Ông Nguyễn Bá Thanh |
Hình ảnh người mẹ luôn ở bên anh dù khi sống bên mẹ hay lúc xa mẹ. Căn nhà đã có sửa sang lại nhưng hình ảnh căn nhà cũ, mái tranh, vách đất với cái chõng tre ba mẹ con ngủ với nhau nhiều năm tháng luôn để lại trong Nguyễn Bá Thanh ấn tượng đặc biệt.
Năm 1954, cha tập kết ra Bắc, để lại ba mẹ con cùng với căn nhà này. Đó là thời kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam sau hiệp định Geneve, nó ứng ngay vào gia đình anh.
Người mẹ trẻ với hai đứa con thơ dại
Đối với mẹ con anh đó là những tháng ngày đen tối. Mấy sào ruộng trên đồng đất khô cằn chẳng thể nào nuôi đủ ba miệng ăn. Bữa sáng không có gì ăn đã đành, bữa trưa, bữa chiều cơm ít sắn nhiều, với những tô canh rau lá hái trong vườn nhà.
Đủ gạo ăn đã khá, các món chi dùng khác là phải vay mượn. Nợ nần, đói kém dồn lên đôi vai người mẹ trẻ với hai đứa con thơ dại.
Đã vậy, là diện có chồng tập kết ra Bắc, cứ mươi ngày nửa tháng bà lại bị chính quyền gọi đi học tập một lần cùng thời gian cỡ mươi ngày nửa tháng. Ở những đợt học tập tố cộng này, cũng như mọi vùng đất khác trên toàn miền Nam, những trò như sám hối ly khai cộng sản diễn ra. Người thần kinh không vững có thể suy sụp ngay từ những đợt học tập đầu tiên.
Ngoài việc khủng bố tinh thần, chính quyền Sài Gòn còn muốn đạt một mục đích khác là đánh vào kinh tế, vì những gia đình phải đi học tập chẳng còn thời gian nào mà lo làm ăn, kiếm sống. Với kiểu bao vây nhiều mặt như vậy, con người ta sẽ dễ dàng suy sụp.
Bá Thanh sẽ không bao giờ quên được cái chết của người chị gái. Năm ấy, chị mười tuổi, hơn anh bốn tuổi. Bây giờ nhớ lại, Bá Thanh biết chị chỉ cảm sốt rồi nặng dần lên vì không thuốc thang.
Trong xã có một ông y tá tư tên là B.Q, mẹ đến nhờ nhiều lần nhưng ông không đến chích thuốc. Có lẽ người ta nghĩ nhà anh quá nghèo, có chích thuốc cũng không có tiền trả.
Người mẹ trẻ chỉ còn biết hái lá thuốc trong vườn ngoài đồng sắc cho con uống. Bệnh tình của chị ngày càng nặng, sau bao lần lay lục van xin, ông y tá cũng đến. Ông nói sẽ chích cho chị một mũi, nhưng vừa rút kim ra chị anh đã tắt thở.
Cái chết của người chị làm bà mẹ trẻ suy sụp, bà thương con gái bứt tóc đến nỗi đầu không còn tóc, như một người cạo đầu.
Mỗi buổi chiều, lẽo đẽo theo mẹ lên thăm mộ chị, Bá Thanh không thể cầm lòng nhìn mẹ lăn lóc khóc thương con. Những hình ảnh ấy in sâu vào tâm trí đứa bé mới sáu tuổi đời là anh, rất khó phai mờ.
Sau này đã trưởng thành, nhiều đêm anh vẫn mơ thấy cảnh chị gái qua đời quá bi thảm như vậy. Thực ra chỉ cần một khoản tiền nhỏ là cứu được chị, nhiều người trong thôn cũng muốn cưu mang mẹ con anh, nhưng người ta sợ liên lụy với gia đình có người tập kết ra Bắc nên không dám. Còn mẹ anh nhiều năm sau vẫn tin con gái mình không thể chết dễ dàng như vậy được.
Sau cái chết của chị gái, Bá Thanh cũng bị hai trận ốm nặng thập tử nhất sinh, nhưng có lẽ do tố chất mạnh mẽ, anh vượt qua được.
Liều mình để giữ phẩm hạnh
Người trong thôn nói với nhau, mẹ anh là người có nhan sắc trong vùng, xứng đôi với cha anh cũng là người đẹp trai. Bá Thanh biết mẹ anh là người nhanh nhẹn, tháo vát.
Bà chỉ biết đọc, biết viết mà làm việc gì cũng gọn gàng. Có ai ngờ được nhan sắc của bà gây nên cuộc chiến khốc liệt để gìn giữ sự trinh tiết, gìn giữ phẩm giá của người phụ nữ, giữ gìn truyền thống cách mạng của gia đình kéo dài cả chục năm.
Không biết cái chủ trương cứ làm cho bất cứ người đàn bà nào có chồng tập kết ra Bắc có bầu là chiến tích của người “quốc gia” do ai phát kiến ra, nghe nói chủ trương này có sự tham gia của trung tâm điều hành Cục tình báo trung ương Mỹ tận bên kia đại dương, mà dân gian thường gọi nôm na là “Chương trình ghẹo gái của CIA”.
Các quan chức chính quyền, nhất là các sĩ quan Sài Gòn trẻ đẹp được khuyến khích xô vào tán tỉnh, lừa lọc, cưỡng ép hoặc dùng bất kỳ kế sách nào để các cô, các chị có chồng theo cách mạng bụng to dần lên, khi những người phụ nữ này đã mang cái bụng bầu rồi nó sẽ làm lung lạc tinh thần của những người chồng ngoài Bắc.
Cái bụng bầu đó làm cho những người phụ nữ vốn là những người đoan chính, kiên trung một lòng hướng về cách mạng không còn gì để nói về phẩm giá, trinh tiết nữa. Nhiều chị em lúc đầu kháng cự quyết liệt nhưng cuối cùng đã thả tay. Cách đánh này của địch gây cho cách mạng những tổn thất sâu sắc.
Bà mẹ của Nguyễn Bá Thanh không thể lọt khỏi kế hoạch thâm độc này, mà bà còn là mục tiêu ham muốn của đám sĩ quan trẻ vì bà có nhan sắc.
Người già trong thôn dặn dò mẹ anh: “Tụi nó thèm cô như yêu tinh thèm Tam Tạng”. Bài bản để chúng tiếp cận mẹ anh cũng là bài bản chung. Đến nhà làm quen, tán tỉnh, phỉnh phì, dụ dỗ rồi đe nẹp. Đang đêm gọi cửa thăm nhà. Mà cửa ngõ ở quê có gì là chắc chắn đâu. Đẩy cái phên tre là vào nhà được rồi.
Đêm ngủ mẹ con anh phải tỉnh thức, có tiếng động là ngồi dậy thủ thế. Bá Thanh nhớ thời ấy dù chỉ mấy tuổi đầu, khi mẹ thức dậy anh cũng cầm một con rựa. Tháng ngày cứ vậy trôi đi, mẹ con anh lúc nào cũng phải dè chừng, cảnh giác mọi phía.
Rồi chúng bày trò đóng quân ngay trong nhà. Đó là những đêm hai mẹ con phải thức trắng. Quân lính dậy đi tiểu mình cũng phải thủ thế, chúng vờ gọi xin nước cũng phải thủ thế.
Bá Thanh nói với mẹ anh sẵn sàng vung rựa, sẵn sàng la làng để bảo vệ mẹ. Không phải chỉ đóng quân trong nhà anh thường xuyên, nhưng có khi một tháng, có khi hai tháng chúng làm một đợt. Những lần như vậy, ban đêm lo thủ thế, ban ngày mệt mỏi không làm lụng được gì.
Một lần có một viên trung đội trưởng tên là Tánh, không rõ chuẩn úy hay thiếu úy, Tánh có tài văn nghệ, đẹp trai mà ham chơi thể thao, y ở ngay trong nhà Bá Thanh, suốt ngày kè kè bà mẹ, đi bước nào y theo bước ấy, bất ngờ chính giữa sân, giữa ban ngày, bà cởi tung áo ngực hét la: “Của tui đây, ông muốn làm gì thì làm”.
Viên trung đội trưởng không kịp phản ứng, bỏ ra khỏi sân trước sự chứng kiến của đám đông có cả quân lính và dân trong thôn.
Cụ Nguyễn Thị Thanh Dung, đồng hương cũ của ông Bá Thanh đau xót khi đến viếng ông - Ảnh: Tấn Lực |
Tối đến bà thì thầm với mấy người bạn gái: “Muốn giữ được mình, muốn tồn tại có lúc phải liều, phải hung, mình liều thì nó thụt, không phải nó muốn gì cũng làm được nấy. Phải giữ mình thì giữ được cho nhiều người khác, quan trọng là đừng để cho nó tụt quần mình …”
Cuộc chiến giữ phẩm tiết của người mẹ thật vất vả, dai dẳng làm hao tổn sức lực của nhiều phụ nữ có chồng theo cách mạng, kéo dài cả chục năm.
Không thể sống mãi với mấy mảnh ruộng cùng cái đói nghèo đeo đẳng, cộng với sự o ép bao vây nhiều mặt của quân thù, người mẹ ấy đã tìm một giải pháp khác. Bà đến nhà ông anh họ, một người làm ăn chỉn chu, lại đang có vốn liếng thuộc loại tư sản hồi đó, đang bí mật đóng góp cho cách mạng để vay tiền.
Ông hỏi: “Cô mượn tiền để làm gì?”. Bà trình bày hoàn cảnh của mình rồi vững vàng nói: “Em buôn bán lài xài biết đâu nó trúng, nó đổi đời cho gia đình em anh ơi”. Ông anh không chần chừ cho bà vay tiền.
Có chút vốn trong tay, bà tính buôn bán cái gì cũng phải quay vòng vốn nhanh. Mua con heo vùng này sang bán vùng khác. Hai tháng sau đúng hẹn bà mang cả tiền vốn và lời trả ông anh.
Ông hỏi nhỏ: "Cô chỉ quen làm nông, buôn bán cách sao mà có tiền trả cho tui đúng hẹn”. Bà nói: “Thì cũng buôn bán lẹt xẹt vậy thôi”, nhưng giọng thì đầy tự tin. Vốn là người sành sỏi thương trường, ông anh họ biết là đồng vốn của mình đã đến đúng người.
"Cô cầm lấy tiếp tục làm ăn, có cần tôi tăng vốn lên không?”. Bà thản nhiên đáp: “Được như vậy thì có chi quý bằng”. Hai ba lần trả tiền đúng hẹn là bai ba lần được tăng vốn. Có lần ông anh tăng lên mười lần khi bà nói chuyện sẽ buôn thuốc lá Cẩm Lệ theo cách buôn tận gốc bán tận ngọn.
Từ đó dần dà gia đình Bá Thanh thoát cảnh đói nghèo.
--------------------
Kỳ 1: Những chuyện chưa từng công bố về ông Nguyễn Bá Thanh
Kỳ 2: Nguyễn Bá Thanh: "Cả đời chưa nhìn thấy Chính phủ bao giờ"
Kỳ 4: Cuộc trốn mật vụ thời tiểu học của Nguyễn Bá Thanh
Kỳ 5: Những ngày ở Hòa Vang của ông Nguyễn Bá Thanh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận