Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: V.V.T |
Phó Thủ tướng cho biết như trên trong cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững diễn ra sáng nay 16-1.
Vừa qua tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (các huyện nghèo) đã giảm từ khoảng 38% xuống còn khoảng 33%, tuy nhiên có những nơi vẫn còn đến 60%.
Trong định hướng nêu trên sẽ xây dựng và triển khai một nghị định của Chính phủ gắn với việc phát triển thế mạnh của từng địa bàn cụ thể để giúp bà con giảm nghèo, ví dụ như phát triển thế mạnh của rừng, thế mạnh chăn nuôi, trồng cây dược liệu…
Phó Thủ tướng kể câu chuyện trong một hội nghị gần đây có một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã tha thiết kiến nghị cấp trên “nếu có kế hoạch rút đội ngũ kỹ thuật viên hướng dẫn khuyến nông thì rút từ từ, vì chương trình khuyến nông đã giúp ích cho bà con rất lớn”.
Rõ ràng khi tổ chức khuyến nông một cách thiết thực, giúp cho bà con về khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng thì bà con thấy có hiệu quả thực chất.
Phó Thủ tướng cho rằng kiến nghị nêu trên gợi mở cho các cấp, các ngành suy nghĩ để tìm các giải pháp phù hợp với thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện các chính sách về giảm nghèo, trong đó cần chú ý đến yếu tố ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ. Muốn rút ngắn khoảng cách thì phải từ tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ông Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc, cho rằng địa bàn sinh sống của bà con dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng, về nguồn lực, lại thêm thiên tai, dịch bệnh nên đã làm cho tốc độ giảm nghèo chưa được như mong muốn.
Theo ông Hoan, nếu ai nói rằng hiện nay nhiều bà con trông chờ ỷ lại vào chính sách giảm nghèo là oan, bởi vì qua thực tế ở miền Tây Nghệ An và Thanh Hoá cho thấy ở những vùng có 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì số bà con chủ động đi ra khỏi địa bàn xã để lao động, cải thiện thu nhập chiếm đến trên 50%.
Như vậy vấn đề quan trọng ở đây là đào tạo nghề và giúp bà con tiếp cận được thị trường lao động. Vấn đề nữa là về chuỗi sản xuất, hiện nay bà con gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
“Nhiều nơi tôi đến thì bà con không có nhà vì đều lên nương rẫy lao động, trong nhà chất đầy bí, đầy ngô vì bà con không biết bán ở đâu. Ở huyện Tương Dương (Nghệ An), bà con người Mông nuôi được giống gà đen chất lượng tốt, số lượng lớn, trồng ngô năng suất 6 tấn/hecta, nghĩa là không thua gì vùng đồng bằng” - ông Hoan nói.
Theo thông tin từ cuộc họp, mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2016-2020 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%.
Theo tổng hợp sơ bộ của các địa phương, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8%-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8% - 6%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014), đảm bảo theo kế hoạch đầu năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận