17/05/2015 08:54 GMT+7

Bờ sông Sài Gòn phải dành cho mục đích công cộng

DƯƠNG NGỌC HÀ thực hiện
DƯƠNG NGỌC HÀ thực hiện

TT -  TS.KTS LÊ VĂN NĂM, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM và nhiều năm làm chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, là người đã gắn bó với ngành quy hoạch TP gần cả đời người.

Bờ sông Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Về câu chuyện hai bên sông Sài Gòn, ông Năm kể:

- Khi tôi còn công tác, không ít chuyên gia quy hoạch người nước ngoài nói với tôi rằng TP.HCM có diễm phúc lớn là có sông Sài Gòn rất đẹp, xa một chút có sông Đồng Nai và nhiều sông rạch khác. Sông rạch như một đặc sản của TP, đặc biệt là đoạn sông Sài Gòn đi qua trung tâm có hình dáng như một con rồng uốn lượn.

May mắn là hai bên dòng sông chưa xây dựng nhiều. Khi phát triển các bạn nhớ tạo ra các mảng xanh dọc bờ sông, chú ý đến các yếu tố phúc lợi cho dân và rất cần tạo cảnh quan đặc biệt “trên bến dưới thuyền” để khách thập phương đến đây có dịp chiêm ngưỡng dòng sông.

Tôi cảm nhận họ muốn nhắc mình khi làm quy hoạch TP phải lưu giữ và phát huy được tác dụng, hiệu quả dòng sông của Sài Gòn; phải lưu ý cảnh quan sông nước và phải phát huy thế mạnh sông nước cho kinh tế.

* Người làm quy hoạch của TP phải lưu ý điều gì khi quy hoạch lại khu bờ tây sông Sài Gòn (khu vực quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 4)?

- Những cảng quân sự như Tân Cảng, Ba Son, cảng Sài Gòn được di dời ra xa để lại một dải đất lớn ven sông. TP có chủ trương đưa vùng đất này phục vụ dân sinh đô thị, đặc biệt là tạo thêm cảnh quan sông nước càng phong phú, tươi đẹp, có thêm mảng xanh, làm cho môi trường sống của TP ngày càng được cải thiện.

Nay có cơ hội biến những bất hợp lý cũ thành cái mới nhiều lần tốt hơn cho hôm nay và mai sau. Làm gì cho khu vực này cũng phải nghĩ đến ít nhất năm bảy chục năm sau chứ không thể nói mình chỉ giải quyết công việc này trong vòng năm bảy năm được.

* Theo tiêu chí trên thì khu bờ tây phải bố trí những công trình gì phù hợp?

- Đầu tiên phải giải quyết mảng xanh, kế đến là dịch vụ cho người dân tại chỗ và các nơi, các công trình phục vụ cộng đồng nhiều hơn. Tất nhiên cũng nghĩ đến sinh lợi nhưng chính là cái lợi từ cuộc sống bình yên, tốt đẹp, được cải thiện và nâng cao mức sống cho người dân chứ không phải vì mục tiêu kinh tế đơn thuần.

Tôi mong muốn ghê gớm một mảng xanh nhân tạo ven bờ sông Sài Gòn với rừng cây chỗ thấp chỗ cao, chỗ dày chỗ thưa xen cài những công trình phúc lợi, có những bến thuyền du lịch, hành lang đi bộ xen cài trong cây xanh sát với bờ sông... như nhiều nơi trên thế giới.

Chính cảnh quan hấp dẫn này gắn dòng sông với đời sống đô thị, đúng nghĩa là văn hóa sông nước cho người dân tại chỗ và khách thập phương đến để hưởng thụ. Kiến trúc theo bờ sông phải thấp thôi, những công trình cao tầng để khai thác về kinh tế không nên quá gần bờ sông.

Những khoảng hở của công trình dọc bờ sông cũng rất quan trọng để đón gió từ sông lên đô thị càng xa càng tốt. Đó là những không gian mở về cảnh quan thiên nhiên và phong thủy hợp lý chứ công trình dày đặc thì không nên.

DƯƠNG NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên