08/01/2015 09:22 GMT+7

​Bầu chọn dân chủ sẽ tìm được người tài

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Ông Vũ Mão - nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ về đổi mới công tác nhân sự của Đảng.

Ông Vũ Mão - Ảnh: Nguyễn Khánh

 Nhân Hội nghị trung ương 10 bỏ phiếu giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Vũ Mão - nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ về đổi mới công tác nhân sự của Đảng.

Ông nói:

- Quy hoạch cán bộ chiến lược, cụ thể là quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư để hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như các nhiệm kỳ tiếp theo là một trong những nội dung hệ trọng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thật ra đây là một việc làm thường xuyên của trung ương như nhiều khóa trước đây, để chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo kế cận.

Trong tình hình hiện nay, công tác này trở nên hết sức hệ trọng bởi đội ngũ lãnh đạo cao cấp nhất sẽ quyết định đến sự phát triển, đến vận mệnh của đất nước trong giai đoạn tiếp theo, giai đoạn có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng với quốc tế.

* Với trải nghiệm năm khóa là ủy viên trung ương, theo ông, điều mấu chốt nhất trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo hiện nay cần làm là gì, để Đảng có được những người tài đứng trong đội ngũ lãnh đạo?

- Cá nhân tôi kiên trì kiến nghị dân chủ hơn nữa trong công tác cán bộ của Đảng nói chung và đặc biệt là trong công tác tuyển chọn cán bộ cao cấp.

Thứ nhất, khi quy hoạch phải lựa chọn rộng hơn, nhân sự quy hoạch không chỉ giới hạn trong trung ương mà phải mở rộng diện tuyển chọn, giới thiệu từ cấp ủy cơ sở.

Thứ hai, phải bầu cử mở rộng và có tranh cử.

Nên khuyến khích ứng cử, đề cử rộng rãi, có nhiều ứng cử viên. Các ứng cử viên phải có cương lĩnh tranh cử, chương trình hành động, thậm chí các ứng cử viên tranh luận với nhau...

Tranh cử không phải là bè phái, tiêu cực, mà là phương pháp để chọn ra người xứng đáng nhất. Chúng ta từng có bài học rất thành công khi Quốc hội bầu thủ tướng với hai ứng cử viên là Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt.

* Trong nhiệm kỳ hiện tại, Ban Chấp hành trung ương tuy đã tiến hành bầu nhiều lần nhưng vẫn chưa đủ số lượng thành viên Bộ Chính trị như dự kiến. Tình huống này có thể dẫn đến việc một nhân sự lúc đầu được quy hoạch để giữ vị trí này nhưng thực tế sau khi bầu lại giữ vị trí khác...

- Công tác quy hoạch, tuyển chọn cán bộ của Đảng có lúc bị động, cập rập, thiếu sự chuẩn bị bài bản từ trước.

Lẽ ra chúng ta phải xuất phát từ vị trí công việc với những tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể để lựa chọn nhân sự thì có lúc lại phải làm ngược, tức là bầu người rồi sau đó mới phân công nhiệm vụ.

Mỗi người có năng lực, chuyên môn, trải nghiệm ở những lĩnh vực khác nhau, để xảy ra tình trạng như anh nói là nhân sự định quy hoạch giữ vị trí này nhưng bầu xong lại giữ vị trí khác không phải là vị trí tối ưu với năng lực, chuyên môn của mình thì không thể phát huy hết sở trường, năng lực được.

* Thưa ông, giai đoạn 2016-2021 có ý nghĩa đặc biệt đối với tiến trình phát triển của đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới. Ông kỳ vọng gì vào thế hệ lãnh đạo đất nước giai đoạn này?

- Điều tôi kỳ vọng nhất là chúng ta đổi mới được cách thức bầu chọn lãnh đạo như trên đã trình bày. Nếu đổi mới cách bầu chọn thì chúng ta sẽ có được những người tốt nhất để lãnh đạo đất nước.

“Đây là việc mới, khó và rất nhạy cảm”

Ông Nguyễn Đức Hà - Ảnh: Cù Zap

Đó là nhìn nhận của ông Nguyễn Đức Hà (vụ trưởng, Ban Tổ chức trung ương, thành viên tổ giúp việc Bộ Chính trị thực hiện nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng) khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Ông Hà nói:

- “Quy hoạch Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo” là tên một đề án đã được trung ương thông qua và đến nay đang từng bước thực hiện.

Theo tôi hiểu, việc lấy phiếu giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tiến hành tại Hội nghị trung ương 10 là giới thiệu trực tiếp nhân sự cho khóa tới (khóa XII) chứ chưa giới thiệu cho các khóa sau đó. Bởi theo các quy định hiện hành thì nhân sự để giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là các đồng chí đang là ủy viên trung ương.

Đây là quy hoạch nguồn, bao gồm quy hoạch nguồn trực tiếp (để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo nhiệm kỳ tới), sau đó đến nguồn xa hơn thì phải kém tối thiểu 5 tuổi và các khóa sau nữa thì tuổi phải trẻ hơn nữa, thậm chí giới thiệu từ ông vụ phó hoặc vụ trưởng bây giờ để 5-10 năm tới đảm nhiệm chức bộ trưởng.

Tôi phải nói rằng đây là một việc làm mới, khó và rất nhạy cảm nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh.

Lúc đầu trung ương quyết định đề án với tham vọng là cùng lúc quy hoạch đối với cả ủy viên trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Qua quá trình thực hiện, Bộ Chính trị thấy rằng nếu cùng lúc làm như vậy rất khó, nên cần phải phân khúc ra, tức là làm đến cấp trung ương trước và khi quy hoạch trung ương thấy tương đối rõ rồi thì mới quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khi quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư rõ rồi thì mới quy hoạch các chức danh chủ chốt như tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội.

Thời gian qua, để tiến hành một bước cho công tác quy hoạch, các cơ quan có trách nhiệm đã tuyển chọn và tổ chức các “lớp nguồn” với thành phần có cả ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, bí thư, chủ tịch cấp tỉnh và cấp vụ trưởng để đào tạo, bồi dưỡng nhằm dự nguồn xa, rộng cho vị trí lãnh đạo các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ sau.

L.K. ghi

Ngày làm việc thứ ba Hội nghị trung ương 10

Tiếp tục chương trình Hội nghị trung ương 10, cả ngày 7-1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng.

 

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên