Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Lao động-Thương binh & Xã hội, các tỉnh, thành năm 2015 dứt khoát chuyển đổi mô hình hoạt động của các trung tâm sang hình thức tự nguyện |
Sáng 22-1, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2015, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu, ngành Lao động-Thương binh & Xã hội, các tỉnh, thành nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá lại hiệu quả của các trung tâm cai nghiện.
“Có một sự thật mà chúng ta không phân tích đến cùng, đó là với người nghiện ma túy cai nghiện được là bao nhiêu phần trăm. Con số lạc quan nhất mà tổ chức quốc tế nói với tôi khoảng 80% là tái nghiện, còn ở VN mà một nhà báo nói với tôi là 91% tái nghiện. Bây giờ chúng ta có bao nhiêu trung tâm có chức năng cai nghiện và sau cai nghiện. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, điều này không có gì là bí mật, những người thật sự cai nghiện được là những ai, đó là phần lớn những người đã tự nhận thức được và có một quyết tâm vô cùng lớn", Phó Thủ tướng nói.
"Còn lại, chúng ta phải nhìn vào thực tế đó để đánh giá lại hiệu quả của các trung tâm cai nghiện, mình có cai được đâu, trong khi chi ngân sách cho một người cai ở những trung tâm cai nghiện mỗi năm là hơn 10 triệu đồng, chưa kể gia đình và xã hội đóng góp vào” - Phó thủ tướng phân tích.
Ông Đam cho biết, cả thế giới đã tổng hợp đánh giá coi cai nghiện là điều trị.
“Ở VN chưa phân tích sâu sắc chữ điều trị này trong cả quá trình xử lý. Nghiện là bệnh mãn tính, phải điều trị dùng thuốc thường xuyên. Vậy thì nhìn vào đây mà chúng ta phải đổi mới toàn bộ công tác cai nghiện, và một trong những mắt xích ấy là các trung thâm thuộc bộ và thuộc các địa phương. Bây giờ dứt khoát các trung tâm phải chuyển sang hoạt động theo hình thức tự nguyện. Mình chuyển sang tự nguyện, mình đưa methadone vào, giảm chi phí của xã hội, giảm căng thẳng của xã hội, và theo đúng tinh thần của hiến pháp và pháp luật đã nói về quyền con người” - ông Đam nhấn mạnh.
Ông Đam cũng cho rằng, việc chuyển hoạt động của trung tâm cai nghiện sang hình thức tự nguyện là việc phải bàn rất sâu.
“Tôi cũng thông tin đây là vấn đề mà Thủ tướng trực tiếp nói với tôi là nếu cần tổ chức riêng một hội nghị. Vì vậy, hôm nay tôi đề nghị lãnh đạo các tỉnh trực tiếp làm việc với ngành Công an, Lao động-Thương binh & Xã hội, với các trung tâm cai nghiện của mình để đổi mới trung tâm theo hướng đẩy mạnh sang tự nguyện, xã hội hóa, đảm bảo quyền con người và quyền lợi của những người đang làm nhiệm vụ ở trung tâm cai nghiện. Tự nguyện không phải ai đóng tiền mới được vào, mà những người không có điều kiện thì vẫn duy trì bao cấp, duy trì sự trợ giúp của nhà nước, nhưng những người có điều kiện thì phải huy động thêm vào và làm cho chất lượng tốt lên, môi trường tốt lên. Đây là vấn đề mà năm 2015 phải tập trung làm, hôm nay không phải là kêu gọi mà là giao nhiệm vụ năm 2015 phải làm bằng được” - ông Đam lưu ý.
Trước đó, theo ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2014 tình trạng người nghiện không có nơi cư trú đã trở thành vấn đề nóng bỏng ảnh hưởng tới trật tự xã hội.
“Sau kiến nghị của TP.HCM, được sự cho phép của trung ương, TP.HCM đã triển khai rất quyết liệt, vừa đầu tư điều trị cắt cơn, bình quân mỗi ngày đã đưa vào cơ sở xã hội 40-50 có dấu hiệu nghiện. Trong vòng 50 ngày vừa qua đã đưa vào hơn 5.800 trường hợp có dấu hiệu nghiện, qua sàng lọc có gần 1.400 người sử dụng ma túy. Vì vậy, đến nay đã cơ bản hết các tụ điểm, khu vực trọng điểm về sử dụng ma túy, còn trước khi thì thấy nhan nhản, thậm chí còn dùng cả kim tiêm hăm họa người khác” - ông Dũng nói.
Tại hội nghị, ông Dũng cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy, phác đồ điều trị cho người nghiện. Đồng thời đề nghị Bộ Công an có hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương trong phối hợp về xác định nơi cư trú của người nghiện lang thang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận