“Chúng ta cần đổi mới mang tính đột phá, không ngại thay đổi. Phải có quy định khác nhau giữa chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo. Chúng tôi chọn phương án hai” - đại biểu Đỗ Thị Hoàng - Ảnh: Việt Dũng |
Chia sẻ thực tế từ địa phương mình sau nhiều cuộc khảo sát, hội thảo về tổ chức và bộ máy công chức, Phó bí thư tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho rằng hiện nay tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, mâu thuẫn.
Bộ máy để phục vụ chính mình chiếm tới 25-30%, tỉ lệ rất lớn; số lượng người hưởng lương từ ngân sách đông và ngày càng có xu hướng tăng; việc mở rộng, phát huy dân chủ của nhân dân chưa theo kịp quy định của Hiến pháp, đặc biệt là quyền dân chủ trực tiếp.
Cơ chế tuyển chọn, giới thiệu, giám sát cán bộ, công chức đều đang có vấn đề, không hữu hiệu...
Quận Ba Đình phải khác huyện Mường Tè
Là một trong những địa phương quyết liệt đề nghị thí điểm mô hình chính quyền đô thị, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng mâu thuẫn hiện nay là chúng ta muốn đổi mới nhưng lại không dám đảo lộn, không dám thay đổi.
“Nếu giữ nguyên thì không có gì thay đổi cả, tôi nghĩ vấn đề của chúng ta là tìm ra giới hạn xáo trộn mà không gây nguy hại cho hệ thống chính trị” - ông nói.
Ông Lịch khẳng định rằng do hoạt động của HĐND quận, phường hiện nay mang tính hình thức, cá nhân ông nhiều lúc không nhớ đại biểu cho mình ở cấp này là những ai. Một nền hành chính phải thống nhất nhưng không có nghĩa là phải đồng nhất.
“Một quận như Ba Đình (Hà Nội) mà tổ chức chính quyền không khác gì huyện Mường Tè (Lai Châu) thì không thể được” - ông Lịch nói.
“Ta cứ bàn để hay bỏ HĐND, nếu giữ hệ thống như hiện nay thì bỏ để làm gì? Nếu muốn thay đổi chức năng nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy lại thì mới bàn. Tôi tiếp tục đề nghị chúng ta nên mạnh dạn, Hiến pháp mở, chúng ta nên tiến tới tổ chức chính quyền địa phương hai cấp hoàn chỉnh: tỉnh và cơ sở” - ông Lịch đề nghị.
Theo ông, cần có thời gian chuyển tiếp để làm việc này trong khoảng năm năm, chuyển từ chính quyền địa phương ba cấp xuống hai cấp.
Điều kiện như vậy bảo sao không hình thức!
Tuy vậy, tại hội nghị, nhiều ý kiến ủng hộ phương án một, tức là chính quyền phải có đầy đủ HĐND và UBND ở các cấp chiếm tỉ lệ áp đảo.
“Chính quyền của dân, do dân, vì dân thì phải do dân bầu ra người đại diện cho mình ở tất cả các cấp chính quyền. Chính quyền do dân lập ra chứ không phải do cấp trên ấn định xuống” - Phó chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Nguyễn Đình Bích bày tỏ.
Ông Bích cho biết sau khi Hải Phòng thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường như chín địa phương khác, nhiều bà con cử tri gặp ông nói rằng trước đây có HĐND, bà con tâm tư, kiến nghị gì thì được gặp đại biểu của mình để bày tỏ, kiến nghị, bây giờ bỏ HĐND không biết bày tỏ ở đâu, ai giải quyết.
“HĐND hiện nay đông nhưng chưa mạnh, vì chưa thu hút được những người thật sự tài giỏi, có tâm có tầm, trong khi đó cơ cấu tỉ lệ khá lớn những người vừa đá bóng vừa thổi còi” - ông Bích giải thích và đề nghị nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách, hạn chế đại biểu là người thuộc các cơ quan hành chính trong HĐND.
“HĐND hiện tại là quân vay, tướng mượn, tiền đi xin” - đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lên tiếng. Ông Phương cho rằng “đại biểu kiêm nhiệm thì không thể dành thời gian, công sức để làm vì người ta phải tập trung vào việc chính. Tài liệu thì đến lúc họp mới cung cấp, bảo giơ tay thì giơ tay thôi. Điều kiện như vậy thì bảo sao không hình thức?”.
Trong khi ông Phạm Ngọc Tuấn (HĐND Đồng Nai) khẳng định giám sát của HĐND rất quan trọng, gắn với hoạt động của các tổ đại biểu HĐND. Vì vậy cần quy định rõ hoạt động của tổ đại biểu HĐND vào luật. Thông qua hoạt động giám sát của tổ, đại biểu gắn bó mật thiết với cử tri, nắm vững được tình hình thực tế của xã hội, theo dõi được việc triển khai các nghị quyết HĐND vào cuộc sống.
Dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2015.
2 phương án tổ chức chính quyền địa phương Dự thảo luật đưa ra hai phương án về tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, phương án một quy định tất cả các đơn vị hành chính đều có chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND), kèm theo một số quy định đặc thù để phân biệt chính quyền ở đô thị và chính quyền ở nông thôn, hải đảo. Ví dụ, “Ở TP trực thuộc trung ương thành lập thêm ban đô thị của HĐND để chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị, phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, môi trường, tổ chức cung cấp dịch vụ công trên địa bàn nội đô” - báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay. Theo phương án hai, tại các đơn vị hành chính khác đều tổ chức HĐND và UBND, nhưng riêng ở phường do đặc điểm đô thị nên không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường. Trong trường hợp phường không có HĐND, dự luật lại đưa ra hai phương án: thứ nhất, chủ tịch UBND phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; thứ hai, chủ tịch UBND phường do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận