05/11/2014 06:00 GMT+7

​Luyện thi vào lớp 6 trường chuyên từ… lớp 2

VÕ HƯƠNG - QUANG QUÝ
VÕ HƯƠNG - QUANG QUÝ

TTO -  “Chạy đua” cho con vào các trường chuyên, nhiều phụ huynh đã tìm mọi cách "nạp" kiến thức các em bằng việc cho đi học thêm, luyện thi từ nhỏ.

Phụ huynh tranh thủ cho con ăn chiều trước khi dẫn vào lớp học thêm. Ảnh: Như Hùng

Xử lý nghiêm nếu vi phạm quy định dạy thêm, học thêm; không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6, không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học…là một trong những nội dung chỉ thị Bộ GD-ĐT vừa ban hành.

Tuy nhiên, thực tế ra sao?

Luyện thi từ “trong trứng”

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, độc giả M. (Hà Nội) cho biết, ở trường chuyên tại Hà Nội hiện vẫn mở những lớp luyện thi dành cho con em các phụ huynh có nhu cầu, nguyện vọng thi tuyển vào trường chuyên.

Thông thường thì các trường sẽ tổ chức luyện thi cho các em từ bậc tiểu học. 

Chương trình học khá bài bản, cứ 2 tháng một lần, các em đi “luyện” phải qua kì thi kiểm tra chất lượng để phân loại, sắp xếp, đưa các em vào các lớp với mức độ và chương trình học khác nhau.

Không chỉ luyện thi ở các trường, các "lò" luyện, nhiều phụ huynh muốn con thi đậu vào cấp 2 của Trường Amstesdam, đã "gửi gắm" con mình đến nhà thầy cô để luyện thi vào trường chuyên từ lớp...2. 

Mặc dù được xây dựng trên một chương trình học và nền tảng bài bản, nhưng các em còn quá nhỏ, liệu có quá sớm, khi các phụ huynh cho các em luyện thi vào cấp 2 từ thời điểm các bé mới 8 -10 tuổi?

Thời gian các em học chính khóa cả ngày, học thêm phải học vào ban đêm là tất yếu.

Không chỉ Hà Nội, ở TP.HCM không ít phụ huynh chay đôn chạy đáo cho con đi học luyện thi từ lớp 4 - lớp 5 ở nhà các thầy cô và học ở các lò “luyện” để có thể thi vào cấp 2, trường Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).

Một buổi học luyện thi vào lớp 6 trường THPT Trần Đại Nghĩa của học sinh các trường trong TP.HCM. Ảnh: Như Hùng

Thạc sĩ Hoàng Thị Tuyết – khoa Giáo dục Tiểu học – Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM cho biết, vì các em còn học tiểu học nên những tác động ở thời điểm này sẽ để lại những ảnh hưởng lâu bền cho trẻ.

Nhưng có đúng là ba mẹ đang thực hiện giáo dục con dựa trên quan điểm, yêu thích, sở trường của con không? Vì trẻ còn rất nhỏ, nên tất cả những sự quyết định này đều tùy thuộc vào cha mẹ.

Nếu không đúng theo những gì con thích thì mức độ tiếp thu kiến thức sẽ rất thấp.

Có thể vài năm sau, trẻ sẽ đậu vào lớp chuyên văn, chuyên toán (của trường chuyên), nhưng liệu trẻ có thích và có hạnh phúc khi thành công về sau?

Nếu trẻ không thích thì thật sự tất cả những sự cố gắng của cha mẹ cũng chỉ là sự ép uổng và vô nghĩa.

>> Thạc sĩ Hoàng Thị Tuyết

Phụ huynh, giáo viên, chương trình học: lỗi nơi ai?

Báo Tuổi Trẻ liên tục nhận được hàng ngàn phản hồi từ phía độc giả về vấn đề này.

Đa số đều tập trung ở ba nguyên nhân: vì phụ huynh muốn con mình học giỏi nên bắt ép, vì đồng lương eo hẹp nên buộc lòng giáo viên phải “làm thêm” và vì chương trình học còn quá nặng khiến các em không theo kịp, dẫn đến trình trạng học thêm.

Theo chị Trần Thị Thêm - phụ huynh của một HS học lớp 2 (Q.Thủ Đức), vấn đề chính là nằm ở chương trình học.

Nếu như cắt giảm một số nội dung cũng như sắp xếp hợp lý để cho các em học hết toàn bộ kiến thức tại trường thì các em sẽ không phải đi học thêm.

>> Chị Trần Thị Thêm

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một lớp học thêm bình thường của một giáo viên có khoảng 15 - 25 em, học phí học thêm 450.000 đồng - 500.000đ/ hoc sinh, một tuần học 3 buổi. Nhiều cô giáo “đắt sô” dạy liên tục hai ca, xen kẽ 6 buổi tối (ca 1: 17g – 18g30 ; ca 2: 19g - 20g30). Nếu cố gắng “cày”, giáo viên dạy trung bình từ 2-4 lớp/tuần cũng thu được 15 - 40 triệu đồng/ tháng.

Comment của độc giả Huỳnh Thanh Liêm cho biết: “Ở đâu cũng vậy. Con mình học lớp 3 ở TP.HCM, không cho đi học thêm cô chủ nhiệm. Cô giáo chủ nhiệm chê tơi tả, mẹ đi đón nghe cứ rát cả 2 tai.

Bé học tốt cô không nói chuyện học được (năm nào cũng đoạt giải Violympic toán cấp quận, giải Lê Quý Đôn , giải hùng biện), cô quay sang “hành” chuyện khác. Con tôi lùn nhất lớp, cô cho ngồi bàn cuối cùng, than phiền bé nào là không ngoan, không nghe lời, hay nói chuyện,  đủ cả…”

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, bản thân từng là giáo viên và hiện đang tham gia dạy thêm cho một số con em đang học tiểu học của những người quen, cô Hồ Kim Loan (TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Việc dạy học của mình chủ yếu là kiếm thêm một ít thu nhập khi đồng lương còn quá thấp”.

>> Cô Hồ Kim Loan

Thạc sĩ Hoàng Thị Tuyết cho rằng, mấu chốt vấn đề này vẫn nằm ở chính sách của nhà nước. Thực tế đồng lương của giáo viên vẫn còn thấp, không thể đủ để nuôi sống bản thân và gia đình của họ.

Bên cạnh đó, việc môi trường học tập, thiết bị nghèo nàn cũng như mức độ tiếp thu của các học sinh không đồng đều, dẫn đến phát sinh nhu cầu phụ đạo.

>> Thạc sĩ Hoàng Thị Tuyết

Tuy nhiên, bên cạnh việc cấm dạy thêm học thêm, thay đổi cấu trúc chương trình, thì thạc sĩ Hoàng Thị Tuyết còn đề xuất phải nên có một sự điều chỉnh cho mức lương của giáo viên cũng như có những biện pháp hỗ trợ.

Vì đây chính là điểm mấu chốt, căn cơ để giáo viên có thể tập trung hơn vào công việc giảng dạy chính khóa tại trường, yên tâm với cuộc sống “cơm áo gạo tiền”.

Nếu không sẽ rất khó giải quyết từ “gốc” tình trạng dạy thêm, học thêm của bậc tiểu học.

>> Thạc sĩ Hoàng Thị Tuyết

Một buổi học thêm của học sinh lớp 1 tại nhà giáo viên tại TPHCM. Ảnh: Như Hùng

“Nghiêm cấm tổ chức dạy thêm, học thêm ở tiểu học dưới mọi hình thức”

Với chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT “chấn chỉnh dạy thêm học thêm đối với giáo dục tiểu học”, nhiều "điều cấm" đã được nhắc lại yêu cầu nghiêm túc thực hiện, nhưng trên thực tế, đây lại là những vấn đề đang diễn ra phổ biến với các hình thức biến tướng khác nhau.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Không phải chờ đến khi có Chỉ thị trên thì những quy định cấm mới được đặt ra mà tại nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã đề cập, quy định rõ.

Cụ thể, tại Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm tổ chức dạy thêm, học thêm ở tiểu học dưới mọi hình thức.

 Trong công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học của cấp tiểu học, hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đều lưu ý việc không giao bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày.

Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã quy định bỏ thi học sinh giỏi tiểu học, xóa lớp chọn ở tiểu học và THCS, cấm thi tuyển sinh đầu vào lớp 6... Tôi khẳng định, với chức năng quản lý Nhà nước, Bộ GD-ĐT đã có những quy định kịp thời và cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm  tràn lan, nhất là ở cấp tiểu học”.

Chỉ thị của Bộ trưởng vừa ban hành chỉ nhắc lại những nội dung đã quy định để các sở GD-ĐT tiếp tục thực hiện nghiêm túc.”

Vĩnh Hà thực hiện.

VÕ HƯƠNG - QUANG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên