01/12/2014 11:29 GMT+7

Đừng để con cháu phải gánh hậu quả

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Ông Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã nói như trên khi phân tích việc cấp phép cho dự án ở đèo Hải Vân...

Ảnh: Nguyễn Khánh
Ảnh: Nguyễn Khánh

Phân tích việc cấp phép cho dự án ở đèo Hải Vân, ông Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng yếu tố đầu tiên phải lưu ý là đảm bảo an ninh quốc phòng, tránh để con cháu phải gánh hậu quả.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thắng nói:

- Tôi rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, đề cập việc hợp tác với Trung Quốc hay với các nước phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.

Đòi hỏi cao nhất, tiên quyết nhất trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là phải đảm bảo được an ninh quốc gia lâu dài cho đất nước. Không thể để con cháu mai sau phải xử lý các hậu quả mà ông cha để lại, dù dự án ấy trước mắt có thể mang lại lợi ích...

Còn bao nhiêu dự án tương tự?

Từ việc rút phép dự án ở Hải Vân, cần rút ra kinh nghiệm cho các địa phương khác trong hướng xử lý các dự án đã trót cấp hoặc sẽ cấp phép...
Ông PHAN HỮU THẮNG

* Các địa phương đang đua nhau thu hút FDI, có thời gian còn ưu đãi vượt khung, phải “tuýt còi”. Có phải việc chạy đua thu hút đầu tư đã khiến một số địa phương thiếu cân nhắc các yếu tố trước khi cấp phép?

- Thật ra, việc thu hút FDI phải đảm bảo quốc phòng, an ninh là tiêu chí đã được đặt ra ngay từ đầu khi chúng ta mở cửa, hội nhập. Vấn đề là khâu thực thi có sơ suất, kiểu như cấp phép dự án làm khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế.

Các địa phương đang có áp lực trong thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Sức ép thu hút FDI có thể có từ yêu cầu của HĐND, khi các đại biểu chất vấn, rồi tỉnh khác thu hút được nhiều, tại sao mình lại không... Đó là những sức ép không nhỏ.

Nên khi có nhà đầu tư quan tâm thì thường có tâm lý muốn nhận. Về chủ trương thì không sai, nhưng có thể có dự án tiềm ẩn bất lợi sau này...

* Câu hỏi là chúng ta còn bao nhiêu dự án kiểu như thế này?

- Tôi đánh giá cao việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án, tức là dám nhận sai lầm. Không phải ai, cơ quan nào cũng dám nhận sai như vậy.

Cần khuyến khích việc dám nhận sai, dám xử lý, sửa chữa đúng lúc. Không riêng gì Huế, địa phương khác cũng có thể có dự án tương tự, nhưng chưa dám làm.

Nói rộng ra thì dự án Formosa cũng nằm ở khúc ruột miền Trung, rồi sau đó có hàng ngàn lao động nước ngoài vào khiến nhiều người lo ngại. Một số ý kiến cũng cho rằng họ đòi ưu đãi nhiều quá, rồi lao động họ vào quá nhiều.

Tiền lệ mới đây chúng ta cũng nên cảnh giác. Sau này có vấn đề gì, họ lấy cớ bảo vệ công dân của họ, hay họ vào đưa hàng nhân đạo thì mình sẽ làm sao?...

* Theo ông, có cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thẩm định dự án đầu tư? Hiện quy định không rõ trách nhiệm?

- Đúng là hiện nay khó tìm ra điều nào, khoản nào quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong thẩm định dự án đầu tư, nhất là đối với các dự án có tính liên ngành, liên vùng.

Nhưng từ trước tới nay chúng ta đều hiểu: người đứng đầu cơ quan, bộ phận hoặc hội đồng thẩm định khi đã được thành lập... đều có trách nhiệm trước pháp luật về kết quả họ đã thẩm định, ký trình.

Thực tế, thẩm định các dự án đầu tư đòi hỏi người đứng đầu bộ phận thẩm định phải có nghiệp vụ rất sâu, có đội ngũ chuyên gia giỏi, trung thực.

Hiện quy trình thẩm định rất chặt chẽ, vấn đề là thực hiện có đúng quy trình không. Nếu sai thì cần xem là cố ý hay yếu về nghiệp vụ...

Tuy nhiên, người đứng đầu trong thẩm định dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan cấp trên về báo cáo, kiến nghị. Còn người xem xét quyết định cấp phép không theo kết quả thẩm định sẽ chịu trách nhiệm cao hơn trong trách nhiệm cấp phép.

* Bây giờ các địa phương cấp phép là chính. Việc phân cấp quá nhiều có nên xem lại?

- Theo tôi, qua vụ cấp phép ở đèo Hải Vân, địa phương chắc sẽ có kiểm điểm. Nên làm nghiêm túc xem sai, sơ sót ở khâu nào, vì sao không xin ý kiến của Quân khu 4, Bộ tư lệnh Biên phòng... để tránh những trường hợp tương tự.

Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng nên xem lại quy trình thẩm tra, vì nếu với những dự án lớn sẽ phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi cấp phép. Bộ Kế hoạch - đầu tư nên rà soát lại để rút kinh nghiệm, chỉnh sửa.

Còn phân cấp, chúng ta đã tính toán hết các khả năng. Khi xem xét những dự án cụ thể phải xin ý kiến ở đâu, xin ý kiến ai... đều đã có. Nhưng khi xin ý kiến có tình trạng chậm trả lời. Mà mỗi cơ quan chậm trả lời vài ngày thì tổng thời gian chờ đợi vượt đến cả tháng. Nên cần xem là có thể rút ngắn hơn nữa thời hạn cấp phép đầu tư không.

Các cơ quan cũng cần trả lời đúng thời hạn, đúng thẩm quyền. Hỏi ông cái A, xin ông trả lời đúng cái A, đừng trả lời chung chung hoặc sang lĩnh vực khác.

Chú ý đối tác, địa điểm

Quy hoạch FDI để tránh bệnh thành tích

* Việc bệnh thành tích trong thu hút FDI đã được nói nhiều, trước là ưu đãi quá quy định phải “tuýt còi”, còn bây giờ là dễ dãi trong thẩm định. Có giải pháp nào hạn chế bệnh thành tích không, thưa ông?

- Theo tôi, mỗi địa phương cũng như mỗi quốc gia đều có các lợi thế và hạn chế rất riêng, nên thu hút FDI không thể nơi nào cũng giống như nhau được. Do vậy, cần thống nhất tư tưởng: không thể có chuyện các địa phương phải thu hút được một lượng FDI như nhau. Tôi nghĩ Chính phủ cũng hiểu rõ điều đó. Để thu hút FDI có hiệu quả chung cho cả nước, tránh bệnh thành tích, theo tôi, cần có quy hoạch trong thu hút FDI của cả nước. Trong đó cần xác định rõ quy hoạch FDI cho từng địa phương, tương ứng với điều kiện cụ thể, như vậy sẽ hạn chế bệnh thành tích.

* Vậy theo ông, giải pháp tránh “đi cửa sau” các dự án FDI là gì?

- Theo tôi, đó là xây dựng đội ngũ làm đúng trách nhiệm, có quy trình thẩm định, điều kiện cấp phép công khai, minh bạch. Được thế, cán bộ ở bất kỳ cấp nào nếu làm sai quy trình (như chậm về thời gian trình, yêu cầu bổ sung hồ sơ không đúng, lấy thêm các ý kiến sai quy trình...) sẽ dễ dàng bị nhận ra.

Ngoài ra, công tác giám sát cần chặt chẽ. Nhưng nói thật, để thực hiện được thật tốt, mọi vấn đề đều công khai, rõ ràng là không phải dễ. Vì nhiều dự án khác nhau thì nhiều điều kiện khác nhau, phẩm chất của đội ngũ cũng khác nhau...

Trong giai đoạn tới, theo tôi, phải chú ý hai điều khi thu hút vốn FDI là đối tác và địa điểm.

* Gần đây có nhiều dự án quy mô lớn, chúng ta cần ứng xử thế nào với các dự án này?

- Theo tôi, cần xem thực tế họ giải ngân bao nhiêu, có đúng số vốn họ công bố hay không. Qua các dự án lớn mới thấy quản lý của chúng ta vẫn còn yếu. Một số cái họ đăng ký, ta ưu đãi, nhưng vốn thật sự họ đưa vào bao nhiêu ta có nắm được không, hay họ cộng cái này sang cái kia?

Dự án lớn có tính hấp dẫn, nhưng các địa phương không nên quá chú trọng lợi ích mà không xét đến những bất lợi về an ninh, quốc phòng... Phải nhìn thực chất. Ta đã có bài học là nhiều dự án bất động sản lớn nhưng cuối cùng họ không triển khai.

* Thủ tướng nói hợp tác với Trung Quốc hay với các nước khác phải “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Theo ông, cần cụ thể hóa để thực hiện như thế nào?

- Từ thực tế các điểm nóng trên thế giới hiện nay, không thể cho họ điều kiện quá ưu đãi rồi sau này họ yêu cầu vào bảo vệ tài sản doanh nghiệp của họ thì sao? Phải có đấu tranh, có chọn lựa. Bước đi tiếp của FDI những năm tới cũng nên tính lại. Chiến lược đã có rồi, nhưng khâu thực hiện phải xem xét.

Đặc biệt, tình hình hiện nay đòi hỏi những người đứng đầu, quyết định các dự án đầu tư phải có bản lĩnh. Không thể công khai chọn anh này, bỏ anh kia. Nhưng ngồi nội bộ anh phải dám khước từ, dám lựa chọn vì lợi ích lâu dài, sự ổn định của đất nước.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên