06/03/2015 12:51 GMT+7

Sẽ tăng mức thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương?

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG

TT - Bộ GTVT vừa đề xuất tăng 50% mức thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang) kể từ ngày 1-6-2015. Nhiều doanh nghiệp vận tải bức xúc về đề xuất tăng mức thu phí quá cao.

Thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Mậu Trường

Theo Bộ GTVT, sở dĩ phải đề xuất tăng mức thu phí là do Công ty thương mại và sản xuất dịch vụ Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh), đơn vị mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đề nghị xây dựng hai nút giao thông khác mức (cầu vượt) trên tỉnh lộ 10B và đường Trần Đại Nghĩa của tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm.

Hai nút giao thông này là hạng mục bổ sung của dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhưng chưa thực hiện được do thiếu vốn.

Tổng kinh phí xây dựng hai nút giao thông nêu trên dự kiến khoảng 945 tỉ đồng. Nhằm có vốn làm hai cầu vượt này, Bộ GTVT cho rằng cần điều chỉnh mức thu phí đường cao tốc từ 1.000 đồng/km lên 1.500 đồng/km (quy đổi theo ôtô con), thời gian thu phí bắt đầu từ ngày 1-6-2015 đến 31-12-2018.

Cụ thể, loại xe dưới 12 ghế hiện nay là 40.000 đồng sẽ tăng lên 60.000 đồng/lượt, xe từ 12 ghế đến 30 ghế là 60.000 đồng tăng lên 90.000 đồng/lượt, xe trên 18 tấn và container 40 feet từ 240.000 đồng tăng lên 360.000 đồng/lượt.

Việc tăng phí sẽ đem lại khoảng 620 tỉ đồng, phần ngân sách hỗ trợ 325 tỉ đồng từ nguồn bán quyền thu phí, đủ tiền xây dựng công trình. Hiện nay bộ đã phê duyệt dự án, đang tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để có thể khởi công trong quý 1-2015.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, nhiều doanh nghiệp vận tải tỏ ra bức xúc vì mức thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ tăng 50% là một gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn (34 tuổi) - chủ một doanh nghiệp cho thuê xe du lịch tại tỉnh Tiền Giang - nói: “Hầu như ngày nào doanh nghiệp của tôi cũng có một vài chuyến xe đi lại trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Do những năm gần đây kinh tế khó khăn nên việc cho thuê xe cũng rất ế, giá phải giảm sát đáy mới có người thuê. Nếu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tăng theo mức đề xuất thì tôi phải tính toán lại cách kinh doanh để không bị lỗ. Có lẽ chúng tôi sẽ chuyển sang đi quốc lộ 1 để giảm chi phí.

Theo tôi, việc tăng phí đường cao tốc là không hợp lý. Phí là khoản tiền phải trả để thụ hưởng một dịch vụ nào đó. Nhưng khoản phí mới tăng lại là để sử dụng đầu tư cho một công trình chưa xây dựng gì, nhà xe chưa được thụ hưởng, liệu có hợp lý không?”.

Đại diện một hãng xe liên tỉnh chạy tuyến TP.HCM - Bến Tre cũng nói: “Theo tôi được biết việc đề xuất tăng phí là để đầu tư xây dựng cầu vượt trên đường dẫn Tân Tạo - Chợ Đệm. Trong khi đó, xe chúng tôi không đi theo đường này thì việc gì chúng tôi phải trả phí để xây dựng những hạng mục đó.

Nếu chúng tôi có đi theo đường dẫn này thì cũng chưa nên thu phí vào thời điểm tháng 6-2015 vì công trình chưa xây dựng”.

Trả lời câu hỏi nhiều doanh nghiệp vận tải thắc mắc vì sao công trình chưa xây dựng mà đã thu phí với mức phí tăng cao, lãnh đạo Công ty Yên Khánh cho biết hiện nay đơn vị thiết kế đang hoàn chỉnh dự án và dự kiến trong một vài tuần nữa sẽ có báo cáo cụ thể.

Cũng theo vị lãnh đạo Công ty Yên Khánh, đơn vị đề xuất đầu tư xây dựng hai nút giao thông trên, còn việc thu phí như thế nào, ra sao sẽ do các bộ, ngành ở trung ương xem xét đưa ra lộ trình để công ty thực hiện.

Ông Thái Văn Chung (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Chưa phù hợp với quy định hiện hành

Theo tôi, điều chỉnh mức thu phí trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bắt đầu từ ngày 1-6-2015 đến 31-12-2018 để hoàn vốn đầu tư cho hai nút giao thông khác mức là chưa phù hợp với quy định tại pháp lệnh phí và lệ phí hiện hành.

Thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị “tách hạng mục xây dựng hai nút giao thông khác mức giữa tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm thuộc đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với tỉnh lộ 10B và đường Trần Đại Nghĩa thành dự án độc lập và đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT”.

Điều này có nghĩa là nhà đầu tư phải xây dựng hoàn thành xong công trình mới được quyền kinh doanh thu phí. Vì đây là dự án độc lập, riêng biệt với các công trình khác.

Hơn nữa, nhà đầu tư chỉ được quyền thu phí phương tiện sử dụng dịch vụ của nhà đầu tư đối với hai công trình giao thông nói trên. Cá nhân, tổ chức nào không sử dụng hai công trình này thì không phải trả phí.

Thứ hai, mức thu phí tăng 50% sẽ làm gia tăng cước phí vận tải, khiến cho các doanh nghiệp vận tải thêm khó khăn.

N.ẨN ghi

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên