28/02/2015 10:27 GMT+7

​Phải đảm bảo quyền của người bị tạm giam

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 27-2, dự án Luật tạm giữ, tạm giam được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu về dự án Luật tạm giữ, tạm giam - Ảnh: TTXVN

Đa số ý kiến tại phiên họp cho rằng để tránh tình trạng bức cung, dùng nhục hình thì dự luật phải đưa ra các quy định đảm bảo quyền của người bị tạm giữ và tạm giam, bởi đây là đối tượng mới bị tình nghi chứ chưa bị kết tội.

Tách tạm giữ, tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết nhiều ý kiến trong thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng cần xác định rõ hơn về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam, đây là vấn đề chưa được đề cập rõ trong tờ trình cũng như trong dự án luật.

Theo đó, cần tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam giữ, tránh tình trạng chết, bức cung, nhục hình và các hình thức vi phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.

“Cần tổ chức mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay, bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam” - ông Hiện nói.

Theo phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong, tất cả các vụ bức cung, dùng nhục hình thường xảy ra trong thời điểm tạm giữ, tạm giam, do đó việc quy định chặt chẽ vấn đề này là rất quan trọng.

Trong khi đó, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng liên quan đến bức cung, nhục hình có nguyên nhân từ quan hệ của cơ quan điều tra với nơi quản lý tạm giữ, tạm giam.

“Có những nơi cơ quan điều tra coi nơi tạm giữ, tạm giam như cái kho mà họ có thể ra vào bất cứ lúc nào. Tôi đề nghị tách bạch giữa cơ quan tạm giữ, tạm giam với cơ quan điều tra, như vậy mới đảm bảo được tính độc lập tương đối giữa hai cơ quan này và sẽ hạn chế một phần nguyên nhân dẫn đến bức cung, dùng nhục hình” - ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Văn Hiện khẳng định những người bị tạm giam, tạm giữ chưa bị coi là có tội và chưa phải chịu hình phạt nên một số quyền công dân cần phải được bảo đảm như quyền về an toàn tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân...

Chính phủ cần nghiên cứu để quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam trên cơ sở thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 (dự án luật chưa quy định về vấn đề này).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng nói người bị tạm giam, tạm giữ chưa bị coi là có tội, nên việc họ bị hạn chế quyền tự do đi lại, tự do thân thể là nghiêm trọng lắm rồi, còn các quyền cơ bản khác như quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp... cần phải quy định kỹ, nếu bị hạn chế phải quy định trong luật theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Về việc có quy định hình phạt cùm chân người bị tạm giam, tạm giữ khi họ vi phạm kỷ luật hay không, một số ý kiến coi đây là một hình thức dùng nhục hình. Tuy nhiên, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, đề nghị nên quy định hình phạt này trong dự luật.

“Nghiên cứu các quy định của thế giới thì nhiều nước cũng áp dụng hình phạt cùm chân, xiềng chân. Thực tế có rất nhiều đối tượng phạm tội manh động, liều lĩnh như Lê Văn Luyện, vừa giết người man rợ và nghiện ma túy; có những vụ người phạm tội vừa hiếp dâm vừa giết người rất dã man, khi bị bắt giữ thì hung hãn, dùng mọi thủ đoạn để bỏ trốn” - ông Vương phân tích.

Cơ quan thuế, chứng khoán không được điều tra

Đề cập dự án Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, thượng tướng Lê Quý Vương cho biết cần thiết có quy định cho các cơ quan kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu.

Lý do là tình hình vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực này ngày càng gia tăng phức tạp, tinh vi. Trong khi đây là các lĩnh vực đặc thù, nhiều nước cũng giao cho các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu.

“Nếu lấy lý do là đặc thù, chuyên môn thì nhiều ngành khác cũng có nhu cầu điều tra chứ không phải chỉ mấy ngành trên” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bình luận.

Ông Nguyễn Doãn Khánh cho biết theo kết luận 92 của Bộ Chính trị thì phải giữ nguyên các đầu mối điều tra, không mở rộng thêm. “Tôi đồng tình là không nên mở rộng, như các đồng chí đã phân tích là nếu mở rộng thì còn các cơ quan đặc thù khác như kiểm toán, thanh tra” - ông Khánh bày tỏ.

Dự luật còn đưa ra phương án trao quyền điều tra ban đầu cho lực lượng công an xã. Tuy nhiên, phương án này không nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Tư pháp.

“Trên thực tế, công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã là vượt quá khả năng, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội” - ông Nguyễn Văn Hiện phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Doãn Khánh đề nghị “không nên quy định công an xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như quy định của dự thảo luật”.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, rút khỏi dự án luật phương án trao quyền điều tra cho cơ quan thuế, chứng khoán, kiểm ngư. Dự luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp giữa năm 2015.

Bổ sung nghị quyết về kiểm soát thu nhập

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.

Theo tờ trình này, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự thảo nghị quyết về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 của Quốc hội.

Tờ trình này cũng xin lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình. Dự án luật này dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3-2015 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.

V.V.THÀNH

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục