12/05/2015 22:25 GMT+7

"Chấm phúc tra thấy có người trượt rất... xứng đáng"

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Ngày 12-5, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về tình trạng cán bộ thi chuyên viên cao cấp nhưng “lơ mơ” kiến thức quản lý nhà nước, ông Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, khẳng định đó không phải câu hỏi đánh đố.

Ông Nguyễn Đình Quyền - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp 

Ông nói: "Tôi thường được mời đi chấm điểm các cuộc thi lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Với chuyên viên cao cấp, các cán bộ thi thường phải là cấp giám đốc sở, vụ trưởng, có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Tuy nhiên, khi hỏi sâu hơn hoặc vào những điểm ngoài ngân hàng câu hỏi, không phải họ “mù” mà nhiều cán bộ “lơ mơ” về kiến thức quản lý nhà nước trong khi đã học cao cấp chính trị thì họ phải nắm vững...

Tôi từng nói với Bộ trưởng Bộ Tài chính rằng tôi rất ấn tượng khi chấm điểm các cán bộ tài chính, ngân hàng vì họ rất giỏi. Nhưng bên cạnh đó đúng là có những cán bộ chưa nắm được vấn đề.

* Nhiều người cho rằng các “thầy” hay hỏi đánh đố, lý thuyết sâu cay nên cán bộ của chúng ta, vốn chủ yếu lăn lộn thực tiễn, đã không trả lời được?

- Lúc hỏi vấn đáp, tôi chủ yếu hỏi về vấn đề các đồng chí ấy đang làm. Vụ trưởng, giám đốc sở là quản lý rồi, chuyên viên cao cấp là tham gia hoạch định chính sách, tham mưu chiến lược rồi thì thực tiễn anh phải nắm được. Những chỗ tôi hỏi theo đề cương thì có hỏi sâu hơn. Rồi chuyên viên cao cấp được giao đề tài để viết, khi hỏi tôi tập trung vào những nội dung trong đó, xem có thật anh ta viết không, chứ bây giờ đi thuê viết nhiều lắm. Nếu thật sự viết, anh ta phải hiểu. Khi tôi hỏi thi, trước khi xong tôi thường hỏi họ có tâm phục khẩu phục không. Tôi chỉ ra luôn những chỗ họ khiếm khuyết chứ tôi không bao giờ đánh đố, vì họ đều là các đồng chí lãnh đạo cả.

* Ví dụ ông đã hỏi như thế nào?

- Tùy người. Nhưng ví dụ có anh viết đề tài về Khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tôi hỏi giải pháp cho mất cân bằng là gì, khi làm đề án anh thấy đâu là thách thức? Anh ấy nói không trúng, tôi có gợi ý dần, tôi hỏi “tập quán VN muốn người chống gậy không”? Mất cân đối giới tính một phần vì tập quán cần có con trai, vậy điều đầu tiên khi anh hoạch định chính sách là làm gì, anh sẽ tham mưu cho Chính phủ cái gì? Thì các anh ấy nói đúng, cần tuyên truyền, giải thích cho dân... Tôi hỏi thêm làm sao để đi vào cuộc sống? Tôi không đánh đố, tôi cũng từng là người đi thi. Chỉ vì họ không hiểu sâu, không hiểu kỹ cái họ đã viết ra. Nên có người chỉ nói chung chung, cái mà hôm nay đúng mà 10 năm sau vẫn đúng. Thế thì tham mưu chính sách làm sao được? Trong khi anh là chuyên viên cao cấp, anh phải hiểu sâu...

Tôi phát biểu vấn đề thi chuyên viên cao cấp ngày 11-5, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có bàn về vấn đề dưa hấu, dân làm ra tiêu thụ không hết, phải bán kiểu nhân đạo. Chuyện dưa hấu, rồi hạt điều, cà phê, cá ba sa... thấy buồn vì những cái này có phải không lường được đâu? Đầu ra, đầu vào, nghị quyết của trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có. Nhưng vẫn để dưa hấu, thanh long, sữa... vốn là những sản phẩm thế mạnh của VN chịu cảnh thiệt thòi. Đó là cái gì? Là có phần yếu kém của hoạch định, thực thi chính sách... Liên quan cái này là chất lượng cán bộ hoạch định và tham mưu chính sách. Nên tôi đã liên hệ câu chuyện thi cử đó đến chất lượng công chức hiện tại.

* Như ông nói, nhiều người đi thi gợi ý nhưng không trả lời được, vậy ông cho điểm thế nào? Vẫn phải cho điểm khá vì cho điểm thấp không dễ?

- Đúng là có những người không thích vào bàn hỏi của tôi. Thường thì có barem điểm rồi. Hỏi sâu về quản lý nhà nước, ai trả lời tốt thì điểm cao, không thì điểm vừa vừa thôi. Mà thi chuyên viên cao cấp này là cạnh tranh, lấy từ trên cao xuống, không phải thi đạt điểm trung bình là đỗ.

* Xin hỏi thật ông, có người nói đi thi chuyên viên cao cấp, cơ bản được thôi. Cơ bản là phải tìm cách “chăm sóc” thầy kỹ?

- Tôi không biết. Sát giờ tôi mới đến nhận phòng thi, xong thì đi về. Tôi không biết ai, không thấy ai tác động nhờ vả cả. Người khác không biết thế nào nhưng có vẻ nhiều người rất ngại tôi. Tôi không đi dạy chỉ đi chấm kiến thức thôi. Đi học 3 tháng chuyên viên cao cấp, cán bộ đã được trang bị kiến thức rồi, và có ngân hàng câu hỏi. Nhưng đối với chuyên viên cao cấp, tôi nghĩ học phải vận dụng, có phải học thuộc lòng đâu. Yêu cầu phải hoạch định chính sách cơ mà.

Hôm vừa rồi chấm phúc tra bài viết, quả thực thấy có người trượt rất... xứng đáng. Tôi phải cố đọc để đỡ sót ý, nhưng nhiều người cẩu thả, ý thức thi kém, câu từ phải bỏ qua nhiều vì có thể sai bản chất... Tôi chấm bài không câu nệ quá, vấn đề là họ hiểu thôi. Nhưng có người từ 45 điểm phải cho xuống 40 điểm vì không xứng đáng.

* Có người nói thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp chủ yếu để lên lương chứ không hẳn vì họ muốn cống hiến nhiều hơn. Ông có thấy như thế?

- Theo tôi, thi là đánh giá chất lượng cán bộ. Có nhiều kênh để đánh giá, đi thi chỉ là một kênh, đừng tuyệt đối hóa cái gì. Không có thi thì không biết cán bộ đứng ở vị trí nào của năng lực. Thi vẫn cần thiết, là một kênh, nhưng bên cạnh cần là kênh năng lực thực tế, đánh giá trách nhiệm của họ nữa. Vấn đề là làm sao để thi đánh giá đúng chất lượng. Bộ Nội vụ đã có nhiều biện pháp nhưng theo tôi vẫn cần tiếp tục cải tiến hơn nữa để phán ánh thực chất nhất. 

* Chất lượng cán bộ như thế ông có lo? Chất lượng đó thể hiện không chỉ ở vấn đề hoạch định chính sách tiêu thụ nông sản?

- Nông sản chỉ là một ví dụ, còn nhiều ví dụ khác. Tôi là người nghiên cứu về tư pháp, nhưng có điều tôi nói về ngân hàng cách đây 10 năm, nay mới thấy làm, đó là chuyện “ngày xưa ra ngõ gặp anh hùng, nay ra ngõ gặp ngân hàng”. Tôi thấy không nền kinh tế nào quy mô như VN mà nhiều ngân hàng đến thế, nó bất bình thường trong hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách. Nay ta mới đi sửa sai, chậm lắm, nó ảnh hưởng đến nền kinh tế. Mà có cái sách đã dạy mà ta vẫn sai, nhiều ngân hàng thế, loạn chứ sao nữa? Tiềm lực kinh tế có chuyện, rồi sở hữu chéo...

Thật ra, không cần học sâu xa gì về ngân hàng mà chỉ đọc kiến thức kinh tế tối thiểu thôi cũng biết. Trong khi đó, ta có bao nhiêu chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, mà cứ để như thế, nay mới nói phải bớt đi, tái cơ cấu lại... Hay như công nghiệp ôtô, Toyota gần như “thách thức”, nếu không chấp nhận một số điểm thì họ cơ bản họ nhập xe... Thế có đau lòng không? Mà chiến lược ôtô ta có bao nhiêu năm rồi. Thì đó là năng lực và trách nhiệm...

* Hiện nay có nhiều bộ đề nghị phân cấp các bộ tự tổ chức thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp? Ông có lo không?

- Cái đó cần nghiên cứu. Cách nào cũng có cái được, cái mất. Thi chung cũng có bất cập. Nhưng thi riêng có nhiều cái không được. Các bộ tổ chức thi riêng có thể kết hợp giữa năng lực thực tế và kết quả thi tốt hơn. Nhưng cái không được là có thể không bảo đảm mặt bằng thi thống nhất, dễ sinh lợi ích nhóm, cục bộ, người giỏi chưa chắc đỗ... Hướng thống nhất là chủ đạo chứ giao các bộ, ngành làm thì chưa biết sẽ đi đến đâu. 

Với tư cách người nghiên cứu nhà nước, tôi rất trăn trở công tác cán bộ. Lâu nay chúng ta ít đánh giá thực chất cán bộ, cần xem lại từ khâu đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, thi cử... Tại sao các nước họ tiến nhanh như thế, ta nhiều cái chậm, mà người VN đâu có dốt... Những câu chuyện như sữa đổ ra đường, thanh long cho bò ăn, vải không thu hoạch... nghe thấy chảy nước mắt. Không thể để như thế được...

* Xin cảm ơn ông.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên