27/02/2015 11:35 GMT+7

​Thầm lặng góp mật ngọt cho đời

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Dù chỉ làm những công việc bình thường và chịu không ít thiệt thòi, nhiều thầy thuốc vẫn tận tụy làm việc bằng tất cả tấm lòng. Như con ong chăm chỉ, họ thầm lặng góp mật ngọt cho đời.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh - Ảnh: Thuận Thắng

Họ là các nữ bác sĩ làm việc ở tuyến huyện, tuyến xã, là điều dưỡng chăm sóc những bệnh nhân mắc bệnh dịch nguy hiểm ở một số cơ sở y tế tại TP.HCM.

Trưởng trạm “bầu sô”

Mộc mạc, chất phác, thẳng thắn, tận tâm với công việc là cảm nhận của chúng tôi về bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh - trưởng trạm y tế xã Phước Kiển, H.Nhà Bè - khi mới gặp mặt lần đầu. Cách đây sáu năm, bác sĩ Thanh về nhận nhiệm vụ tại Trạm y tế xã Phước Kiển - địa bàn được nhiều người xem là “hợp chủng” do người dân tứ xứ đổ về sinh sống, làm việc.

Nhà trọ mọc san sát, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh... nên dịch bệnh cứ xảy ra triền miên. Đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bác sĩ Thanh vẫn kiên trì bám trụ, hết lòng làm việc với cái tâm của người thầy thuốc. Trên từng con đường lầy lội, trên mỗi ngõ ngách của địa bàn xã Phước Kiển, nơi nào cũng in dấu chân chị đi phòng chống dịch bệnh.

“Sốt xuất huyết lẹ chưa từng có. Nhà này có người mắc chưa kịp phun thuốc thì đã nghe báo nhà khác có người bệnh. Năm 2011, chỉ xã Phước Kiển đã có gần 70 ca tay chân miệng, nhiều nhất huyện và bằng sáu xã khác cộng lại. Áp lực dữ lắm” - bác sĩ Thanh chia sẻ.

Dù là bác sĩ, trưởng trạm y tế nhưng tối ngày chị phải cùng anh em ở trạm y tế phát tờ bướm tuyên truyền, đi diệt lăng quăng, súc lu, lượm ve chai, gom bịch nilông... Chị và anh em ở trạm y tế còn đi tẩm mùng chống muỗi, có khi cả tháng mới về và khi về “người nào người đó nhìn không ra”.

Cứ thế, ngày này sang tháng khác chị vừa làm vừa nhẫn nại hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh, biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Ai chưa làm việc ở trạm y tế chắc sẽ rất khó làm vì trạm y tế giống như dàn ca tạp kỹ. Bác sĩ trưởng trạm y tế giống như “bầu sô”. Muốn tấu hài là tấu luôn. Muốn ca nhạc là ca mà muốn hát cải lương là hát luôn. Thậm chí đánh trống, kéo màn cũng làm luôn. Nói chung là giỏi dữ lắm!” - bác sĩ Thanh hài hước nói về mình như vậy.

Nâng chất lượng các trạm y tế xã

Một buổi sáng trời mưa tầm tã ở bến phà Bình Khánh, huyện Cần Giờ cách đây nhiều năm có một phụ nữ trung niên dáng gầy guộc, khắc khổ, tay kéo valy, túi xách mà lòng trĩu nặng nỗi buồn.

Gạt qua nỗi đau cha vừa mất, người phụ nữ ấy cố gắng sắp xếp gia đình, công việc cơ quan ra Huế học với quyết tâm lấy được bằng bác sĩ chuyên khoa 2. Người phụ nữ ấy là thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Kim Hoa - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cần Giờ.

Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cần Giờ được thành lập tháng 5-2007 trong điều kiện thiếu nhân lực, cơ sở vật chất thiếu thốn trong khi địa bàn huyện rộng mênh mông, dân cư sống rải rác, đời sống người dân còn khó khăn.

Là lãnh đạo đơn vị, bác sĩ Kim Hoa luôn tâm niệm phải làm thật tốt hai việc là phòng chống dịch bệnh và tổ chức khám, điều trị cho nhân dân ở các trạm y tế xã. Bác sĩ Kim Hoa rất quan tâm đào tạo nhân lực để tất cả trạm y tế xã có bác sĩ và đào tạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế.

Nhiều bác sĩ của trung tâm y tế dự phòng huyện và trạm y tế xã được cử đến bệnh viện tuyến trên học siêu âm, điều trị các bệnh tim mạch, đái tháo đường, cấp cứu cho thành thạo để kịp thời giải quyết những trường hợp cấp cứu, góp phần củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở trên địa bàn huyện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã, thị trấn...

Đặc biệt, bác sĩ Kim Hoa còn tiếp nhận thực hiện dự án “Vì sự sống còn của trẻ em” và “Thận niệu”. Qua hai dự án này, nhiều cán bộ y tế của các trạm y tế trên địa bàn huyện Cần Giờ đã có kiến thức khám, chẩn đoán sớm, điều trị đúng bệnh cho trẻ em cũng như công tác hồi sức cấp cứu nhi, đặc biệt là cấp cứu sơ sinh.

Đồng thời phát hiện sớm những bệnh lý, dị tật bẩm sinh thận niệu ở trẻ em để chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị sớm, giảm nguy cơ suy thận ở trẻ em.

Bác sĩ Kim Hoa đã góp phần đưa Trung tâm Y tế dự phòng Cần Giờ trở thành đơn vị vững mạnh nhiều mặt, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 năm 2013.

Thương người bệnh nghèo

Ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khoa nhiễm D là nơi tiếp nhận, cách ly và điều trị sau cùng tất cả bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có các bệnh nguy hiểm từng xảy ra như SARS, H5N1, H1N1 và gần đây là Ebola...

Phải làm việc trong môi trường lây nhiễm cao, quá tải, áp lực tâm lý nặng nề nhưng ở chị Nguyễn Thị Lệ Hồng - điều dưỡng trưởng khoa nhiễm D - luôn toát lên vẻ nhẹ nhàng, ân cần, chu đáo.

Lúc nào chị cũng trăn trở, mong muốn đem những gì tốt đẹp nhất cho bệnh nhân nên đã có nhiều sáng kiến nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng công việc và chăm sóc người bệnh.

Chị còn tham gia xây dựng bộ tài liệu nâng cao tính an toàn trong thực hiện quy trình kỹ thuật điều dưỡng được đánh giá cao trong bệnh viện, là “bàn tay vàng” và đoạt giải ba cuộc thi điều dưỡng trưởng giỏi năm 2014 của ngành y tế TP.

Không đành lòng nhìn bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm cấp tính phải bỏ điều trị nửa chừng vì hoàn cảnh khó khăn, chị Hồng đã khởi xướng và đề xuất thành lập ban bảo trợ công tác xã hội tại bệnh viện từ năm 2012.

“Bệnh truyền nhiễm là bệnh của người nghèo và bệnh nhân đến bệnh viện đa số là người nghèo. Những bệnh nhân này bình thường chỉ đủ ăn, khi phải nhập viện thì chi phí thuốc men, xét nghiệm, viện phí là cả vấn đề nan giải với họ. Ban bảo trợ được thành lập đã kêu gọi được nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm... giúp đỡ bệnh nhân nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần” - chị Hồng chia sẻ.

Để duy trì hoạt động và có kinh phí giúp bệnh nhân nghèo, chị Hồng và ban bảo trợ tìm đủ cách giúp đỡ người nghèo. Năm 2014, ban bảo trợ đã giúp đỡ được gần 50 bệnh nhân nghèo điều trị bệnh với số tiền hỗ trợ hơn 400 triệu đồng.

Vì sức khỏe cộng đồng

Nhận xét về hai bác sĩ sĩ Phạm Thị Kim Hoa và Nguyễn Ngọc Thanh, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - nói theo xu hướng kinh tế thị trường, dòng chảy nhân lực từ hệ dự phòng sang hệ điều trị ngày càng nhiều.

Để trụ được với nghề và làm thật tốt công việc, những bác sĩ y tế dự phòng như chị Kim Hoa, chị Ngọc Thanh phải vượt qua nhiều khó khăn, phải rất tâm huyết và hiểu được ý nghĩa công việc đang làm là vì sức khỏe cộng đồng.

Xã hội thường chỉ ghi nhận và khen ngợi việc một bác sĩ nào đó điều trị khỏi bệnh cho một bệnh nhân mà chưa hiểu công việc của các bác sĩ dự phòng là chăm lo sức khỏe cho cả một cộng đồng lớn chứ không phải một bệnh nhân cụ thể nào đó. Do vậy người làm y tế dự phòng còn nhiều thiệt thòi, thu nhập ít ỏi, chưa được xã hội ghi nhận.

 

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên