.

Ông Thuộc đã chia sẻ với công ty Asia Garment những thiệt hại về đơn hàng, tiền bạc, thời gian… "Nhưng nếu hàng loạt công nhân tiếp tục nhập viện thì sở sẽ tiếp tục yêu cầu công ty cho nghỉ để đảm bảo tính mạng các công nhân", ông Thuộc nói.

Ông Oun Purin Kaowsiri, phó tổng giám đốc Công ty Asia Garment, cũng xác nhận chỉ có ngày 25-5 có hiện tượng công nhân bị ngộ độc khí gas, còn hai ngày tiếp theo không phát hiện khí gas trong môi trường. Ông cũng đưa ra kết quả kiểm định, giấy chứng nhận không khí đạt chuẩn nên ông mới cho công nhân vào làm.

Giải thích với công ty về chuyện công nhân nhập viện cấp cứu nhiều lần, TS-BS Trịnh Hồng Lân-Trưởng Khoa Sức khỏe lao động - Bệnh nghề nghiệp (Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, Bộ Y tế), cho biết: “Sáng 26-5 công nhân trở lại làm việc không bị sao nhưng đến chiều cùng ngày xảy ra ngất xỉu, nôn ói có thể bị phản ứng dây chuyền do tâm lý quá sợ hãi, quá lo lắng".

Điều quan trọng công ty phải trấn an, giải thích cặn kẽ cho công nhân hiểu và yên tâm, nếu cần thiết, có thể mời chuyên gia tâm lý vào tư vấn cho các công nhân.

Trong ngày 27-5, Sở Y tế Đồng Nai cho biết sẽ mời các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tư vấn tâm lý, hỗ trợ công nhân của công ty đang hoang mang để yên tâm trở lại làm việc.

“Tùy nồng độ nhưng ngộ độc amoniac là nghiêm trọng. Nồng độ amoniac khi ra môi trường kết hợp với nước có thể gây bỏng, hủy hoại tế bào đường hô hấp, mô giác mạc, có thể gây mù.

Trường hợp nồng độ thấp khiến người ngộ độc bị ho, cay mắt, chảy nước mắt nhưng không quá nghiêm trọng.

Thời điểm rò rỉ amoniac không tiếp cận được nên không rõ nồng độ thế nào, nhưng vẫn có thể xác định được dựa trên đánh giá của bệnh viện thông qua mức độ tổn thương niêm mạc, mũi, họng, mắt. Rò rỉ amoniac không phải là trường hợp hiếm ở VN”

(TS-BS Trịnh Hồng Lân, Trưởng Khoa Sức khỏe lao động - Bệnh nghề nghiệp (Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, Bộ Y tế)

A LỘC-H.MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên